ASEAN thông qua 3 Tuyên bố chung

Ngày 27-4, Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 26, diễn ra trong một ngày tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) với sự tham dự của lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN, đã bế mạc với việc ra 3 tuyên bố chung: Tuyên bố Kuala Lumpur về ASEAN lấy người dân làm trung tâm; Tuyên bố Langkawi về Phong trào ôn hòa toàn cầu và Tuyên bố Kuala Lumpur về thể chế hóa khả năng tự cường của ASEAN, các cộng đồng và người dân đối với thảm họa và biến đổi khí hậu.
ASEAN thông qua 3 Tuyên bố chung

Ngày 27-4, Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 26, diễn ra trong một ngày tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) với sự tham dự của lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN, đã bế mạc với việc ra 3 tuyên bố chung: Tuyên bố Kuala Lumpur về ASEAN lấy người dân làm trung tâm; Tuyên bố Langkawi về Phong trào ôn hòa toàn cầu và Tuyên bố Kuala Lumpur về thể chế hóa khả năng tự cường của ASEAN, các cộng đồng và người dân đối với thảm họa và biến đổi khí hậu.

ASEAN thông qua 3 Tuyên bố chung ảnh 1

Lãnh đạo các nước ASEAN chụp ảnh chung tại hội nghị.

Quan ngại diễn biến phức tạp ở biển Đông

Tại hội nghị, với chủ đề năm 2015 “Người dân của chúng ta, Cộng đồng của chúng ta, Tầm nhìn của chúng ta”, lãnh đạo các nước đã tập trung trao đổi về các nội dung quan trọng liên quan tới hình thành Cộng đồng ASEAN 2015; xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015; cải tiến tổ chức bộ máy và lề lối làm việc của ASEAN; quan hệ đối ngoại của Hiệp hội; vai trò trung tâm của ASEAN; các thách thức đối với ASEAN và hướng xử lý và trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế.

Về xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015, lãnh đạo các nước nhấn mạnh ý nghĩa của việc hình thành Cộng đồng ASEAN cuối năm 2015, hoan nghênh kết quả hoàn thành hơn 93% các dòng hành động trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015, nhấn mạnh các nước cần tiếp tục triển khai ở cả cấp quốc gia và khu vực, để hoàn thành các mục tiêu còn lại trên cả ba trụ cột, bảo đảm hình thành Cộng đồng ASEAN đúng thời hạn.

Về xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015, các lãnh đạo cho rằng cần xác định rõ mục tiêu và định hướng phát triển của Hiệp hội 10 năm tới, kế thừa và phát huy các thành quả mà ASEAN đã đạt được, thúc đẩy liên kết ASEAN sâu rộng hơn, có tính khả thi và hướng tới người dân, vì lợi ích thiết thực của người dân khu vực.

Về quan hệ đối ngoại, hội nghị khẳng định ASEAN cần tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước đối tác, chủ động đẩy mạnh quan hệ trên cơ sở phát huy và tận dụng tối đa thế mạnh của từng đối tác. Các lãnh đạo nhấn mạnh ASEAN cần tiếp tục nỗ lực tăng cường đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm; phát huy và nâng cao hiệu quả của các khuôn khổ và cơ chế hiện hành do ASEAN giữ vai trò chủ đạo; chủ động và đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển của khu vực, cũng như ứng phó hiệu quả với các thách thức lớn ở khu vực, kể cả an ninh truyền thống và phi truyền thống. Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, các lãnh đạo đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về các diễn biến phức tạp hiện nay ở biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không cũng như các nguyên tắc mà ASEAN đã thống nhất về biển Đông.

Ứng phó các thách thức về kinh tế, an ninh

ASEAN cần phải xử lý các bất đồng một cách hòa bình, kể cả việc giải quyết các tuyên bố chủ quyền biển chồng lấn, mà không làm căng thẳng thêm tình hình. ASEAN cần phải tích cực, chủ động giải quyết những diễn biến này với tinh thần xây dựng, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) phải là cơ sở của các quy định về can dự và các hoạt động ở biển Đông. Là Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN 26, Malaysia hy vọng ASEAN sẽ đạt tiến triển trong nỗ lực sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Kết thúc hội nghị, các lãnh đạo đã thông qua 3 Tuyên bố: Tuyên bố Kuala Lumpur về ASEAN lấy người dân làm trung tâm; Tuyên bố Langkawi về Phong trào ôn hòa toàn cầu và Tuyên bố Kuala Lumpur về thể chế hóa khả năng tự cường của ASEAN, các cộng đồng và người dân đối với thảm họa và biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 là dấu mốc lịch sử của tiến trình liên kết ASEAN và là kết quả của những nỗ lực hợp tác không ngừng của các nước thành viên trong gần 5 thập kỷ qua, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ASEAN. Thủ tướng nhấn mạnh, ASEAN cần tăng cường vai trò trung tâm của Hiệp hội, thúc đẩy đối thoại và hợp tác để ứng phó hiệu quả với các thách thức kinh tế và an ninh, kể cả an ninh phi truyền thống.

Cũng tại phiên toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hoan nghênh phát biểu của Thủ tướng Malaysia Najib Razak với tư cách Chủ tịch ASEAN, chia sẻ các ý kiến, bày tỏ lo ngại về những hoạt động tồn tại, bồi đắp quy mô lớn ở biển Đông, cũng như những hệ lụy của chúng; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các nguyên tắc tự kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm thông qua COC.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Thủ tướng Thái Lan, Thủ tướng Malaysia và Tổng thống Philippines

Bên lề Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 26 tại Malaysia, ngày 27-4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội kiến Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha. Hai bên đã thảo luận các biện pháp để thúc đẩy kim ngạch thương mại lên 15 tỷ USD trước thời hạn 2020.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có các cuộc tiếp xúc song phương với Thủ tướng nước chủ nhà Malaysia Najib Tun Rajak, Chủ tịch ASEAN năm 2015. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam luôn dành ưu tiên cao cho hợp tác thương mại gạo với Malaysia, đề nghị hai bên xem xét ký riêng Bản ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo cấp chính phủ nhằm tạo khung pháp lý, đưa hoạt động này đi vào ổn định. Thủ tướng Malaysia Najib Tun Rajak khẳng định Malaysia sẽ cùng thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực; sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động Việt Nam đang làm việc tại Malaysia, đặc biệt là trong tiếp cận với các công việc có tay nghề và thu nhập ổn định; nhất trí hai bên sớm ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về tuyển dụng lao động Việt Nam sang làm việc tại Malaysia trong năm 2015.

Tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino III, hai bên bày tỏ hài lòng về sự phát triển quan hệ song phương Việt Nam - Philippines vì lợi ích của hai nước và những lợi ích chung của khu vực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Aquino đã trao đổi về các biện pháp cụ thể để mở rộng giải quyết các vấn đề về ngư dân, hợp tác nông nghiệp và thương mại gạo, hợp tác biển, an ninh thông tin, đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục