Phó Tổng thư ký Liên hiệp quốc thăm vùng hạn, mặn Bến Tre

(SGGP).- Ngày 5-5, Phó Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Jan Eliasson và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, cùng lãnh đạo tỉnh Bến Tre đã có chuyến khảo sát thực tế ở địa bàn huyện Ba Tri, một trong những nơi chịu thiệt hại nặng nhất do hạn, mặn gây ra. Chứng kiến những cánh đồng khô cằn, đất nứt nẻ vì hạn hán, cây lá xác xơ, trong khi nhiều đám ruộng bị nhiễm mặn khô quéo… khiến đoàn công tác chạnh lòng. 

Ông Jan Eliasson đã đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Nương, ngụ xã Phú Ngãi (huyện Ba Tri), chia sẻ những khó khăn mà bà Nương cũng như nhiều hộ dân địa phương hứng chịu trong cơn hạn, mặn lịch sử đã và đang trải qua. Hiện tại, độ mặn ở con kênh mà gia đình bà Nương và hàng trăm hộ dân đang sử dụng là 1,9‰. Đoàn đã đến kiểm tra Nhà máy nước Bảo Thuận, nơi cung cấp nước cho rất nhiều hộ dân vùng nông thôn huyện Ba Tri, nhưng nhà máy cũng bị nhiễm mặn. Vì thế, việc sinh hoạt của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Trước những vất vả của người dân vùng hạn, mặn ở Bến Tre, ông Jan Eliasson cho biết: “Sẽ chuyển những thông điệp của người dân nơi đây tới cuộc Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về nhân đạo tới đây, để kêu gọi sự hỗ trợ. LHQ sẽ phối hợp với Bộ NN-PTNT và các ngành chức năng ở Việt Nam tìm giải pháp hỗ trợ tích cực cho người dân”.

Ông Jan Eliasson đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam và người dân trong việc phòng chống hạn, mặn lịch sử diễn ra trong thời gian qua và tin tưởng Việt Nam sẽ vượt qua những khó khăn, sớm ổn định sản xuất…

Sau khi nghe Bộ NN-PTNT thông tin về tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL năm nay về sớm, xâm nhập sâu và kéo dài, trong nhiều nguyên nhân thì có sự tác động không nhỏ của các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công, khiến cho nước từ thượng nguồn không về được hạ nguồn, từ đó mặn xâm nhập vào ĐBSCL ngày càng sâu hơn, Phó Tổng thư ký LHQ cho rằng, cần thúc đẩy mối quan hệ hài hòa giữa các nước trong cùng khu vực về việc sử dụng nguồn nước trên sông Mê Công. LHQ sẽ vận động các tổ chức quốc tế về môi trường trên thế giới hướng về Việt Nam, những nơi bị ảnh hưởng từ nguồn nước sông Mê Công.

NGỌC DÂN

Tin cùng chuyên mục