Nâng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Nhật Bản lên 60 tỷ USD

Đối thoại chính sách kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản
Nâng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Nhật Bản lên 60 tỷ USD

Hôm nay, 27-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Ngày 26-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến với Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon trong chuyến thăm Nhật Bản và dự Hội nghị G7 mở rộng

Đối thoại chính sách kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản

Tại buổi đối thoại với chủ đề “Việt Nam hội nhập và phát triển”, đại diện Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản khẳng định Việt Nam là đối tác vô cùng quan trọng đối với Nhật Bản. Với khoảng 1.500 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động đầu tư, hợp tác, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, việc hai nước cùng thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mở rộng hơn nữa dư địa hợp tác, phát triển kinh tế song phương trong thời gian tới. Phía Nhật Bản bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Việt Nam, nhất là những lĩnh vực mà Nhật Bản có thế mạnh như dệt may, năng lượng, đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục, đào tạo…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” giữa Việt Nam và Nhật Bản đang trải qua giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trên tất cả các lĩnh vực kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Với nền tảng đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi mở và khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào các dự án thuộc 6 nhóm lĩnh vực trong khuôn khổ hợp tác phát triển công nghiệp hóa Việt Nam - Nhật Bản, các dự án phát triển hạ tầng, dự án theo hình thức PPP, dịch vụ chất lượng cao, tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, tham gia đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm đối với các dự án khởi nghiệp gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đề cập việc triển khai TPP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hai nước hoàn toàn có khả năng nâng kim ngạch thương mại song phương lên 60 tỷ USD vào năm 2020. Việt Nam hoan nghênh Nhật Bản mở cửa thị trường cho trái cây Việt Nam như xoài, vải, thanh long… và mong muốn tiếp tục đưa nhiều hơn các mặt hàng thủy sản, hàng tiêu dùng, điện tử, linh kiện sản xuất tại Việt Nam đến với người tiêu dùng Nhật Bản.

Cũng trong chiều 26-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Thống đốc tỉnh Aichi, Nhật Bản Hideaki Omura, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Hiroyuki Ishige, Chủ tịch Tập đoàn Hàng không ANA Holding Inc. Shinichiro Ito.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến TP Nagoya, tỉnh Aichi, bắt đầu thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng

Sôi động các cuộc gặp song phương

Chiều 26-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội kiến với Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena, hai bên đã nhất trí tăng cường quan hệ hai nước, thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, định kỳ tổ chức và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương hiện có, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực... Về hợp tác phát triển kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác kỹ thuật với Sri Lanka trong lĩnh vực nông nghiệp; đề nghị Tiểu ban Hợp tác thương mại hai nước tăng cường trao đổi và đề ra các biện pháp thúc đẩy, đưa kim ngạch thương mại tăng trưởng cao hơn tương xứng với tiềm năng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Sri Lanka quan tâm và ủng hộ lập trường của ASEAN và Việt Nam trong giải quyết vấn đề biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

Tại cuộc hội kiến với Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam cam kết tích cực tham gia vào các nỗ lực của LHQ vì một thế giới hòa bình và phát triển bền vững; tăng cường tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, phát huy vai trò thành viên tại các cơ quan LHQ như Hội đồng nhân quyền, Hội đồng kinh tế xã hội... Chia sẻ những khó khăn của Việt Nam do hậu quả của hạn hán, biến đổi khí hậu, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon thông báo đã bổ nhiệm đặc phái viên về vấn đề chống hạn hán để hỗ trợ các nước. Về vấn đề biển Đông, Tổng Thư ký LHQ nhắc lại lập trường nhất quán ủng hộ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, mong ASEAN và Trung Quốc hợp tác để thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Trong buổi tiếp Tổng Thư ký OECD Angel Gurria, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam coi trọng hợp tác với OECD cả trong khuôn khổ song phương và khu vực. Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời đề nghị OECD tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong một số lĩnh vực thiết thực nhằm thúc đẩy cải cách kinh tế, hoàn thiện chính sách và môi trường đầu tư; ứng phó với biến đổi khí hậu…

Tại buổi tiếp bà Christine Largrade Lagarde, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh việc IMF đánh giá tích cực sự phát triển của Việt Nam trong thời gian qua và tư vấn chính sách của IMF trong ổn định kinh tế vĩ mô và cải cách kinh tế. Bà Christine Largrade đánh giá cao các nỗ lực cải cách của Việt Nam, cho rằng Việt Nam đã thành công trong việc áp dụng hiệu quả mô hình kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ngày 26-5, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng đã chính thức khai mạc tại tỉnh Mie, Nhật Bản. Sau các cuộc hội đàm về kinh tế trong ngày đầu tiên, các nhà lãnh đạo G7 gồm các nước Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Italia, Anh và Nhật Bản đã nhất trí thực hiện linh hoạt các biện pháp tài chính, đồng thời đẩy mạnh cải cách cơ cấu nhằm kích thích tăng trưởng toàn cầu trong bối cảnh suy giảm tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo G7 cũng sẽ thảo luận về các thách thức toàn cầu khác, trong đó có chủ nghĩa khủng bố, khủng hoảng nhập cư và trốn thuế…

Trong ngày hội nghị thứ hai, dự kiến vấn đề an ninh hàng hải sẽ là chủ đề thảo luận quan trọng tại hội nghị G7 mở rộng với chủ đề “Ổn định và thịnh vượng châu Á”. Hội nghị G7 mở rộng sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi quy định của pháp luật, ban hành các nguyên tắc dựa trên luật pháp quốc tế và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.

Đỗ Cao (tổng hợp)

>> Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nagoya, bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản và dự Hội nghị G7 mở rộng

Tin cùng chuyên mục