Vĩnh biệt GS-TS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Ngọc Giao

Chỉ ít phút sau thời điểm 16 giờ 25 ngày 9-1, chúng tôi nhận được hàng trăm tin nhắn, tiếp theo là hàng loạt cuộc điện thoại, thông tin trên mạng về sự ra đi của GS-TS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Ngọc Giao.
NGND- GS- TS Nguyễn Ngọc Giao lúc sinh thời. Ảnh: Hội Đông y TPHCM
NGND- GS- TS Nguyễn Ngọc Giao lúc sinh thời. Ảnh: Hội Đông y TPHCM

Giáo sư Nguyễn Ngọc Giao sinh năm 1939 tại Sài Gòn, nhưng nguyên quán là quê hương “Đồng khởi” Bến Tre. Thời niên thiếu, ông học Trường Trung học Petrus Ký (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) niên khóa 1951-1954. Sau khi đất nước chia cắt năm 1954, ông tập kết ra Bắc tiếp tục học phổ thông và là học sinh giỏi trong thời gian học tại Trường học sinh miền Nam.

Sau khi tốt nghiệp khoa Vật lý Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội ông được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy bộ môn Vật lý lý thuyết, khoa Vật lý của trường từ năm 1962. Năm 1972, ông bảo vệ luận án tiến sĩ và sau đó là thực tập sinh cao cấp tại ĐH Tổng hợp Quốc gia Moskva rồi trở về tiếp tục giảng dạy ở ĐH Tổng hợp Hà Nội.

Khi đất nước thống nhất năm 1975, ông được cử về công tác tại Trường ĐH Khoa học Sài Gòn (sau đó thành Đại học Tổng hợp TPHCM), vừa giảng dạy vừa làm quản lý. Năm 1990 ông được bầu làm Hiệu trưởng ĐH Tổng hợp TPHCM, hai năm sau được phong học hàm giáo sư.

Khi Đại học Quốc gia TPHCM được thành lập năm 1996, GS Nguyễn Ngọc Giao được bổ nhiệm làm phó giám đốc phụ trách công tác nghiên cứu khoa học và quan hệ quốc tế.

Dù ở cương vị lãnh đạo quản lý, nhưng GS Nguyễn Ngọc Giao vẫn tham gia giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh, viết sách và giáo trình. Nhiều giáo trình của GS hiện vẫn được sử dụng trong nhiều trường đại học phía Nam. Lĩnh vực mà giáo sư đảm nhiệm trải rộng, từ các môn Toán cho Vật lý (Đại số, Giải tích, Lý thuyết nhóm), các môn Vật lý lý thuyết (Lý thuyết trường, Lý thuyết Hạt cơ bản, Trường hấp dẫn) đến Triết học trong Vật lý.   

Là chuyên gia trong một bộ môn khoa học rất “khó hiểu” là Vật lý lý thuyết, nhưng GS Nguyễn Ngọc Giao rất coi trọng công tác phổ biến kiến thức khoa học cho quảng đại quần chúng, là tác giả của nhiều sách phổ biến kiến thức vật lý, trong đó có nhiều cuốn được tái bản nhiều lần như: Tìm hiểu thế giới nguyên tử; Hạt nhân nguyên tử; Vũ trụ được hình thành thế nào?; Những điều kỳ thú về các hình thái hỗn loạn; Văn minh ngoài Trái đất... 

GS Nguyễn Ngọc Giao có hơn 10 năm là Ủy viên Hội đồng điều hành các trường đại học khối Pháp ngữ AUPELF-UREF (AUF) và từ năm 2000 đến 2003, ông còn là Chủ tịch Tổ chức đại học khối Pháp ngữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương (CONFRASIE). Hiếm có lãnh đạo quản lý đại học như GS Nguyễn Ngọc Giao có thể giao tiếp khá lưu loát với các trường đại học đối tác nước ngoài bằng cả ba thứ tiếng Anh, Pháp, Nga.

Với hơn 50 năm cống hiến đến tận cuối đời, GS Nguyễn Ngọc Giao đã đóng góp nhiều cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, hoạt động xã hội trong công tác lãnh đạo quản lý và sau khi thôi công tác quản lý ở Đại học Quốc gia TPHCM. Năm 1987, ông đã tham gia thành lập Hội Vật lý TPHCM và liên tục giữ trọng trách Phó Chủ tịch Hội nhiều nhiệm kỳ. Từ 1990, ông là Ủy viên Thường vụ Hội Vật lý Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Vật lý, Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học và kỹ thuật TPHCM… Ông còn là Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM trong hơn 10 năm, từ 2004 đến 2014.

Ở cương vị Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT TPHCM, GS Nguyễn Ngọc Giao cũng tham gia nhiều đề tài nghiên cứu cấp TP; tư vấn, phản biện đối với các dự án lớn của thành phố, các dự thảo luật cấp nhà nước. 

Chỉ 6 tháng trước ngày mất, GS-TS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Ngọc Giao đã trao tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam hơn 1.500 tài liệu, hiện vật là hàng trăm bức thư trao đổi với các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, hàng trăm bản thảo bài viết, bản thảo sách, bản thảo bài giảng về vật lý lý thuyết... Những tài liệu này không chỉ là minh chứng của quá trình hoạt động khoa học miệt mài, hăng say của GS-TS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Ngọc Giao, mà còn là nguồn tư liệu quan trọng đối với việc tìm hiểu sự phát triển của Trường ĐH Tổng hợp, ĐHQG TPHCM.

Những thành quả đã đạt được chứng tỏ ông là một thầy giáo, một nhà khoa học tài năng và nhà quản lý giáo dục giỏi và nhà hoạt động xã hội tận tâm. Các đồng nghiệp và học trò đều kính phục ở những ý kiến chỉ đạo sắc xảo và rõ ràng trong quản lý, kiến thức uyên bác trong chuyên môn, sự tận tình trong giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu khoa học. Ông thường tâm sự những thành công của ông đều có sự đóng góp của bà Vũ Thị Quy, người bạn đời rất mực thủy chung, một cô gái Hà Nội chính hiệu và là một trong những “hoa khôi” của khoa Vật lý của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ngày xưa.

Do những đóng góp quan trọng và liên tục trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, nghiên cứu, quản lý khoa học và hoạt động xã hội, ngoài danh hiệu Nhà giáo ưu tú (năm 1990) và Nhà giáo nhân dân (năm 2002), GS-TS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Ngọc Giao còn được tặng Huân chương Lao động hạng nhì (năm 2000), hạng ba (năm1995), Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng ba (năm 1985) và nhiều huy chương, kỷ niệm chương, bằng khen của các cấp.

Tin cùng chuyên mục