“Vợ chồng A Phủ” trên đỉnh Ba Vì

“Vợ chồng A Phủ” trên đỉnh Ba Vì

Vợ chồng Triệu Tiến Phủ, ở làng Yên Sơn, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây đón chúng tôi trên sườn dốc với nụ cười hiền khô. Cái tên Triệu Tiến Phủ ngày trước từng là nỗi khiếp đảm của du khách ở khu du lịch Ao Vua. Còn bây giờ, anh được người ta nhắc đến như một tấm gương vượt khó làm kinh tế giỏi.

Đứa con rơi và những ngày tội lỗi 

“Vợ chồng A Phủ” trên đỉnh Ba Vì ảnh 1

Triệu Tiến Phủ trên nương ngô đang lên xanh tốt.

Làng Yên Sơn nằm trên vùng núi cao của huyện Ba Vì, nơi có đông đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Ông Lý Sinh Vượng, Trưởng Công an xã, cho hay: Người Dao xã ông vẫn còn những hủ tục đáng buồn. Trong toàn xã có tới 6 họ Triệu, thì họ Triệu Mốc của nhà anh Triệu Tiến Phủ là nhà họ có phong tục, hủ tục lạc hậu nhất. Một trong những hủ tục ấy là sinh ít hay nhiều con thì cả nhà chỉ tập trung chăm lo cho đứa con cả.

Con cả được nuông chiều từ nhỏ, lớn lên được quan tâm dựng vợ gả chồng, có nhà cửa nương vườn tử tế. Con thứ hầu như không được quan tâm. Ông Vượng nói: “Phủ sinh ra trong hoàn cảnh ấy, để rồi trở thành một nhân vật ngang tàng làm đau đầu các cấp chính quyền trong suốt thời gian dài”.

Chuyện kể lại, Triệu Tiến Phủ là con thứ 6 trong gia đình có 8 anh chị em nên cũng rơi vào cảnh ngộ “con rơi”. Từ nhỏ đã không được chăm sóc, dạy dỗ, Phủ sinh ra và lớn lên như cây rừng, như con thú hoang lạc bầy giữa đại ngàn. Chính vì lẽ đó, nên ở Phủ sớm có tính gặp ai đánh nấy, xưng hùng, xưng bá một thời. Lớn lên sớm theo bạn bè, tụ tập rượu chè, quậy phá, trộm cắp đã từng có nhiều tiền sự và tiền án...

Năm 1990, là năm Phủ bén duyên với Triệu Thị Lan, cô gái cùng quê ngoại ở Phú Thọ. Cũng khoảng năm đó, xã Ba Vì có chương trình vận động thanh niên đi xây dựng vùng kinh tế mới, giao đất giao rừng, thế là hai vợ chồng Lan - Phủ khăn gói quả mướp chọn sườn núi Yên Sơn làm nơi lập nghiệp. Những tưởng cuộc sống gia đình sẽ thuần hóa được con người ngang tàng này. Thế nhưng, như “ngựa quen đường cũ” Phủ đã nhanh chóng “khét tiếng” ở khu du lịch Ao Vua với “thành tích” đứng đầu sai đám đàn em làm mọi chuyện từ lừa khách, thu tiền bảo kê, trộm cắp, cướp giật...

Chủ kinh doanh nào không tuân theo là Phủ cho đám đàn em đến quấy phá, lùa khách khỏi địa bàn. Khi cơ quan công an đến can thiệp thì “quân” của Phủ đã rút êm. Nhân dân trong vùng khiếp sợ, không ai dám chống trả lại đội quân ngang ngược của Phủ.

Tung hoành ngang dọc rồi cũng đến ngày Phủ phải “trả nợ đời”, Phủ và đồng bọn đã sa lưới pháp luật. Phủ kể, những ngày sống trong vòng lao lý là những ngày lương tâm Phủ bị giày vò. Thương vợ bụng mang dạ chửa, hàng tuần phải băng rừng đi bộ hàng chục cây số đưa đồ tiếp tế. Đồ tiếp tế đó cũng chẳng có gì, chỉ có vài nắm cơm, Phủ ăn trong nước mắt. Thương vợ phải một thân lăn lộn với mùa màng, nương rẫy. Khi ấy, Phủ thấy ân hận, thấy có lỗi với vợ con, với tất thảy mọi người. Chính từ những suy nghĩ đó, lại thêm được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, đã giúp Phủ “hoàn lương”, từ bỏ con đường xấu làm lại cuộc đời.

Ngày về... 

Đang mải ngồi kể chuyện với chúng tôi, bỗng tiếng chuông điện thoại của Phủ rung lên từng hồi. Nghe máy xong, Phủ nói đó là khách hàng dưới Ao Vua gọi lên đặt mua măng. Phủ kể, trong những ngày bị quản thúc tại địa phương, được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền về cây giống, Phủ đã khai hoang trồng được 1.000 gốc bương lấy măng, hàng ngàn gốc bạch đàn, chè Ô Long và quế. Riêng măng, hàng năm Phủ cung cấp cho khu du lịch Ao Vua vài ba tấn thu về hàng chục triệu đồng.

Bạch đàn tuy phù hợp với thổ nhưỡng nhưng thời gian thu hoạch lâu nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau đó Phủ chuyển đổi hẳn sang trồng ngô dùng trong chăn nuôi. Trong làng ai cũng bảo nhà Lan - Phủ mát tay, hàng năm xuất chuồng 10 đến 15 tấn heo hơi, trừ chi phí cũng thu được chục triệu đồng. Từ những nguồn thu nói trên, vợ chồng Phủ đã trang trải hết nợ nần, sắm xe máy, ti vi, tủ lạnh chẳng thua dân thành thị là mấy.

Phủ tâm sự, anh không bao giờ quên ơn những người đã “sinh” ra mình lần thứ hai. Đó là các cấp chính quyền xã, ban công an xã, đặc biệt là trưởng công an xã Lý Sinh Vượng và lãnh đạo khu du lịch Ao Vua, đã thường xuyên khuyên nhủ, động viên và tạo mọi điều kiện cho Phủ làm lại cuộc đời. Họ đã nhận ra trong sâu thẳm con người Phủ, trong cái vỏ bọc ngang tàng ấy là một trái tim cần sự cảm thông chia sẻ. Và cái hơn người ở Phủ, ông Vượng quả quyết rằng, đó là một con người dám nghĩ dám làm. Phủ mạnh dạn chuyển đổi trồng bạch đàn không hiệu quả sang trồng chè và khi có giống chè Ô Long cho năng suất và thu nhập cao Phủ lại một lần nữa chuyển đổi.

Ngày chúng tôi đến, sườn núi bao quanh nhà đã được dọn sạch mà theo chị Lan, đầu tiên sẽ trồng ngô và sau đó sẽ phủ lên bằng chè Ô Long, “Chè đó được giá lắm chú ạ, mỗi ký bây giờ là một trăm ngàn, nếu thành công riêng sườn núi này vợ chồng tôi sẽ thu về không ít”. Còn sườn núi kế bên là những thửa ngô dài tít tắp, xanh mơn mởn, hứa hẹn năm nay lại được mùa. 

NGỌC ANH

Tin cùng chuyên mục