Vợ của thương binh có được tặng BHYT?

Ông Nguyễn Phương Nam là thương binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 21% và là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động 46%, không thuộc các đối tượng nêu trên, nên vợ của ông không thuộc đối tượng được nhà nước mua bảo hiểm y tế.

Tôi là thương binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 21% và bị nhiễm chất độc hóa học, suy giảm khả năng lao động 46%, giám định năm 2011. Vậy vợ tôi có được tặng bảo hiểm y tế (BHYT) theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP? NGUYỄN PHƯƠNG NAM (phường 4, quận Gò Vấp, TPHCM)

Ông LÊ MINH TẤN, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM: Theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17-10-2018 của Chính phủ, thân nhân của người có công với cách mạng được nhà nước mua BHYT. Cụ thể gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi, hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng) của các đối tượng sau: người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8-1945; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Theo quy định đó, trường hợp ông Nguyễn Phương Nam là thương binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 21% và là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động 46%, không thuộc các đối tượng nêu trên, nên vợ của ông không thuộc đối tượng được nhà nước mua bảo hiểm y tế.

Tin cùng chuyên mục