Vô hình và không an toàn

Báo cáo tiêu đề “Vô hình và không an toàn”, do một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc các tổ chức phi chính phủ Plan, World Vision, Save the Children và ChildFund thực hiện, vừa công bố những phát hiện gây sốc về tình trạng bạo hành trẻ em tại các quốc gia Thái Bình Dương.
Biểu ngữ với nội dung chấm dứt bạo hành phụ nữ và trẻ em
Biểu ngữ với nội dung chấm dứt bạo hành phụ nữ và trẻ em

Qua điều tra các hoạt động nuôi dạy trẻ em tại 7 quốc đảo thuộc khu vực Thái Bình Dương và Timor Leste, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng có ít nhất 4 triệu trẻ em đã bị bạo hành ngay tại nhà, trong đó đáng chú ý là có tới 2,8 triệu trẻ em hiện đang sống tại Papua New Guinea. 

Báo cáo nêu rõ, tình trạng lạm dụng trẻ em biểu hiện từ chấn thương thể chất nghiêm trọng, cho tới mang thai ngoài ý muốn, nhiễm trùng qua đường tình dục, chấn thương tinh thần và thậm chí tử vong.

Giám đốc điều hành của Tổ chức Plan International Australia, Susanne Legena, một trong những nhà nghiên cứu tham gia cuộc điều tra, cho biết, nguyên nhân dẫn tới hành vi bạo lực rất phức tạp và trải dài qua nhiều thế hệ. Nó bao gồm sự nghèo đói, trình độ học thức thấp, không được tiếp cận với các chương trình nuôi dạy con cái, không được trang bị nhận thức về vấn đề bạo lực đối với trẻ em, hoặc bắt nguồn từ các tập tục và văn hóa địa phương.

Cũng theo báo cáo, cứ 4 trẻ em gái vị thành niên trong phạm vi điều tra có một em đã phải trải qua bạo lực thể xác và cứ 10 bé gái có một em đã từng bị bạo lực tình dục. Đại diện của tổ chức World Vision Mercy Jumo khẳng định, trẻ em bị bạo hành, lo lắng và chấn thương ở mức độ cao sẽ tác động đến sự phát triển, năng lực học tập, cuộc sống và công việc của các em trong tương lai. Về lâu dài, các hành vi bạo lực trẻ em sẽ tác động xấu tới nền kinh tế của mỗi quốc gia và cả thế giới.

Tin cùng chuyên mục