Vốn đầu tư FDI vào Bình Dương tăng mạnh

Bình Dương hiện là địa phương đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chỉ sau TPHCM và TP Hà Nội nhưng điều đáng mừng là Bình Dương đã không còn thu hút FDI bằng mọi giá nhằm hướng đến phát triển bền vững.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Nam cùng lãnh đạo tỉnh trong một buổi gặp gỡ doanh nghiệp
Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Nam cùng lãnh đạo tỉnh trong một buổi gặp gỡ doanh nghiệp

Đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho hạ tầng

Với chính sách đổi mới và liên tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) của lãnh đạo tỉnh Bình Dương mà trong nhiều năm liền tỉnh này thường đứng trong tốp thu hút vốn FDI cao nhất nước và dẫn đầu trong số các tỉnh khu vực Đông Nam bộ. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đầu tư FDI ở mức 853,5 triệu USD, đạt 61% so với kế hoạch cả năm và lũy kế đến nay, Bình Dương có 3.397 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 30,95 tỷ USD. 

Để đón làn sóng đầu tư và đạt kết quả ấn tượng trên, trong thập kỷ qua Bình Dương đã đầu tư nguồn lực lớn hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó việc phát triển hệ thống giao thông, tạo kết nối thuận lợi với các địa phương trong khu vực đã tạo nên sức hấp dẫn đáng kể đối với nhà đầu tư nước ngoài. Bình Dương được ví như “thủ phủ” khu công nghiệp (KCN) của cả nước khi đã phát triển khá nhanh hạ tầng trong lĩnh vực này và hiện tập trung 29 KCN có tổng diện tích gần 12.800 ha với tỷ lệ phủ kín đạt 73,8%, dự kiến đến năm 2020 sẽ phát triển thêm 5 KCN mới, tiếp tục tạo động lực để thu hút đầu tư nhiều hơn nữa. 

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực, Bình Dương đang có một hệ thống các trường cao đẳng, đại học khá tập trung, bao gồm 8 trường đại học, 8 trường cao đẳng, 13 trường trung cấp chuyên nghiệp và 46 cơ sở đào tạo nghề, cơ bản đáp ứng được nhu cầu lao động cho các DN, nhất là đến nay đã có nhiều đơn vị đào tạo thực hiện liên kết với nước ngoài, đảm bảo chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn của các quốc gia như Đức, Nga và nhiều nước châu Âu khác. 

Thành công trong việc kêu gọi đầu tư FDI đã giúp thay đổi mọi mặt kinh tế - xã hội của Bình Dương những năm qua với mức tăng trưởng tổng sản phẩm địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2018 là 7% so với cùng kỳ, trong đó riêng tỷ trọng ngành Công nghiệp - dịch vụ chiếm giá trị rất cao (87,67%), ngành nông nghiệp chỉ chiếm 3,74% (chủ yếu là nông nghiệp đô thị), phù hợp với chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. 

Không thu hút FDI bằng mọi giá

Mặc dù giá trị thu hút đầu tư cao nhưng việc mở rộng cửa đón các DN từ khắp nơi trên thế giới ở nhiều ngành nghề khác nhau của địa phương này cũng dẫn đến những hệ lụy không nhỏ, trong đó nặng nề nhất là việc quá tải trầm trọng hệ thống giao thông đường bộ; môi trường sống của người dân bị ảnh hưởng với nhiều “dòng sông chết”, nước đổi màu đen ngòm, sủi bọt ngày đêm. Trong 2 năm gần đây, tỉnh Bình Dương đã từ chối hàng chục DN đến xin đầu tư nhưng giới thiệu công nghệ lạc hậu, thâm dụng lao động, đặc biệt là nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, cần diện tích đất lớn. Cũng trong thời gian này, một số nhà máy đã vận hàng nhiều năm ở Bình Dương nhưng có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, cơ quan chức năng tỉnh kiểm tra, phối hợp kiểm soát, giảm thiểu ảnh hưởng, thậm chí xử phạt hàng tỷ đồng và đề nghị đóng cửa nếu không khắc phục hạn chế theo yêu cầu. 

Trong hội nghị gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh và DN mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam đã thẳng thắn cho biết, kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ 853,5 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2018, là thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước là do tỉnh đã lựa chọn kỹ các nhà đầu tư, khuyến khích các DN tham gia xây dựng trường học, nhất là hệ thống trường mầm non cho con em người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, tỉnh có chủ trương hạn chế cấp phép đầu tư cho các DN thâm dụng lao động, công nghệ cũ như gia công giày da, may mặc, ngành nghề thâm dụng điện năng đồng thời chuẩn bị mọi yếu tố thuận lợi chào đón các DN công nghệ cao, chăm lo tốt phúc lợi cho người lao động và chung tay xây dựng các thiết chế văn hóa, trường lớp ngay trong KCN và sẵn sàng từ chối các nhà đầu tư không đạt yêu cầu. Lãnh đạo tỉnh đã đồng ý phát triển 1 KCN mới dành cho các nhà đầu tư cao cấp và hiện đã triển khai xây dựng tại huyện Phú Giáo với diện tích hàng trăm ha cùng các tiện ích giao thông, điện, cấp thoát nước và các hạng mục hạ tầng khác đủ sức hấp dẫn để mời gọi các DN ứng dụng công nghệ cao đến đầu tư. Đây sẽ là KCN có tiêu chuẩn cao nhất mà Bình Dương hướng tới, phù hợp với lộ trình xây dựng thành phố thông minh cùng với Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị (VSIP) sẽ tạo bước đột phá mới trong phát triển KT-XH của tỉnh các năm tới.

Tin cùng chuyên mục