“Vốn mồi” cho tái canh cà phê

Những năm qua, Lâm Đồng luôn là điểm sáng của cả nước trong thực hiện chương trình tái canh cà phê. 
Hiện toàn tỉnh đã tái canh, cải tạo diện tích cà phê già cỗi được khoảng 41.000ha, chiếm khoảng 1/4 tổng diện tích cà phê toàn tỉnh. Việc tái canh, cải tạo vườn cà phê đã góp phần đưa năng suất cà phê của tỉnh Lâm Đồng từ 26,1 tạ/ha năm 2012 tăng lên 29,6 tạ/ha vào năm 2016; sản lượng từ 366.000 tấn tăng lên 430.000 tấn.
Chương trình tái canh cà phê đã giúp bà con nông dân tiếp cận được kỹ thuật tái canh; đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao và kháng bệnh tốt vào “trẻ hóa” vườn cây; đồng thời làm quen với sản xuất cà phê theo hướng bền vững. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 
Để đạt được những kết quả đó, một yếu tố quan trọng là nông dân đã được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận nguồn vốn tín dụng với mức lãi suất ưu đãi. Cụ thể, các chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) trên địa bàn Lâm Đồng đã rút ngắn thời gian thẩm định, giải quyết cho vay tái canh cà phê bằng 1/2 thời gian theo quy định hiện hành. Ngoài đối tượng vay không có tài sản đảm bảo (theo Nghị định Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn), thì các đối tượng khác được áp dụng linh hoạt biện pháp đảm bảo tiền vay.
Nhờ vậy, qua 4 năm triển khai chương trình tái canh, các chi nhánh Agribank tại Lâm Đồng đã giải ngân hơn 950 tỷ đồng cho hơn 5.500 khách hàng. Tổng dư nợ cho vay tái canh cà phê tại Lâm Đồng đến cuối tháng 7-2017 là trên 500 tỷ đồng, chiếm hơn 75% tổng dư nợ cho vay tái canh của toàn khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng của Agribank đã khẳng định được vai trò “vốn mồi”, thu hút các nguồn vốn tư nhân và các nguồn vốn khác tham gia đầu tư tái canh, cải tạo cà phê. Từ nguồn vốn này, 4 năm qua đã góp phần thúc đẩy, huy động nguồn lực xã hội được khoảng 6.200 tỷ đồng để tái canh cà phê. 
Tuy vậy, việc vay vốn tái canh cà phê vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc như: định mức cho vay còn thấp so nhu cầu vốn thực tế (tối đa 150 triệu đồng/ha trồng mới, 80 triệu đồng/ha ghép cải tạo); lãi suất sau thời gian ân hạn còn cao (trong thời gian ân hạn là 6,5%/năm, sau thời gian ân hạn là 9%/năm); một số diện tích cà phê chưa được cấp sổ đỏ nên không đủ điều kiện vay vốn… 
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tỉnh Lâm Đồng đề ra mục tiêu tái canh 27.600ha cà phê và cần nguồn vốn tín dụng lớn từ ngân hàng. Để đạt được mục tiêu đó, thì những khó khăn, vướng mắc nói trên cần được sớm giải quyết. Tại một hội nghị mới đây do UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp Agribank tổ chức, nhiều ý kiến đề xuất nâng định mức cho vay tái canh cà phê lên 200 triệu đồng/ha trồng mới, 150 triệu đồng/ha ghép cải tạo; đồng thời, hạ lãi suất sau thời gian ân hạn xuống dưới 7%/năm. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng cần nghiên cứu mở rộng phương thức cho vay linh hoạt hơn, tiết giảm những hồ sơ vay vốn không cần thiết để nông dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Tin cùng chuyên mục