Vòng đàm phán RCEP mới: 16 nước cố gắng thu hẹp khoảng cách

Các bộ trưởng của 16 nước châu Á - Thái Bình Dương bắt đầu cuộc họp từ ngày 2-3 tại Siem Reap, Campuchia để thương lượng về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nhằm thu hẹp khoảng cách liên quan đến thuế và các vấn đề khác.
Thuế là một trong những rào cản lớn ngăn trở thỏa thuận RCEP
Thuế là một trong những rào cản lớn ngăn trở thỏa thuận RCEP

Đẩy nhanh tiến độ

Đại diện 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước đối tác như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc sẽ thảo luận một hiệp định tự do thương mại cho khu vực chiếm nửa dân số thế giới, chiếm 30% GDP và giá trị giao dịch thương mại toàn cầu. Báo chí Campuchia cho biết, tại cuộc họp ở Siem Reap, đoàn Nhật Bản hy vọng cuộc thương lượng sẽ đạt được tiến bộ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và những lĩnh vực ít gây bất đồng khác để mở đường cho việc hoàn tất thương lượng hiệp định tự do thương mại này.

Trưởng đoàn đàm phán RCEP của Indonesia, Vụ trưởng Vụ đàm phán thương mại quốc tế, Bộ Thương mại Indonesia, ông Iman Pambagyo, ngày 26-2, cho biết, có thể có một số chậm trễ, đặc biệt vì những nước có cuộc bầu cử trong năm nay. Do đó, những gì mà các nước nên làm là đẩy nhanh các cuộc đàm phán càng nhiều và càng nhanh càng tốt để các nước thấy tiềm năng kinh tế mà hiệp định RCEP có thể mang lại. Các nước tham gia đàm phán RCEP đều hiểu rằng, không thể “đánh mất động lực” và “lạc quan thận trọng” khi cố gắng thúc đẩy hiệp định sẽ đạt được trong thời gian tới.

Chưa hết rào cản

Điểm mấu chốt trong dự thảo RCEP liên quan đến Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia đông dân nhất thế giới. “Trung Quốc và Ấn Độ không nằm trong Hiệp định thương mại tự do (FTA), do đó RCEP sẽ là cơ hội để kết nối hai nền kinh tế lớn của châu Á này lại với nhau”, ông Locknie Hsu, giáo sư luật thuộc Đại học Quản lý Singapore, nhận định. Những khác biệt trong phát triển kinh tế và nhu cầu của các nước thành viên đã gây nhiều khó khăn trong tiến trình đàm phán. Nhưng các động thái thương mại đơn phương của Tổng thống Mỹ Donald Trump và căng thẳng ngày càng leo thang với Trung Quốc đã tạo ra động lực mới cho RCEP.

Các nỗ lực để thúc đẩy RCEP đang phải đối mặt với rào cản khi các cuộc bầu cử mới sắp diễn ra trên khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2019 có nguy cơ cản trở tiến trình đạt được thỏa thuận. Trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc gây nguy hiểm cho tăng trưởng toàn cầu, RCEP được xem là một mũi tên quan trọng do các nền kinh tế khu vực nắm giữ. Tuy nhiên, một sự thay đổi trong chính phủ ở bất kỳ quốc gia nào có liên quan có thể làm gián đoạn các cuộc đàm phán.

Hiện các thành viên RCEP còn phải đàm phán nhiều hạng mục trong số 18 điều khoản thỏa thuận, trong đó điều khoản xóa bỏ thuế quan vẫn đang còn nhiều tranh cãi nhất, đặc biệt là các nước đang phát triển. Ấn Độ được xem là đang do dự trong việc mở cửa thị trường, đây là quốc gia mà nông nghiệp đóng góp 15% vào GDP và cung cấp việc làm cho 43% lao động (theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới). Việc giảm thuế quan hoặc các rào cản đầu tư có thể kiềm hãm khả năng phát triển của các ngành công nghiệp nội địa, cũng như ảnh hưởng chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Thương mại điện tử lại là một vấn đề khác của RCEP khi nó liên quan đến quy định về việc truyền dữ liệu xuyên biên giới giữa các quốc gia.

Tin cùng chuyên mục