Ngôi sao Bắc đẩu của Vovinam đã tắt

Sáng qua, thông tin Chưởng môn vovinam Lê Sáng qua đời đã khiến làng làng võ Việt lẫn các võ sinh vovinam trên toàn cầu rúng động. Dù sinh-lão-bệnh-tử là lẽ thường của đời người, nhưng sự kiện một ngôi sao bắc đẩu của vovinam như võ sư Lê Sáng ngừng tỏa sáng, khiến con nhà võ không khỏi tiếc thương...
Ngôi sao Bắc đẩu của Vovinam đã tắt

Sáng qua, thông tin Chưởng môn vovinam Lê Sáng qua đời đã khiến làng làng võ Việt lẫn các võ sinh vovinam trên toàn cầu rúng động. Dù sinh-lão-bệnh-tử là lẽ thường của đời người, nhưng sự kiện một ngôi sao bắc đẩu của vovinam như võ sư Lê Sáng ngừng tỏa sáng, khiến con nhà võ không khỏi tiếc thương...

Ngôi sao Bắc đẩu của Vovinam đã tắt ảnh 1

Chưởng môn Lê Sáng trao kỷ niệm chương cho đại biểu vovinam Nga nhân dịp sang dự Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam thế giới tại Việt Nam. Ảnh: HOÀNG MAI

Chào đời vào mùa thu năm 1920 tại Hà Nội, năm 1939, sau một cơn bạo bệnh khiến đôi chân đi đứng khó khăn, nên chàng thanh niên Lê Sáng đã tìm thầy học võ với mục đích rèn luyện cho đôi chân cứng cáp và thân thể khỏe mạnh. Duyên may đưa ông đến với lớp vovinam tại trường Sư phạm Hà Nội do võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc trực tiếp giảng dạy vào đầu năm 1940. Có tố chất, thông minh và chuyên cần luyện tập, ông sớm cải thiện tình trạng sức khỏe và tiến bộ nhanh trên bước đường võ nghệ. Chỉ vài năm sau, ông được Sáng tổ cử tham gia huấn luyện vovinam tại Hà Nội. Từ đó, ông luôn gắn bó với Sáng tổ như anh em ruột thịt, cùng đồng lao cộng khổ và từng theo chân Sáng tổ đi dạy vovinam ở nhiều nơi. Năm 1954, ông được Sáng tổ phân công mở các lớp vovinam ở đường đường Thủ Khoa Huân và môt số võ đường khác tại Sài Gòn …

Đến năm 1957, Sáng tổ Nguyễn Lộc lâm bệnh, ông thay người tiếp tục huấn luyện cho các môn sinh cao đẳng, đồng thời mở thêm võ đường ở đường Trần Khánh Dư (Tân Định), Sư Vạn Hạnh (cạnh chùa Ấn Quang), Trần Hưng Đạo… Tháng 4 năm 1960, trước lúc qua đời, Sáng tổ đã giao nhiệm vụ lãnh đạo môn phái lại cho ông.

Do tình hình thời cuộc, những năm đầu thập niên 60, võ sư Lê Sáng lên tận Buôn Mê Thuột làm ăn, đến cuối năm 1963, khi các võ phái ở Sài Gòn được phép hoạt động trở lại, ông mới quay về, bắt tay cùng đội ngũ cốt cán, khôi phục và phát triển môn phái.

Là môn đệ trưởng tràng, sát cánh cùng Sáng tổ Nguyễn Lộc trong gần 20 năm, võ sư Lê Sáng đã tiếp thu được những tư tưởng võ đạo và võ thuật cũng như nhân cách sống của Sáng tổ một cách sâu sắt nhất. Đó là hệ thống tư tưởng hướng môn sinh vovinam-việt võ đạo đến một triết lý: “Sống cho mình, giúp cho người khác sống và sống cho mọi người”. Không chỉ thế, ông còn dày công vun đắp hệ thống kỹ thuật của vovinam-việt võ đạo ngày thêm đa dạng và phong phú, phù hợp với nhiều đối tượng. Ngay cả khi ở tuổi ngoại “thất thập cổ lai hy”, Chưởng môn Lê Sáng vẫn tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hệ thống kỹ thuật cho phù hợp với giai đoạn mới - giai đoạn vovinam-việt võ đạo phát triển mạnh mẽ ở nước ngoài sau cột mốc đặt nền tảng ban đầu trên đất Pháp hồi năm 1973.

Những đóng góp hết sức quan trọng đó của Chưởng môn Lê Sáng chính là tiền đề để phong trào vovinam-việt võ đạo ngày càng phát triển, thăng hoa và dần lan rộng ra hơn 40 nước trên thế giới như là một sự khẳng định mạnh mẽ của truyền thống thượng võ và bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Gần một năm nay, dù sức khỏe giảm sút, nhưng Chưởng môn Lê Sáng vẫn minh mẫn và sáng suốt. Ngay trong những ngày cuối đời phải chống chọi với bệnh tật, Chưởng môn vẫn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với sự nghiệp phát triển môn phái khi chuẩn bị nhân sự và chuyển giao trách nhiệm lãnh đạo môn phái vovinam-việt võ đạo lại cho Hội đồng võ sư chưởng quản.

Sống đơn thân, không nặng gánh gia đình, thích đọc sách báo, thấm nhuần triết lý phương Đông, ông là người kế nghiệp xuất sắc nhất của Sáng tổ Nguyễn Lộc. Bằng tài năng và đạo đức của mình, Chưởng môn Lê Sáng đã hy sinh và cống hiến trọn cuộc đời mình cho công cuộc xây dựng và phát triển môn phái vovinam-việt võ đạo.

Lúc 3 giờ sáng ngày 27-9-2010, nhằm ngày 20 tháng 8 năm Canh Dần, sau một thời gian lâm trọng bệnh, Chưởng môn Lê Sáng đã ra đi vĩnh viễn, hưởng thọ 91 tuổi. Sự ra đi của Chưởng môn Lê Sáng là một tổn thất đối với nền võ thuật và võ đạo và là sự mất mát lớn không gì bù đắp được đối với toàn thể môn đồ vovinam-việt võ đạo trên khắp thế giới. 

THIỆN TÂM

Tin cùng chuyên mục