Vụ “đất tặc” lộng hành đào phá núi Mò O: Chính quyền có “giơ cao đánh khẽ“?

Lãnh đạo UBND huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp khai thác đất trái phép trên núi Mò O, tuy nhiên người dân thôn Chánh Lý (xã Cát Tường, huyện Phù Cát) cho rằng chính quyền xử phạt quá nhẹ, không đủ sức để răn đe doanh nghiệp.

Xử lý "nhẹ hều"

Ngày 16-5, UBND huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH vận tải xây dựng tổng hợp Bình Diễm, do ông Nguyễn Thanh Bình (SN 1973, trú tại xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) làm tổng giám đốc, với số tiền 50,6 triệu đồng.

Trước đó, ngày 5-5, tại phía Đông núi Mò O (thuộc thôn Chánh Lý, xã Cát Tường), Công an huyện Phù Cát đã phối hợp với UBND xã Cát Tường kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp của ông Nguyễn Thanh Bình về hành vi, khai thác khoáng sản (đất) trái phép trên núi Mò O.

Núi Mò O bị đào phá, "xẻ thịt" để lấy đất trái phép

Ngoài quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên, UBND huyện Phù Cát còn buộc Công ty TNHH vận tải xây dựng tổng hợp Bình Diễm (gọi tắt là Công ty Bình Diễm) phải cải tạo, phục hồi lại môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về lại trạng thái an toàn; quyết định này do ông Trần Văn Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát ký.

Ngày 16-5, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Phạm Ngọc Bình, người dân thôn Chánh Lý, cho biết: Khoảng ngày 12-12-2018 (Âm lịch), các DN bắt đầu đổ xô lên núi Mò O để khai thác đất. Có DN còn mở đường lên núi lấy đất, đào phá 3 ngôi mộ của người dân. Sau khi dân báo cho UBND xã Cát Tường đến kiểm tra, lập biên bản xử phạt thì một số DN đã dừng, riêng Công ty Bình Diễm vẫn ngang nhiên tái phạm.

“Chúng tôi chỉ nghe thông tin xử phạt qua báo đài thôi. Tuy nhiên, mức xử phạt này quá nhẹ, chỉ bằng vài xe đất mà DN đào được trên núi Mò O thôi. Thái độ của doanh nghiệp ngang nhiên, bất chấp như vậy mà xử phạt có từng ấy tiền thì liệu có đủ tính răn đe để buộc công ty này phải khắc phục hiện trường được hay không?”, ông Bình bức xúc.

Sớm họp dân, công khai kết quả xử lý

Theo hồ sơ của Chủ tịch UBND xã Cát Tường cung cấp cho PV Báo SGGP, từ tháng 2 đến tháng 4-2019, UBND xã Cát Tường liên tục phối hợp với người dân thôn Chánh Lý kiểm tra, phát hiện và lập 9 biên bản vi phạm đối với các Công ty TNHH xây dựng Bình Diễm (Công ty Bình Diễm, thị xã An Nhơn, Bình Định); Công ty xây dựng Trường Sơn (Công ty 98); Công ty TNHH xây dựng Trường Quang (xã Cát Tường); Công ty Hiếu Ngọc (huyện Tây Sơn, Bình Định)…

Riêng đối với Công ty Bình Diễm, đã 5 lần vi phạm và tái phạm. Đáng chú ý, ngày 22-4-2019, UBND xã Cát Tường phối hợp với người dân thôn Chánh Lý tiếp tục phát hiện Công ty TNHH xây dựng Bình Diễm khai thác đất trái phép ở núi Mò O. Chính ông Nguyễn Thanh Bình (Giám đốc Công ty Bình Diễm) có mặt tại hiện trường đã không hợp tác với đơn vị chức năng, tiếp tục cho các phương tiện đào phá núi Mò O để lấy đất.

Doanh nghiệp ngang nhiên đào phá núi giữa ban ngày
Xe tải của doanh nghiệp đang chở đất trên núi Mò O đi bán

Tiếp đến, tối 5-5, Công ty Bình Diễm tiếp tục đưa 1 máy đào, 4 xe tải tiếp tục lên phía Đông núi Mò O để khai thác đất trái phép. Người dân thôn Chánh Lý đã phát hiện và báo lên chính quyền địa phương, đồng thời tổ chức lập rào ngăn chặn các xe tải chở đất của DN trên núi Mò O.

Trong số những người dân kéo lên núi Mò O phản đối Công ty Bình Diễm khai thác đất trái phép có bà Tr.Th.B. (60 tuổi, thôn Chánh Lý), bà B. vì quá bức xúc đã ngất xỉu và tử vong khi đưa đi cấp cứu.

Anh Phạm Trường Sơn (28 tuổi, con của bà Tr.Th.B.) bức xúc, phản ánh: “Cái chết của mẹ tôi vô cùng oan ức. Lý do gián tiếp dẫn đến cái chết của mẹ tôi phải chăng là sự buông lỏng quản lý của cơ quan nhà nước? Tôi yêu cầu đơn vị chức năng sớm điều tra, làm rõ cái chết oan ức của mẹ tôi tại núi Mò O.”

Dân làng thôn Chánh Lý đứng ra "lập rào" bảo vệ mồ mả trên núi Mò O

Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, khu vực Công ty Bình Diễm khai thác đất trái phép ở núi Mò O là đất trồng rừng của ông Võ Tấn Sơ, là em trai ông Võ Tấn Đông – hiện là Bí thư Đảng ủy xã Cát Tường và Đoàn Văn Tuấn, cũng là con rể ông Võ Tấn Đông… Ông Sơ và ông Tuấn đã tự ý thông đồng, thỏa thuận ngầm bán đất sai mục đích sử dụng cho Công ty Bình Diễm, dẫn đến các hệ lụy khôn lường cho người dân thôn Chánh Lý.

Ngoài ra, còn các ông Lê Thành Tiến (nguyên Chủ tịch UBND xã Cát Tường, nguyên Bí thư xã Cát Tường), Võ Tấn Tài (nguyên Bí thư thôn Chánh Lý) cũng đã bán đất trồng rừng trên núi Mò O, tiếp tay cho DN khai thác đất trái phép trên núi này.

Trước đó, làm việc với PV Báo SGGP, các ông Võ Tấn Đông, Bí thư Đảng ủy xã Cát Tường và ông Nguyễn Đức Hoàng, Chủ tịch UBND xã Cát Tường cũng đã thừa nhận những cá nhân trên đã bán đất trồng, tiếp tay cho DN khai thác đất trái phép trên núi Mò O.

Chiều 16-5, ông Đặng Ngọc Hùng (44 tuổi, người dân thôn Chánh Lý) cho biết: “Hiện, địa phương vẫn chưa tổ chức họp dân để giải thích và công khai kết quả kiểm tra xử lý các sai phạm ở núi Mò O. Ngay cả cái chết của bà B. vẫn chưa được làm rõ".

"Chúng tôi đề nghị địa phương phải sớm tổ chức họp dân, công bố kết quả xử lý các tổ chức, nhà thầu, cá nhân, cán bộ lãnh đạo tiếp tay cho "đất tặc" trên núi Mò O. Ngoài ra, địa phương phải có chế tài ràng buộc doanh nghiệp khắc phục hiện trường, trả lại mặt bằng an toàn tránh các vấn đề sạt lở, bồi lấp vào mùa mưa…”, ông Hùng bức xúc.

Dân làng thôn Chánh Lý lên núi Mò O chặn xe tải khai thác đất trái phép trước đó

Chiều 16-5, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho biết: “Quan điểm của lãnh đạo UBND huyện là chỉ đạo quyết liệt, phải giải quyết từng bước một. Vấn đề ở núi Mò O liên quan đến rất nhiều doanh nghiệp, địa phương nên cần phải có thêm thời gian để làm rõ từng vấn đề. Liên quan đến sự việc của bà Tr.Th.B., cơ quan giám định pháp y đã có kết luận, bà B. tử vong là do bị bệnh tim mạch, đột quỵ”.

Lý giải về quyết định xử phạt đối với Công ty Bình Diễm, ông Kiên cho hay, trên mới chỉ là quyết định xử phạt trước mắt. Sau này nếu còn các vấn đề khác phát sinh thêm thì địa phương sẽ củng cố và xử lý tiếp.

Tin cùng chuyên mục