Vụ hai tàu đâm nhau, 8 thuyền viên mất tích: Không cho phép gia đình nạn nhân tự thuê thợ lặn

Chiều 14-11, ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, tiếp tục làm việc với đơn vị cứu hộ về kết quả tìm kiếm 8 thuyền viên mất tích trên tàu Phúc Xuân 68; xác định, định hướng tìm kiếm, lặn trục vớt tàu bị nạn...

(SGGP).- Chiều 14-11, ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, tiếp tục làm việc với đơn vị cứu hộ về kết quả tìm kiếm 8 thuyền viên mất tích trên tàu Phúc Xuân 68; xác định, định hướng tìm kiếm, lặn trục vớt tàu bị nạn...

Theo báo cáo của đơn vị cứu hộ, trong mấy ngày qua, ngoài lực lượng cứu hộ chuyên dụng, hàng trăm lượt tàu cá của ngư dân đánh bắt hải sản trên địa bàn Khánh Hòa, Ninh Thuận cũng đã tham gia tìm kiếm, hỗ trợ thông tin. Đến chiều 14-11, 9 tàu chuyên dụng vẫn đang tiến hành tìm kiếm trên biển, trong đó có một số tàu được điều động từ Đà Nẵng vào tham gia tìm kiếm.

Sau khi nghe báo cáo, ông Nguyễn Nhật đã chỉ đạo tiếp tục công tác tìm kiếm. Trong các ngày tới, ngành hàng hải sẽ mở rộng thêm địa bàn tìm kiếm, huy động thêm các tàu ở Bình Thuận, Vũng Tàu tham gia tìm kiếm các vùng biển. Về đề xuất lặn tìm kiếm, trục vớt, Cục Hàng hải đã làm việc với các công ty có năng lực tốt nhất về lặn biển, nhưng các công ty này trả lời không lặn quá 50m.

Cục trưởng Nguyễn Nhật cũng thông báo thêm, hiện nay trên thế giới việc lặn ở độ sâu như vị trị tàu Phúc Xuân 68 chìm (khoảng 92m) thì rất rủi ro. Cục Hàng hải cũng đã liên hệ với một công ty lặn biển nổi tiếng ở Hà Lan, nhưng qua xem xét các số liệu họ đã từ chối và khuyến cáo không nên lặn ở độ sâu này. Ông Nhật đề nghị các cơ quan chức năng nghiêm cấm các gia đình thân nhân thuyền viên không được tổ chức thuê thợ lặn ra vị trí tàu để lặn, để tránh rủi ro, tổn thất thêm.

VĂN NGỌC

Tin cùng chuyên mục