Vụ hè thu ở ĐBSCL: Nỗ lực đạt hơn 9,3 triệu tấn lúa

Nông dân các tỉnh ĐBSCL đang bắt đầu sản xuất vụ hè thu năm 2018 trong niềm vui lúa được giá cao. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp lo ngại tình hình hạn hán và xâm nhập mặn đang vào cao điểm, cộng với dịch bệnh xuất hiện nhiều nơi sẽ gây khó cho vụ hè thu. 
Nông dân Đồng Tháp chăm sóc lúa hè thu năm 2018
Nông dân Đồng Tháp chăm sóc lúa hè thu năm 2018
Ào ạt xuống giống sớm
Trên cánh đồng lúa bạt ngàn ở vùng biên giới huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) nhiều nông dân đang bơm nước dự trữ để tưới cho lúa hè thu.
Ông Đoàn Ngọc Anh (ngụ xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng) cho biết: “Năm nay hầu hết nông dân ở vùng biên giới này trúng đậm vụ đông xuân. Năng suất đạt bình quân từ 7-8 tấn/ha, cộng với giá bán cao 6.200 đồng/kg, nên ai cũng có lãi khá. Do lúa được giá nên sau khi thu hoạch gần 15 công lúa vụ đông xuân, gia đình tôi làm đất và gieo sạ ngay vụ hè thu 2018…”.
Cũng theo ông Ngọc Anh, tâm lý của nông dân lâu nay là “sạ sớm, thu hoạch sớm và bán sớm” sẽ được giá cao nên ai cũng tranh thủ sản xuất vụ hè thu. 
Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết vụ hè thu năm 2018, toàn tỉnh xuống giống khoảng 190.000ha, dự kiến năng suất bình quân 6,1 tấn/ha, sản lượng hơn 1,1 triệu tấn. Lịch xuống giống chia thành 2 đợt, bắt đầu vào đầu tháng 3 và kết thúc vào tuần đầu tháng 4-2018. Trên kế hoạch lịch thời vụ, tùy theo thực tế từng huyện và tình hình rầy nâu di trú mà có thể điều chỉnh phù hợp, nhưng phải gieo sạ tập trung, đồng loạt nhằm hạn chế dịch bệnh gây hại. 
Tại Hậu Giang, nông dân cũng khẩn trương xuống giống lúa hè thu. Ông Nguyễn Văn Lá (ngụ ấp 3, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy) tâm sự: “Gần 20 công lúa đông xuân của tôi vừa thu hoạch và bán ngay tại ruộng với giá 5.500 đồng/kg (lúa tươi loại thường), thu lời khoảng 50 triệu đồng. Ngành nông nghiệp khuyến cáo thời gian cách ly sản xuất giữa 2 vụ tối thiểu 3 tuần nhằm tiêu diệt mầm bệnh, giảm nguy cơ ngộ độc hữu cơ… Nhưng do giá lúa đang cao nên ai cũng nhanh chóng xuống giống vụ hè thu cho sớm”.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang cho biết, vụ hè thu này toàn tỉnh xuống giống hơn 76.800ha từ tháng 3 đến tháng 5 và sẽ thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 8. Đối với những vùng có nguy cơ bị xâm nhập mặn sẽ xuống giống vào đầu mùa mưa, nhằm tránh trường hợp lúa bị thiệt hại. 
Ở Trà Vinh, nông dân các huyện Cầu Kè, Tiểu Cần… vừa thu hoạch xong lúa đông xuân là sản xuất liền vụ hè thu, cho dù ngành chức năng chưa khuyến cáo. Theo kế hoạch của Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, từ tháng 4 đến tháng 5 mới xuống giống 77.000ha lúa hè thu; tuy nhiên thực tế lúa được giá cao nên nông dân “tranh thủ” sản xuất khá sớm. 
Ưu tiên lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu
Một tín hiệu khá tích cực cho nông dân làm lúa là tình hình xuất khẩu gạo đang rất thuận lợi. Qua thống kê cho thấy, 2 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp xuất khẩu được khoảng 880.000 tấn gạo, trị giá gần 430 triệu USD, tăng hơn 17% về lượng và tăng khoảng 34% về giá trị so cùng kỳ 2017. Xuất khẩu gạo thuận lợi, trong khi giá lúa ở nội địa dao động mức cao nên nhiều nông dân vội vàng xuống giống vụ hè thu là chuyện hiển nhiên. 
Điều lo ngại hiện nay là tình hình dịch bệnh xuất hiện gây hại cho lúa. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cảnh báo, rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, muỗi hành… là những đối tượng phức tạp gây hại cho lúa hè thu 2018. Dự báo khoảng từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 6-2018 sẽ xuất hiện các đợt rầy nâu di trú. Do đó, chính quyền địa phương, nông dân, các hợp tác xã… cần theo dõi chặt diễn biến thời tiết, dịch bệnh để ứng phó kịp thời, hạn chế thấp nhất dịch bệnh gây hại cho lúa. 
Bộ NN-PTNT cho biết năm 2018, các tỉnh vùng ĐBSCL sản xuất hơn 1,65 triệu ha lúa hè thu, sản lượng ước đạt hơn 9,3 triệu tấn lúa, tăng hơn 274.000 tấn so cùng kỳ. Ngoài mặt tích cực về giá lúa gạo tăng cao, các địa phương cần bố trí lịch thời vụ hợp lý để né hạn mặn, dịch bệnh; đồng thời tính toán không ảnh hưởng cho vụ thu đông và vụ mùa 2018. Thạc sĩ Lê Thanh Tùng (Cục Trồng trọt) cho biết: “Các giống lúa như OM5451, OM6976, OM4900, OM7347, OM4218… là những giống chủ lực cho vụ hè thu; từ các giống trên mà tùy theo các tiểu vùng sinh thái để chọn lựa sản xuất phù hợp; trong đó vùng bị ảnh hưởng mặn thì cần sử dụng giống cực ngắn ngày và bố trí thời vụ né mặn đỉnh cao khi lúa vào giai đoạn trổ bông”. 
Bộ NN-PTNT cũng đề nghị các địa phương tăng cường sản xuất lúa chất lượng cao nhằm phục vụ tốt cho nhu cầu xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, nhìn nhận: “Đồng Tháp đang khuyến cáo nông dân phát triển liên kết, hình thành nhiều cánh đồng lớn, gắn với doanh nghiệp tiêu thụ. Đối với vụ hè thu này, tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận sẽ đạt hơn 60% diện tích, ngoài ra đẩy mạnh cơ giới hóa trên đồng ruộng nhằm giảm chi phí giá thành, trong đó thu hoạch bằng máy đạt 100% diện tích”.
Sở NN-PTNT thành phố Cần Thơ đang khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa xác nhận, đồng thời áp dụng các biện pháp kỹ thuật để giảm giá thành, hướng tới sản xuất lúa an toàn, thân thiện môi trường. Cần Thơ cũng đã quy hoạch việc trồng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao thành vùng sản xuất lớn, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, khẳng định: “Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang dịch chuyển mạnh mẽ theo hướng gạo thơm, gạo chất lượng cao… bởi xuất phát từ thị trường thế giới đang chuộng các chủng loại này. Điều đáng mừng là doanh nghiệp và nông dân đã thích ứng nhanh; nhờ đó mà tình hình xuất khẩu gạo năm nay hứa hẹn sẽ tiếp tục khởi sắc”.

Tin cùng chuyên mục