Vụ khủng bố tàu điện ngầm tại New York: Bộc lộ hạn chế trong phòng bị

Chủ đề cải cách nhập cư một lần nữa được Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập sau vụ khủng bố tàu điện ngầm tại New York. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của giới chuyên gia, vấn đề mấu chốt hiện nằm ở những điểm hạn chế của nước Mỹ trong phòng bị khủng bố. 
Cảnh sát Mỹ phong tỏa hiện trường vụ khủng bố
Cảnh sát Mỹ phong tỏa hiện trường vụ khủng bố
Cần kích hoạt cải cách nhập cư 
Theo Tổng thống Mỹ Donald Trump, vụ đánh bom do Akayed Ullah, một thanh niên 27 tuổi người Bangladesh, tiến hành nhằm vào hệ thống tàu điện ở New York ngày 11-12 cho thấy rõ Quốc hội cần khẩn cấp kích hoạt cuộc cải cách nhập cư mà ông đề xuất. Nghi can vụ đánh bom trên đã vào Mỹ qua hệ thống thị thực nhập cư gia đình mà chính quyền đang tìm cách hạn chế. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng khẳng định lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân 8 quốc gia, trong đó 6 nước có người Hồi giáo chiếm đa số, là một bước tiến nhằm đảm bảo hệ thống di cư của Mỹ. 
Các biện pháp khác mà Tổng thống Mỹ Donald Trump hy vọng Quốc hội sẽ thông qua bao gồm tăng số nhân viên Cơ quan Hải quan và Di trú, tăng quyền bắt giữ và tạm giam cho các nhân viên nhập cư, và chấm dứt nạn gian lận và lạm dụng quyền trong hệ thống nhập cư. Ông Trump cũng một lần nữa kêu gọi áp dụng hình phạt mạnh nhất mà pháp luật cho phép, bao gồm cả tử hình đối với các thủ phạm khủng bố.  
Liên quan đến nghi can vụ đánh bom,  Akayed Ullah cho biết anh ta thực hiện cuộc tấn công để trả đũa cho các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và lựa chọn địa điểm dựa theo áp phích Giáng sinh. Ullah bị thương nặng và 3 người khác bị thương nhẹ. Ngày 12-12, y đã bị buộc tội thực hiện hành vi khủng bố. Thời điểm xảy ra vụ tấn công New York diễn ra vào dịp Giáng sinh cũng tương tự vụ việc năm ngoái ở châu Âu, khi kẻ tấn công được IS truyền cảm hứng lái xe tải lao vào chợ Giáng sinh ở Berlin làm 12 người thiệt mạng.
Dễ trở thành mục tiêu tấn công 
Nhìn nhận ở một khía cạnh khác, hãng tin Reuters cho rằng vụ nổ đã bộc lộ những hạn chế trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ sau vụ tấn công ngày 11-9 tại thành phố New York. Theo chuyên gia Darrell West của Viện nghiên cứu Brookings,  vụ nổ tại New York cho thấy Mỹ hoàn toàn có thể bị tấn công trong bối cảnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cùng các mạng lưới khủng bố khác vẫn còn có tầm ảnh hưởng rất lớn và kích động nhiều vụ tấn công theo hình thức “sói đơn độc” trên toàn thế giới, sau khi bị đẩy lùi khỏi Syria và Iraq. Theo ông West, rất khó có thể ngăn chặn những “con sói” nguy hiểm, cảnh sát không thể rà soát mọi ngóc ngách của những thành phố lớn và bảo đảm an ninh chung. Vụ tấn công tại New York cũng  cho thấy những thách thức mà chính quyền Washington đang phải đối mặt. Trong một xã hội cởi mở, nơi người dân có thể tự do đi lại mà không sợ bị cảnh sát thẩm vấn nếu không có lý do hợp lệ, các vụ tấn công có thể và sẽ xảy ra. 
Trong khi đó, dẫn chứng qua hàng loạt vụ khủng bố xảy ra ở tàu điện ngầm London và xe buýt làm 52 người chết năm 2005, vụ tấn công tàu điện ngầm ở Nga khiến 38 người chết năm 2010 và chuỗi tấn công nhằm vào ga điện ngầm và sân bay Brussels (Bỉ), Văn phòng phụ trách chống khủng bố tại New York đã trấn an dư luận với lý lẽ rằng con số 3 nạn nhân bị thương đã cho thấy mức độ thiệt hại thấp. Tuy nhiên, theo cựu Phó Giám đốc Văn phòng tình báo Trung Đông thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Wayne White, có hàng triệu địa điểm trên khắp nước Mỹ có thể trở thành “mục tiêu mềm” cho các vụ tấn công bằng xe hơi, đó là các siêu thị, khu mua sắm, nhà thờ, đền thờ, khu dân cư... Ngoài ra, ông White nhận định quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể kích động thêm nhiều đối tượng cực đoan tấn công vào nước Mỹ.

Tin cùng chuyên mục