Phía sau những chiến công

Vụ thảm sát tàn bạo và 80 giờ phá án

Vụ thảm sát tại xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước đã khép lại với những mức án thích đáng dành cho kẻ thủ ác. Tuy nhiên, đối với các trinh sát và điều tra viên của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về trật tự xã hội (C45B), Bộ Công an tham gia vào chuyên án này, là một dấu ấn khó phai trong cuộc đời cảnh nghiệp. 

Cảnh sát khám nghiệm hiện trường vụ thảm sát
Cảnh sát khám nghiệm hiện trường vụ thảm sát
Hàng trăm chiến sĩ và 80 giờ phá án

Ngay sau khi nhận được tin báo của Công an tỉnh Bình Phước, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đã có mặt tại tỉnh Bình Phước lập Ban Chuyên án nghe báo cáo, tổng hợp tình hình và lên kế hoạch rà soát các băng nhóm tội phạm có tổ chức, các đối tượng tình nghi trên diện rộng. Ban Chuyên án đồng thời cũng được bổ sung thêm nhân lực từ Bộ Công an, với các lãnh đạo và cán bộ chiến sĩ kỳ cựu của Tổng cục An ninh, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cục Cảnh sát điều tra Tội phạm kinh tế và tham nhũng, Viện Khoa học hình sự, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ 1 và 2… Giám đốc công an của 10 tỉnh, thành cũng được huy động để đóng góp kinh nghiệm, nhận định và hướng điều tra cho Ban Chuyên án.

Ròng rã ba ngày đêm, các cán bộ điều tra đã nghiên cứu tỉ mỉ, thu thập từng dấu vết và các chứng cứ khác ở hiện trường. Đồng thời, thành lập nhiều tổ công tác khác phối hợp cùng công an các tỉnh thành lân cận như TPHCM, Bình Dương, Tây Ninh… mở các hướng điều tra khác nhau theo các giả thuyết điều tra mà Ban Chuyên án đã nhận định để điều nghiên về các mâu thuẫn trong mối quan hệ công việc, tình cảm của từng nạn nhân nhằm khoanh vùng đối tượng nghi vấn.

Thiếu tá Lường Tiến Quân, Phó trưởng Phòng 4, C45B, người trực tiếp có mặt tại hiện trường những giây phút đầu tiên cho biết: “Chúng tôi bàng hoàng trước hiện trường thảm khốc của vụ án, cảm giác khó chịu trước sự tàn bạo với 6 nạn nhân của thủ phạm. Nạn nhân Nga (vợ ông Mỹ, chủ nhà) bị đến 5 vết đâm mà theo đánh giá của đội nghiệp vụ, chỉ cần một vết đâm đã gây tử vong. Lòng tự trọng nghề nghiệp thôi thúc chúng tôi bằng mọi giá phá án nhanh nhất có thể”. 

Theo Thiếu tá Quân, ngay từ đầu, Ban Chuyên án đánh giá các đối tượng không phải giết người, cướp tài sản đơn thuần, mà phải có quen biết và mâu thuẫn sâu sắc với gia đình nạn nhân, mới có thể rành đường đi nước bước và ra tay tàn độc như vậy. Ngay cả nếu có mâu thuẫn làm ăn, thuê sát thủ chuyên nghiệp cũng không thể ra tay tàn bạo vì tất cả nạn nhân đều bị đâm thủng tim.

Ngoài phối hợp các biện pháp nghiệp vụ hiện trường, Ban Chuyên án đã phối hợp với công an địa phương các tỉnh như Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Đăk Nông… và TPHCM, rà soát toàn bộ các băng nhóm tội phạm, các đối tượng hình sự để truy xét về mối quan hệ làm ăn của ông Mỹ, coi đó có phải là nguyên nhân vụ thảm sát hay không. Đầu mối được các trinh sát của Cục C45 đặc biệt quan tâm là mối quan hệ của Lê Thị Ánh Linh, con gái ông Mỹ. Linh từng yêu một thanh niên từ nhiều năm trước, thanh niên này vừa đi tù về khoảng một tháng nên ban đầu rất được Ban Chuyên án chú ý. “Bằng nhạy cảm trinh sát với những chứng cứ thu thập ban đầu, chúng tôi xác định, mối quan hệ tình cảm của Linh là có căn cứ dẫn đến án mạng”, Thiếu tá Quân cho biết. Các trinh sát phát hiện một số điện thoại gọi vào máy của Linh 3 cuộc, nhưng đồng thời số này cũng gọi và nhắn tin cho Dư Minh Vỹ (cháu ông Mỹ). Hơn thế, một đối tượng tình nghi ban đầu là bạn trai của Linh cũng cho biết, vừa rồi Linh có lo lắng vì bạn trai gọi điện thoại hăm dọa…
Từ những chứng cứ có được, Ban Chuyên án đã xác định Dương là người liên quan chính đến vụ án, mặc dù anh này có đầy đủ các chứng cứ ngoại phạm. Một thông tin quý giá khác khiến các trinh sát rất quan tâm, đó là Dương từng bị gia đình ông Mỹ cấm cản quan hệ qua lại với Linh. Đến 15 giờ ngày 7-7-2015, sau hơn 80 giờ điều tra và đấu tranh, Dương đã cúi đầu nhận tội.
Diễn biến toàn bộ vụ thảm sát

Theo hồ sơ vụ án, tháng 10-2013, do quan hệ tình cảm với Lê Thị Ánh Linh (22 tuổi, con gái ông Lê Văn Mỹ, xã Minh Hưng, Chơn Thành, Bình Phước) bị chấm dứt, Nguyễn Hải Dương cay cú và chuẩn bị kế hoạch trả thù. 

Đầu tháng 7-2015, Dương gọi điện thoại rủ Trần Đình Thoại (27 tuổi, quê Vĩnh Long) ra uống cà phê và rủ đi cướp nhà ông Mỹ. Nhưng khi Dương và Thoại đến nơi thì Dư Minh Vỹ (cháu ông Mỹ) không ra mở cửa nên cả hai quay về. Sau đó, Thoại từ chối không tham gia nên Dương tiếp tục rủ Vũ Văn Tiến. Khoảng 1 giờ 30 sáng 7-7-2015, Dương chở Tiến đến cổng nhà ông Mỹ. Dương nhắn tin cho Vỹ xuống mở cửa, sau đó Dương, Tiến lần lượt sát hại Vỹ (cháu ông Mỹ), Quốc Anh (con ông Mỹ), ông Mỹ, bà Nga (vợ ông Mỹ), Linh và Dư Thị Tố Như (chị của Vỹ). Riêng bé Na (con vợ chồng ông Mỹ, 18 tháng tuổi, vào thời điểm xảy ra vụ án) đã may mắn thoát chết.

Ngày 18-7-2016, phiên phúc thẩm, Tòa án Cấp cao tại TPHCM  đã tuyên y án  tử hình đối với Tiến và 16 năm tù đối với Thoại. Tại phiên xử sơ thẩm ngày 17-12-2015, TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên phạt Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến cùng mức án tử hình về tội giết người, cướp tài sản. Trần Đình Thoại 16 năm tù. Tiến và Thoại kháng cáo, riêng Dương không kháng cáo và đề nghị được sớm thi hành án tử.
Cuộc trả thù theo phim Mỹ Trong suốt hơn 3 giờ cán bộ điều tra thẩm vấn, Dương liên tục hỏi vặn lại các câu hỏi của trinh sát và đưa ra những lập luận từ chứng cứ ngoại phạm của mình. Dương đã rất tự tin cho rằng, cơ quan điều tra không thể tìm ra dấu vết cũng như chứng cứ liên quan của mình. Dương hỏi, vì sao các trinh sát nghi ngờ mình, trong khi tối ngày 6-7-2015 Dương vẫn còn đi nhậu với mọi người ở Hóc Môn và đến khuya vẫn về nhà ngủ. Chứng cứ ngoại phạm rất thuyết phục vì các nhân chứng trong buổi nhậu đã xác nhận và camera xưởng gỗ Dương ở cũng ghi lại hình ảnh anh này về nhà trong đêm hôm đó. Hơn thế, trong suốt đám tang của gia đình nạn nhân, Dương luôn túc trực, không hề sợ sệt hay lẩn tránh cơ quan công an. Tuy nhiên, với những chứng cứ điện tử và những dấu vết để lại hiện trường, cuối cùng, Dương đã phải cúi đầu nhận tội sau 3 tiếng bị thẩm tra. Dương cho biết, sau bị bị Linh từ chối tình cảm vì mẹ không cho phép, Dương đâm ra căm thù mẹ Linh là bà Nga và quyết tâm trả thù. “Dương khai nhận đã xem rất nhiều phim trinh thám Mỹ nên rất tự tin khi ra tay sát hại và xóa dấu vết. Dương đã chuẩn bị cho kế hoạch trả thù trong 6 tháng. Trước khi ra tay, Dương đã điện thoại cho Linh tâm sự rằng, gia đình Linh đã làm Dương hận tình và hận đời”, Thiếu tá Quân kể lại.  Để có chứng cứ ngoại phạm ở nhà tại Hóc Môn, TPHCM nhưng gây án ở Bình Phước, tối 6-7-2015, Dương đi nhậu với nhiều người ở Hóc Môn. Hơn 23 giờ, Dương về nhà và đi qua đi lại trước camera của xưởng gỗ. Dương lên giường tầng trên nằm, tầng dưới là bố Dương đang ngủ. Sau đó, Dương trổ nóc nhà và leo ra ngoài. Dương không lấy xe của mình mà đến phòng của người quen lấy xe mượn trước, chở bạn là Vũ Văn Tiến đi gây án. Do có quan hệ thân thiết với gia đình nạn nhân, Dương quen thuộc “đường đi, nước bước” trong căn nhà này. Dương nghiên cứu tỉ mỉ quy luật sinh hoạt của gia đình ông Mỹ, sau đó dụ dỗ Vỹ ra mở cửa và sát hại nạn nhân, rồi vào nhà bằng đường nạn nhân ra. Thậm chí, Dương còn biết được rằng, nhà ông Mỹ đang chuẩn bị sửa chữa nên hệ thống camera không hoạt động, gia đình có bảo vệ. “Tỏ ra khá tự tin và lỳ lợm nhưng Dương đã phải buột miệng: “Sao các anh hay vậy, không ngờ các anh tại lần ra!”, Thiếu tá Lường Tiến Quân kể lại.  Đánh giá thành công của chuyên án, Tổng cục Cảnh sát cho rằng, đó là do công tác lãnh đạo, chỉ huy sát sao, kịp thời đã giúp định hướng đúng hoạt động điều tra, nhanh chóng phá án. Khai thác hiệu quả thông tin từ khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, giám định và công tác điều tra tại hiện trường để xây dựng giả thiết, kế hoạch điều tra chính xác; phối hợp chặt chẽ giữa trinh sát xác minh và trinh sát kỹ thuật; huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tham gia; phát huy quần chúng cung cấp thông tin liên quan đến tội phạm… 

Tin cùng chuyên mục