Vừa ra mắt tại Hội chợ Sách Frankfurt, sách mới của Dan Brown sắp đến với độc giả Việt

Ngay khi có thông tin Dan Brown đang hoàn tất bản thảo của Origin, hàng loạt các đơn vị làm sách đã tức tốc liên hệ nhằm tiến hành thương lượng bản quyền việc chuyển thể tiếng Việt tác phẩm này.
Một trong những sự kiện cuối cùng và cũng được xem là điểm nhấn của Hội chợ Sách quốc tế Frankfurt (Đức) là việc nhà văn Mỹ Dan Brown giới thiệu tác phẩm mới nhất của ông với nhan đề Origin (Nguyên bản).
Được mệnh danh là ông vua dòng sách trinh thám khoa học nghệ thuật, những tác phẩm của Dan Brown luôn thu hút bạn đọc. Dù vừa ra mắt nhưng từ trước đó, khi còn ở dạng bản thảo, tác phẩm này đã được một đơn vị xuất bản Việt Nam đặt mua và chuyển ngữ. 
Nhà văn Mỹ Dan Brown trong buổi ra mắt tác phẩm "Origin" tại Hội chợ sách Frankfurt (Đức)
2.000 khách thăm quan có mặt trong buổi lễ ra mắt tác phẩm mới nhất của Dan Brown tại Hội chợ Sách quốc tế Frankfurt, con số mà theo Giám đốc hội chợ Juergen Boos là “kỷ lục chưa từng có”.

Là một nhà văn chuyên viết tiểu thuyết trinh thám có chứa nhiều yếu tố khoa học kỹ thuật, nghệ thuật và tôn giáo, Dan Brown nổi lên thành một hiện tượng chấn động làng sách văn học thế giới với tác phẩm Mật mã Da Vinci (The Da Vinci Code) xuất bản năm 2003.

Với việc lồng ghép khéo léo các chi tiết nghệ thuật, các vấn đề của lịch sử tôn giáo, cuốn tiểu thuyết này đã trở thành tác phẩm ăn khách nhất trên hầu hết các bảng xếp hạng sách thế giới. Cuốn sách cũng gây tranh cãi khắp thế giới về những chi tiết tôn giáo mà nó đề cập.

Các tác phẩm của Dan Brown
Sự thành công của Mật mã Da Vinci khiến cho bạn đọc đã lần tìm lại các tác phẩm của ông. Trước đó, Dan Brown cũng đã viết một số tác phẩm trinh thám đề tài khoa học kỹ thuật như Pháo đài số (Digital Fortress), xuất bản 1998 có đề tài về mã hóa trong kỷ nguyên số; Điểm dối lừa (The Deception point), xuất bản 2001 về vấn đề ngụy tạo các giá trị khoa học.
Trên thực tế, Mật mã Da Vinci không phải là cuốn đầu tiên ông viết về đề tài tôn giáo, biểu tượng. Cuốn đầu tiên trong loạt sách có chủ đề xoay quanh giáo sư biểu tượng học Robert Langdon là tác phẩm Thiên thần và Ác quỷ, xuất bản năm 2000 nhưng không mấy thành công.
Sau thành công vang dội của Mật mã Da Vinci, các tác phẩm của ông được săn lùng và đều có thành công về số sách bán ra. Từ thành công đó, Dan Brown đã chuyển hướng tập trung viết về biểu tượng, mật mã và các vấn đề tôn giáo với nhân vật chính tiếp tục là GS Robert Langdon. Lần lượt các tác phẩm mới ra đời như: Biểu tượng thất truyền (The Lost Symbol, 2009); Hỏa ngục (Inferno, 2014).  
"Origin" (Nguyên bản) - tác phẩm mới nhất của Dan Brown
Origin (Nguyên bản) tiếp tục là cuộc phiêu lưu mới nhất của nhân vật chính Robert Langdon dù Dan Brown từng cho biết sẽ chỉ có 3 tác phẩm xoay quanh nhân vật này nhưng thực tế, đây đã là tác phẩm thứ 5 và chưa có dấu hiệu vị GS biểu tượng học này sẽ ngừng lại.

Trong tiểu thuyết Origin, Langdon khám phá các biểu tượng tại Tây Ban Nha, một quốc gia giàu tính lịch sử, nghệ thuật, tôn giáo. Có một điểm khác biệt lớn là ở 4 tác phẩm trước (Thiên thần và ác quỷ, Mật mã Da Vinci, Biểu tượng thất truyền, Hỏa ngục), GS Langdon đều tiếp xúc, giải nghĩa các biểu tượng trong nghệ thuật và tôn giáo cổ điển. Nhưng ở Origin, nhân vật sẽ bước vào cuộc phiêu lưu trong hành trình giải mã nghệ thuật hiện đại với bối cảnh là bảo tàng Guggenheim Bilbao, bảo tàng nghệ thuật hiện đại và đương đại của Tây Ban Nha.

Với Origin, theo Dan Brown thì mâu thuẫn giữa khoa học và tôn giáo vẫn là trục chính của cốt truyện. Ông đã phải dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu về các vấn đề liên quan đến nội dung sách trước khi bắt tay vào viết tiểu thuyết.

Dan Brown cho biết: “Khi tôi quyết định sẽ viết về sự tiến hóa, sự sáng tạo và trí tuệ nhân tạo, tôi đã dành gần 6 tháng để đọc những cuốn sách phi hư cấu, và đưa ra những câu hỏi mà tôi muốn biết. Sau đó tôi chuyển sang giai đoạn nói chuyện với các nhà khoa học, các nhà quản lý nghệ thuật hiện đại, các giáo sĩ tôn giáo và dành thời gian ở Tây Ban Nha”.

Tuy được đánh giá rất cao về việc khéo léo lồng ghép các yếu tố khoa học, biểu tượng, tôn giáo, lịch sử… vào các tác phẩm của mình nhưng Dan Brown lại bị đánh giá thấp ở phương diện trinh thám dù rằng tất cả các tác phẩm của ông đều thuộc dạng tiểu thuyết trinh thám.

Các nhà phê bình và cả bạn đọc đều cho rằng các tác phẩm của ông giống nhau trong việc xây dựng nhân vật phản diện trung tâm nên chỉ cần đọc 1 cuốn là ở những cuốn khác sẽ rất dễ đoán đâu là kẻ phạm tội cuối cùng.

Một số tác phẩm của Dan Brown ở Việt Nam
Với bạn đọc Việt Nam, ảnh hưởng của Dan Brown cũng rất lớn, sau các tiểu thuyết về biểu tượng học, thậm chí các đơn vị xuất bản còn xuất bản nhiều tác phẩm viết về ngành nghiên cứu biểu tượng, một ngành nghiên cứu còn rất mới lạ ở Việt Nam.
Tác phẩm Hỏa ngục bản dịch tiếng Việt được chọn là cuốn sách bán chạy nhất tại Hội sách TPHCM lần thứ 8 (3-2014). Chính vì thế, ngay khi có thông tin Dan Brown đang hoàn tất bản thảo của Origin, hàng loạt các đơn vị làm sách đã tức tốc liên hệ nhằm tiến hành thương lượng bản quyền việc chuyển thể tiếng Việt tác phẩm này.
Theo thông tin không chính thức, Công ty Sách Bách Việt, đơn vị sở hữu bản quyền tiếng Việt các tác phẩm trước đó của Dan Brown đã chi ra số tiền bản quyền được xem là ở mức “kỷ lục” từ trước đến nay để tiếp tục là đơn vị độc quyền chuyển ngữ Origin.
Hiện nay, bản gốc Origin đã được chuyển cho phía Bách Việt và theo dự kiến, bản dịch Origin sẽ chính thức đến tay bạn đọc trong nước vào khoảng đầu năm 2018.

Ngay sau khi sách ra mắt, nhiều bạn đọc đã đọc tác phẩm và đây là trích đoạn một điểm nhấn trong sách mà bạn đọc Nam Air lược dịch:

“Đừng nhầm lẫn giữa khuôn mẫu (pattern) và mã (code), khuôn mẫu xuất hiện trong tự nhiên, ví dụ nhụy hoa hướng dương xếp theo hình vòng xoáy, tổ ong hình lục giác xếp đều đặn liên tục, ở khắp trái đất này, nói chung ta nhìn đâu cũng có thể thấy khuôn mẫu, vì tự nhiên không thiếu khuôn mẫu.

Phần mã thì không như vậy, mã là một cái gì đó chứa thông tin, mã không đơn giản là tuân theo một cái khuôn nào đó, ví dụ ngôn ngữ cũng là một dạng mã, ký hiệu toán học là một dạng mã, hoặc đơn giản như cây thánh giá, chỉ là 1 dấu thập, nhưng nó chứa rất rất nhiều thông tin trong đó.

Khác biệt giữa mã và khuôn mẫu là khuôn mẫu thì có thể xuất hiện trong tự nhiên, còn mã thì không tự nhiên mà có, phải có ai đó tạo ra, không có chuyện tự dưng trên cát xuất hiện dòng chữ hoặc số nào đó.

Vậy còn DNA thì sao? Nó vừa là một khuôn mẫu, nhưng nó lại là một dạng mã, nó chứa thông tin để sinh ra một thế hệ tiếp theo, vậy ai tạo ra DNA?"

Tin cùng chuyên mục