Vực dậy sâm Báo

Vùng đất Vĩnh Hùng (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) không chỉ là đất địa linh nhân kiệt, mà còn là nơi Trời phú cho những sản vật hiếm nơi nào có được, trong đó có sâm Báo. Sâm Báo mọc trên núi Báo là sản vật ngày xưa chỉ dùng để dâng vua, tiến chúa và được mệnh danh là “Đại Việt đệ nhất danh sâm”. Qua bao thăng trầm, sâm Báo tưởng như không còn ai biết đến, nhưng thời gian gần đây, giống sâm quý này đang được vực dậy, đem lại hy vọng cho không chỉ một vùng quê.
Cánh đồng trồng sâm Báo tại xã Vĩnh Hùng (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa)
Cánh đồng trồng sâm Báo tại xã Vĩnh Hùng (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa)

Đất địa linh

Trong khi đi tìm hiểu về sâm Báo, tôi may mắn gặp được ông Trịnh Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hùng. Ông là người đam mê tìm hiểu và đau đáu về sâm Báo. Ông kể, làng ông nằm ngay dưới chân núi Báo, xưa có tên là làng Biện Thượng hay Bồng Thượng. Trong vùng có chùa cổ Báo Ân, có Nghè Vẹt thờ Trịnh Ra và 12 đời Chúa Trịnh, có Phủ Trịnh… cạnh đó là Thành Nhà Hồ. Ông Sáu tự hào: “Vĩnh Hùng là mảnh đất địa linh sinh ra các bậc nhân kiệt, đất trời cũng phú cho quê tôi sản vật không nơi nào có, đó là sâm trên núi Báo”.

Sâm Báo cùng loại với dòng sâm Bố Chính, sâm Thổ Hào có ở Nghệ An, Quảng Bình, Phú Yên… nhưng chỉ trồng được ở vùng núi Báo. Từ thời Hồ, Lê, Trịnh, Nguyễn… sâm Báo là sản vật dùng để dâng vua tiến chúa và được mệnh danh là “Đại Việt đệ nhất danh sâm”. Sách “Thanh Hóa Vĩnh Lộc huyện chí” của Lưu Công Đạo soạn năm Gia Long thứ 15 viết: “Nước Nam có nhiều sâm, chỉ có sâm ở đất Biện công hiệu hơn hẳn các nơi khác. Dùng nhân sâm có nhiều hiệu nghiệm kỳ lạ”. Sách “Đồng Khánh địa dư chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn năm 1886 viết: “Sâm Báo chất nhỏ mà trắng, vị đắng, có tính mát, có thể giải nhiệt”. Sau này, qua nghiên cứu cho thấy sâm Báo có tác dụng bổ khí huyết, tăng cường sinh lực, giúp ăn ngon ngủ tốt, chữa suy nhược thần kinh.

Ông Sáu kể, sâm Báo mọc từ tháng 1, 2 âm lịch, đến khoảng tháng 10 - 11 lụi dần, sau đó ẩn mình vào lòng đất chờ mùa xuân tiếp theo sẽ nảy chồi. Một củ sâm bình thường khoảng 2 - 3 lạng, lớn nhất 4 lạng. Ngày xưa, cứ vào độ tháng 2, 3 âm lịch các cụ trong làng lại lên núi Báo tìm đào sâm. Sâm mang về phải được đưa ra rửa ở giếng Sôi nằm giữa núi Mắt Vôi và núi Mu Rùa. Sau khi rửa sạch, sâm tươi nguyên củ ngâm rượu. Nhưng công phu nhất là làm sâm khô. Sâm rửa sạch, để ráo rồi đem bỏ vào chõ xôi để hong cùng gạo nếp, tiếp đó lấy ra thái mỏng đem phơi. Đợi sâm khô giòn thì vào khe Mang Cá trên núi Báo lấy nước về vo gạo nếp, lắng lấy phần nước “chất” rồi ngâm sâm vào. Ngâm đến khi nào sâm tươi trở lại thì mang ra phơi tiếp cho khô. Tiếp đó, dùng nước gừng tươi ướp sâm rồi đem sao vàng hạ thổ 3 lần. Trong khi sao vàng tẩm thêm mật ong để tạo vị ngọt và thơm. Khi đã thành phẩm, sâm được dùng để ngâm rượu, tán bột ăn kèm với bột đậu xanh, pha như trà uống hàng ngày...

Sâm Báo vẫn được người làng Biện Thượng lên núi đào cây con về trồng. Nhưng sâm trồng thường bị hỏng, thối củ vì mắc bệnh, đặc biệt là nấm cổ rễ, đến nay vẫn chưa có cách chữa. Việc trồng sâm cũng chủ yếu phục vụ cho gia đình. Đến năm 1995, Phủ Trịnh được công nhận Di tích lịch sử quốc gia, du khách đến tham quan phủ mới biết sản vật sâm Báo. Thời điểm 1996 - 1998, người dân trồng nhiều sâm nhưng giá chỉ trên dưới 120.000 đồng/kg sâm khô, trong khi cứ 5kg sâm tươi mới được 1kg sâm khô. Đến năm 2018, giá sâm tươi 350.000 đồng/1kg, sâm khô từ 3.500.000 - 4.000.000 đồng/kg, nhưng không có để bán. 

Củ sâm Báo sau khi thu hoạch


Lứa sâm Báo đầu tiên hạ sơn

Từ niềm đam mê, ông Trần Đức Thông (quê huyện Triệu Sơn) cùng con trai và con rể lên Vĩnh Hùng quyết tâm ăn ở với sâm Báo, mở Công ty CP Dược liệu Triệu Sơn để chuyên trồng, phát triển sâm Báo. Ngày 22-10-2018, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Dự án Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất cây sâm Báo theo GACP-WHO. Sau khi có chủ trương, công ty của bố con ông Thông mời các nhà khoa học ở Viện Dược liệu, Viện Công nghệ sinh học, Đại học Hồng Đức… cùng vào cuộc “vực dậy sâm Báo”. Ông Trịnh Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hùng, hồ hởi: “Xã rất vui vì sâm Báo được quan tâm. Xã tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư về đầu tư, cùng các nhà khoa học, nông dân liên kết lại để vực sâm Báo dậy sau mấy trăm năm bỏ quên”. Đầu năm 2019, lứa sâm Báo đầu tiên đã được “hạ sơn”, đưa xuống ruộng trồng với mô hình 2,5ha. 

Mô hình trồng sâm Báo tại xã Vĩnh Hùng được nhiều nhà khoa học quan tâm, đến tìm hiểu, trong đó có cả các nhà khoa học Hàn Quốc. Một ngày mùa thu, tôi may mắn được cùng PGS-TS Đặng Thị Cẩm Hà, chuyên gia Viện Công nghệ sinh học, trèo lên núi Báo để “xin” sâm. Sau khi làm lễ, mọi người cùng tỏa đi tìm sâm. Và rồi một số cây sâm lẩn khuất trong khe đá, đất, cây dại cũng xuất hiện. TS Cẩm Hà hướng dẫn các cộng sự tỉ mẩn bứng cây, lấy đất và đá bỏ vào túi đem về nghiên cứu. Bà chia sẻ: “Ngay cả đá cũng phải mang về nghiền ra, xem đá, đất, môi trường nơi đây đã nuôi dưỡng sâm Báo như thế nào. Công đoạn đầu và khó khăn nhất là phải tìm cho ra đặc tính của sâm Báo, tìm được thì việc trồng nhân rộng, phát triển “Đại Việt đệ nhất danh sâm” sẽ thuận lợi”.

Tin cùng chuyên mục