Vui buồn nghề cứu nạn, cứu hộ

Dầm mình trong dòng nước lạnh, trèo lên những tòa nhà cao tầng hay băng mình qua ngọn lửa để cứu người, cứu tài sản cho nhân dân… đó là công việc của người lính chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.
Cảnh sát PCCC cứu hộ người bị thương, kẹt trong cabin xe tải sau vụ tai nạn giao thông tại quận 2, TPHCM
Cảnh sát PCCC cứu hộ người bị thương, kẹt trong cabin xe tải sau vụ tai nạn giao thông tại quận 2, TPHCM

Cho đến nay, hình ảnh người lính cứu hỏa ngày càng trở nên gần gũi với nhân dân, được nhân dân yêu mến và gọi là những người hùng. Để được như thế, lính cứu hỏa phải trải qua quá trình rèn luyện hết sức nghiêm túc và vất vả.

1.Dưới cái nắng hừng hực như đổ lửa, những người lính vẫn mải mê tập luyện, cho dù đôi tay do dùng sức nhiều đã trở nên rã rời, mồ hôi ướt đẫm lăn trên làn da cháy nắng sạm đen. “Xông vào lửa còn chẳng sợ, lo gì ba cái nắng, gió” - các cán bộ, chiến sĩ động viên nhau cố gắng tập luyện, tự nhủ với bản thân phải chiến thắng trong mỗi trận chiến, vì biết rằng sau lưng họ luôn có nhiều niềm tin đặt vào mình.

Hành trang khi ra hiện trường là chiếc nón bảo hộ, bình dưỡng khí… với bộ đồ bảo hộ đơn giản nhưng chiến công của lính cứu hỏa ngày một dày lên, được tô thắm bởi những thành tích trong những trận chiến không mệt mỏi với giặc lửa.

Bao năm qua, hình ảnh những người lính phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) đã có mặt trong nhiều hoạt động khi người dân yêu cầu hỗ trợ như chữa cháy, tai nạn, cứu người mắc kẹt trong thang máy, người sử dụng ma túy gây rối trật tự công cộng, nhà sập, người đuối nước, lặn tìm tang vật trong các vụ án hình sự… Thậm chí, khi đàn ong làm tổ lớn trên cây, gây ảnh hưởng đến an toàn của bản thân, người dân cũng gọi điện báo cho lực lượng 114.

Gần đây nhất là cơn bão Usagi gây mưa lớn tại TPHCM. Khi nhiều người tìm nơi trú ẩn thì lính cứu hỏa lại dầm mình trong mưa lớn tổ chức chống ngập, dọn dẹp cây xanh ngã đổ để khắc phục hậu quả do bão gây ra.

Vui buồn nghề cứu nạn, cứu hộ ảnh 1 Tham gia dọn dẹp cây xanh ngã đổ trên đường do cơn bão Usagi gây ra trên địa bàn TPHCM
Bên cạnh đó, 2 cánh quân của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (PC07 - Công an TPHCM) cũng đã được điều động qua tỉnh Bình Dương chi viện chữa cháy cho tỉnh bạn.

2.Công việc của người lính CNCH rất vất vả và chịu áp lực cao. Sự cố xảy ra đều không được báo trước và diễn ra bất cứ khi nào. Để làm tốt được công việc của mình, yêu cầu đặt ra cao nhất là tình yêu nghề, sự dũng cảm để xử lý nhanh tình huống. Thượng úy Nguyễn Trường Nam, cán bộ Tổ CNCH dưới nước (PC07-Công an TPHCM), là một trong những cán bộ tuổi đời còn trẻ nhưng có nhiều kinh nghiệm trong công tác CNCH. Làm quen với công việc này ngay từ khi mới 18 tuổi, đến nay đã 13 năm trong nghề, số vụ bản thân đã tham gia khi được hỏi Thượng úy Nam cũng không thể nhớ hết.

Lần ấn tượng nhất của anh Nam là lúc nhận lệnh đi chi viện CNCH vụ nổ sà lan khiến 4 người chết tại cầu Bến Lức (tỉnh Long An) vào một đêm cuối năm 2009. Khi tới nơi, trong không gian đêm tối ảm đạm, mùi nhang khói mịt mù khắp nơi xen lẫn tiếng khóc thảm thương của người thân các nạn nhân, khiến anh không khỏi bùi ngùi.

Qua nắm tình hình cho thấy, hiện trường là các mảnh vỡ chiếc sà lan đang vương vãi khắp nơi, thi thể người không còn lành lặn. Một số bộ phận của các nạn nhân bị rớt xuống sông. Yêu cầu đặt ra với lính CNCH là tìm nhặt các phần thi thể của nạn nhân để bàn giao cho thân nhân của họ. Trong màn đêm tối mịt, dòng nước lạnh ngắt nhưng anh Nam cùng đồng đội vẫn cố gắng ngụp lặn, tìm kiếm cả đêm. Mỗi lần đưa thi thể lên, anh đều lấy bạt che lại và mãi đến gần sáng mới tìm thấy hết và bàn giao cho gia đình.

Lần tác chiến đầu tiên quá ấn tượng khiến anh không khỏi “sốc” suốt một thời gian. Nhưng ấn tượng lớn nhất của Thượng úy Nam nói riêng và đồng đội nói chung về nghề nghiệp của mình không phải là sự sợ hãi, mà là những tiếc nuối. Và nỗi niềm tiếc nuối, ám ảnh nhất đó là những lần cứu nạn những em bé không may bị đuối nước.

Trung úy Trần Mai Kha, cán bộ Đội chữa cháy và CNCH khu vực I, nhớ lại vụ lật thuyền tại quận 9. Đó là vào thứ sáu, ngày 13-4-2012, ngày cúng đình của người dân xóm ven sông trên địa bàn quận 9. Khu dân cư bên kia sông, muốn bày tỏ lòng thành nên mang lễ qua cúng. Nhưng không may thuyền chở quá số người, đi đến giữa sông thì thuyền bị lật, 4 người bị chìm, trong đó có em bé 12 tháng tuổi. Lực lượng cứu hộ nhanh chóng có mặt tại hiện trường và lập tức 3 người lớn được vớt lên, duy chỉ có em bé chưa tìm thấy.

“Sau nhiều lần triển khai lặn tìm thi thể em bé nhưng chưa thấy, đến thời điểm đó, cổ tôi bắt đầu lạnh, người thấy mệt, cơ thể bắt đầu phản ứng không chịu tiếp được áp suất nước dưới lòng sông, hai hàm răng cứng lại. Chân liên tiếp bị nhiều vật cản, chông tre đâm vào, công việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn. Nhưng lúc đó, nghĩ đến việc em bé còn rất nhỏ, phải nằm dưới dòng nước lạnh lẽo, tôi lại cố gắng lặn tìm tiếp. Tôi mở ống thở ra, uống thêm vài ngụm nước để cổ bớt khô và tiếp tục lặn. Một lúc sau thì đầu gối tôi cảm nhận đụng trúng vật gì. Tôi lấy tay mò thử thì nhận ra có gì đó giống như quần áo trẻ em, tôi đoán đã tìm được nên ôm chặt em vô người và vội giật dây báo cho đồng đội đứng ở trên tiếp sức đưa em lên bờ, bàn giao cho gia đình”, Trung úy Kha xúc động kể lại.

3.Vụ chữa cháy và CNCH  tại chung cư Carina là lần tác nghiệp không thể quên của những người lính PC07 - Công an TPHCM. Vào lúc 1 giờ 27 phút ngày 23-3-2018, PC07 nhận được tin báo cháy tại chung cư Carina Plaza (trên đường Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8). Xác định đám cháy có khả năng phát triển lớn nên PC07 đã huy động 34 xe chữa cháy và 205 cán bộ, chiến sĩ đến dập lửa và CNCH người dân bị mắc kẹt trên các tầng của chung cư.

Khoảng 2 giờ 10 phút, đám cháy được dập tắt hoàn toàn, tức khoảng sau 30 phút khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp tới nơi. Do lực lượng kịp thời dùng biện pháp chữa cháy nhanh, hiệu quả nên đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, cứu được hơn 150 người dân và hướng dẫn thoát nạn cho 1.000 người. Tuy nhiên, do lực lượng Cảnh sát PCCC nhận được tin báo trễ nên đã không cứu được 13 cư dân bị tử vong vì ngạt khói. Đây là sự mất mát quá lớn. Trong vụ cháy trên, hàng trăm người lính đã làm việc trong nhiều giờ, không mệt mỏi để chữa cháy và cứu người.

“Chúng tôi chạy lên chạy xuống tòa nhà nhiều lần, từ đêm cho đến sáng. Có những lúc mệt quá, chân không bước nổi đã tháo đôi ủng ra, cầm trên tay và tiếp tục chạy. Nhờ đó đã có nhiều gia đình sau khi chúng tôi gõ cửa, thông báo đến hướng dẫn thoát nạn thì họ mừng rỡ nói với nhau là thoát chết rồi và được đưa xuống đất an toàn”, Trung sĩ Dương Tấn Minh, chiến sĩ Đội chữa cháy và CNCH - Công an quận 1 - kể lại.

Là một trong những người trực tiếp CNCH được nhiều cư dân, Đại úy Châu Thanh Quang,  Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TPHCM, kể: “Do chung cư quá cao, khói bốc lên ngùn ngụt, các chiến sĩ phải mang bình oxy, sử dụng bao tay thấm nước, đu lên ban công, dùng thang móc lên các tầng lầu để tiếp cận cứu người. Tôi leo thang móc lên tới tầng 12 rồi tiếp tục chạy bộ lên tầng 14, hướng dẫn người dân tập kết tại đây. Khi khói thoát hết ra mới đưa người xuống đất an toàn. Sau đó, tôi phát hiện cặp vợ chồng dìu nhau rất khó khăn do người vợ đang mang thai và trong trạng thái hoảng loạn, họ không di chuyển nhanh được vì khói mịt mù. Thấy thai phụ ngã khuỵu nên tôi đến trấn an, đắp khăn ướt vào mặt và chườm lên người để giảm nhiệt, chống ngạt. Chúng tôi dìu chị lên sân thượng ở lầu 14 khu A để tránh khói, chờ khi lửa tắt hoàn toàn sẽ đưa xuống. Để chị ấy trên đó an toàn rồi, tôi và đồng đội quay xuống các tầng để tiếp tục tìm nạn nhân mắc kẹt. Chúng tôi cứ xoay vòng như thế trong hơn 2 giờ, đưa được 20 người đến nơi an toàn…”.

Với những giờ phút quên mình như thế, công việc của những người lính chữa cháy đã được người dân ghi nhận. Tại buổi tri ân của cư dân Carina dành cho lính chữa cháy diễn ra vào ngày 12-4-2018, bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, đại diện cư dân của chung cư, đã bày tỏ lòng biết ơn đối với các chiến sĩ PCCC, CNCH quả cảm trong đêm cháy chung cư Carina.

Bà Mai đã dùng từ “người anh hùng” để miêu tả cảnh các chiến sĩ xông vào đám khói lửa, tới từng cầu thang, căn phòng để cứu người. “Chính những “người anh hùng” này đã góp phần giảm thiểu thiệt hại của vụ cháy đêm đó. Nếu không có các anh, số người chết không chỉ dừng lại ở  con số 13”, bà Mai xúc động.

Những người lính mạnh mẽ xông pha trên chiến trường lửa hôm nào, nhưng hôm đó nước mắt cứ tự trào: “Chúng tôi rất xúc động vì thấy được tình cảm của người dân dành cho lực lượng. Chúng tôi thấy công việc mình làm có ý nghĩa và tự hứa sẽ không ngừng nỗ lực, phấn đấu hết mình trong công việc để đáp lại sự tin tưởng của người dân dành cho lực lượng”, Trung sĩ Dương Tấn Minh, chiến sĩ Đội chữa cháy và CNCH - Công an quận 1, cảm động nói.

Năm qua, lực lượng Cảnh sát PCCC TPHCM đã tham gia CNCH 264 vụ, hướng dẫn hơn 1.000 người tự thoát nạn, tổ chức cứu 166  người (trong đó, 81 người được cứu trong các vụ cháy, 85 người được cứu trong các vụ cứu nạn) và tìm được 41 thi thể nạn nhân; hút nước chống ngập tại 51 điểm ngập úng trên địa bàn 11 quận huyện, cứu được nhiều tài sản khác của người dân.

Tin cùng chuyên mục