Câu chuyện chủ nhật

Vui mà lo

 
Với mảng phim truyện, tác phẩm tham gia dự thi chỉ còn là phim truyện điện ảnh. Phim truyện truyền hình, từ nay trả về với các cuộc liên hoan phim truyền hình. Đây là nét mới đầu tiên của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20.

Vài năm trở lại đây, với việc làm phim điện ảnh mạnh mẽ của các hãng phim tư nhân, số lượng phim xuất xưởng hàng năm lên tới con số từ 35 - 50 phim. Để bảo đảm tiêu chí và chất lượng phim tham gia dự thi, đã có một cuộc sơ tuyển xét chọn các tác phẩm để vào vòng cuối cùng - tức có quyền tranh giải Bông sen vàng, Bông sen bạc. Đây là nét mới mẻ thứ 2. 

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 này có 16 phim tranh giải hoàn toàn là phim tư nhân. 

Sau gần nửa thế kỷ - tính từ Liên hoan phim lần 1 diễn ra vào mùa hè nhiều bom lắm đạn năm 1970 cho tới nay, đây là lần đầu tiên các hãng phim Nhà nước không có phim tham gia dự thi. Nét mới thứ 3 này vừa như một tín hiệu vui; đồng thời cũng mang tới những trăn trở, băn khoăn. Vui vì điện ảnh nước ta ngày càng tìm được nhiều động lực và tiềm năng làm phim theo xu thế xã hội hóa. Băn khoăn, âu lo vì khi đồng tiền trợ cấp từ phía Nhà nước cho việc sản xuất phim ngày càng trở nên eo hẹp, ít ỏi - liệu điều này có làm ảnh hưởng tới tính định hướng trong việc xây dựng một nền điện ảnh dân tộc, cách mạng coi trọng cả 3 chức năng: Nhận thức - giáo dục và thẩm mỹ không đây? 
Trở lại với 14 bộ phim tham gia tranh giải Bông sen vàng, Bông sen bạc lần này. Phim của các nhà sản xuất tư nhân - đương nhiên lấy mục đích giải trí, hút khách tới rạp, đạt doanh thu cao là chính… Nhưng khác với những năm trước, phim dự giải năm nay nổi trội lên bởi những kỹ càng, công phu trong xây dựng cốt kịch, khắc họa tính cách nhân vật. Phim Cô gái đến từ hôm qua phỏng theo truyện vừa của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là câu chuyện có tình có lý, diễn tiến khá tự nhiên về một tình bạn, chuyển qua tình yêu kéo dài qua cả chục năm. Phim Cho em gần anh thêm chút nữa kể một câu chuyện tình dễ rơi vào bi lụy, sầu thảm, song các tác giả đã vượt qua được miệng vực này đã mang tới cho người xem những tình cảm ấm áp, của một tình bạn, tình trong sáng, thủy chung. Hotboy nổi loạn 2 tiếp tục khai thác đề tài đồng giới của Hotboy 1, dù vậy người xem vẫn bị cuốn hút bởi tay nghề vững vàng và sự tinh tế của Vũ Ngọc Đãng - đạo diễn cũng kiêm luôn việc biên kịch phim. 

Phim tư nhân năm nay có một sải bước dài xét về phương diện tạo hình, âm thanh, âm nhạc - đó là điều ai cũng nhận thấy. Tiết tấu phim nhanh, màu sắc đẹp, âm nhạc và âm thanh phục vụ khá đắc lực cho hình ảnh. Tất cả điểm mạnh này, thiết nghĩ là rất phù hợp với sự thưởng ngoạn của khán giả trẻ hôm nay. Thành công về phương diện này có thể kể ra đây các bộ phim như: 12 Chòm sao: vẽ đường cho yêu chạy, Bao giờ có yêu nhau, Sắc đẹp ngàn cân…

Dù là phim giải trí, phim hút khách tới rạp, 16 bộ phim dự thi năm nay vẫn rành rọt chia làm 2 mảng với những trù liệu về gây cười và phản ánh hiện thực khác nhau: Loạt phim thuần túy mang lại niềm vui, sự khuây lãng cho người xem, ví như các phim 12 Chòm sao: vẽ đường cho yêu chạy, Sắc đẹp ngàn cân, Em chưa 18… Lại cũng có những bộ phim tuy không muốn làm người xem phải đau đầu, suy nghĩ nhiều nhưng tỷ trọng của những vấn đề xã hội, những mẫu người thuộc giới bình dân vẫn nặng ký hơn. Có thể kể ra đây các bộ phim Nắng, Sài Gòn anh yêu em, Bao giờ có yêu nhau, Cho anh gần em thêm chút nữa, Cô hầu gái…

Ngay ở mảng phim thứ 2 này, như dóng một hàng riêng, tách bạch với các bộ phim đã kể là 3 bộ phim Cha cõng con, Đảo của dân ngụ cư, Cô Ba Sài Gòn. Cả ba bộ phim đều làm bằng đồng vốn tư nhân và lẽ đương nhiên đều mong hút khách tới rạp, có doanh thu cao, song người xem ghi nhận điều này: Tác giả của 3 phim còn mong đạt tới một cái đích khác - vươn tới những giá trị nghệ thuật! Chúng ta xúc động và hết lòng ủng hộ ý muốn thành tâm ấy. Bởi lẽ, việc nâng cao cảm thụ và thẩm mỹ cho đông đảo công chúng người xem đấy chính sẽ là lối thoát giúp cho phim ảnh của chúng ta bước ra khỏi “mê hồn trận” Tình - Tiền - Sex - Hành động; tìm cách thoát khỏi cái ngõ cụt của sự nghèo nàn, nhàm chán, hết sao chép của nhau thì tìm tới sự sao chép của nước ngoài hiện đang ngự trị… Đáng tiếc, cả ba bộ phim giàu tâm huyết, nhiều gửi gắm, nhiều tính điện ảnh này chỉ riêng phim Cha cõng con giành Bông sen bạc. 

Bông sen vàng của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 trao cho phim Em chưa 18 tuyệt nhiên không phải vì phim đạt doanh số “khủng” như một vài lời dị nghị. Phim kể về sự bỡn cợt, trêu chọc của một cô gái chưa đến tuổi thành niên với một người đàn ông hơn cô tới 20 tuổi. Và rồi tình yêu đã xảy tới với họ khi cô gái vừa tròn 18. Phim vui, tươi mát, nhẹ nhàng đấy, nhưng ẩn chứa những “ngón nghề” cao cường trong nhạy cảm nắm bắt thị hiếu của giới trẻ; trong điều khiển diễn xuất; uyển chuyển nhịp nhàng với cắt tiếp; trong âm thanh, âm nhạc sôi động, hiện đại… Và còn điều nữa, Em chưa 18 đã tỏ ra vững vàng, bản lĩnh, hệt như một nghệ sĩ đi trên dây đã giữ được thăng bằng để không rơi xuống khoảng sâu hun hút của một bên là sự tầm thường, nhảm nhí; bên kia là những quy định không thành văn của đạo đức…

Tin cùng chuyên mục