Vươn tầm châu lục

Có 2 hình ảnh được xem là biểu tượng không chỉ của năm 2018 mà còn là nhiều thập niên đối với sự phát triển mà thể thao Việt Nam đã đạt được. Thứ nhất, đấy là cú nhảy 6,55m của VĐV Bùi Thị Thu Thảo trên hố nhảy xa Asiad 2018. Thứ hai, là khoảnh khắc đầy cảm xúc khi các cầu thủ cùng nhau dùng tay dọn tuyết để Nguyễn Quang Hải, cầu thủ đoạt danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam 2018, tung cú sút “cầu vồng trong tuyết” ở trận chung kết U.23 châu Á.

Thể thao Việt Nam đã có HCV Olympic, cũng không thiếu những nhà vô địch thế giới, nhưng nếu chúng ta nhìn ở góc độ rộng hơn thì sẽ thấy tầm vóc của 2 khoảnh khắc kể trên trong năm 2018. Thứ nhất là chiếc HCV đầu tiên của điền kinh trong lịch sử tại Asiad, môn thể thao nữ hoàng và kế đến, là trận chung kết tầm châu lục đầu tiên của môn thể thao vua, bóng đá. Đây là 2 môn thể thao đại chúng toàn cầu, có giá trị tiêu biểu ở vai trò cá nhân và tập thể. Vì sự phổ biến của nó mà bất kỳ chiến tích nào trong 2 môn này cũng được xem là biểu tượng của sức mạnh thể thao của một quốc gia. Không giống như một số môn thi đấu có tính đặc thù, đem lại ưu thế riêng cho VĐV Việt Nam, điền kinh và bóng đá đòi hỏi những nỗ lực tột cùng, liên tục, luôn phải vượt qua các giới hạn bản thân nếu muốn vươn đến một đẳng cấp nào đó. Cả 2 môn thể thao đó đều chưa từng được xem là thế mạnh của thể thao Việt Nam. Cách đây không lâu, chúng ta vẫn phải dùng đến từ “giấc mơ” để nói về các chiến thắng như vậy.

Không chỉ trong thể thao, nếu chúng ta nhìn từ lăng kính phát triển của đất nước, sẽ thấy những điều đặc biệt. Chúng ta đã tự hào về vị thế của đất nước trong các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế; hãnh diện với những di sản văn hóa và thiên nhiên, thì nay có thêm những dấu ấn ở góc độ con người và tinh thần khát khao chiến thắng trong cuộc chinh phục những điều tưởng chừng không thể vượt qua vì những giới hạn thể chất. Để có những chiến thắng ở tầm vóc châu Á trong thể thao không chỉ cần năng khiếu, tố chất bẩm sinh ở từng VĐV mà còn đòi hỏi sự đầu tư lâu dài, sự kiên trì không có điểm dừng từ đơn vị quản lý cho đến tính khoa học trong tập luyện cũng như tài năng của những chuyên gia trực tiếp huấn luyện. Một chiếc HCV lịch sử của Bùi Thị Thu Thảo hay chiếc HCB của đội tuyển U.23 phải đánh đổi bằng sự chờ đợi của 10 năm, 20 năm và nhiều thế hệ VĐV với biết bao nguồn lực đầu tư.

Gọi 2 khoảnh khắc ấy là biểu tượng còn bởi vì khả năng truyền cảm hứng của nó. Có các giá trị mang tính cá nhân và tập thể trong đó. Sau trận chung kết U.23 châu Á, chỉ vài tháng sau là chiến thắng thuyết phục của đội tuyển bóng đá Việt Nam tại AFF Cup 2018. Chúng ta vươn lên đứng đầu làng bóng đá khu vực trong sự thán phục của mọi đối thủ và bắt đầu tính toán đến tham vọng ở Asian Cup cũng như giấc mơ tham dự một kỳ World Cup trong tương lai không xa. Trong khi đó, chiếc HCV ở môn nhảy xa tại Asiad chính thức nâng tầm điền kinh Việt Nam, vốn đã trở thành quốc gia số 1 ở môn này tại 2 kỳ SEA Games gần nhất. Khi những môn cơ bản Olympic như điền kinh và bóng đá còn vươn đến đẳng cấp châu lục thì sự phát triển của thể thao Việt Nam coi như phá vỡ những giới hạn còn lại trên hành trình vươn ra biển lớn.

Khi quốc ca Việt Nam được hát vang trên sân điền kinh Asiad 2018, khi những dòng người áo đỏ, cờ đỏ tràn ngập những con đường trên khắp đất nước ăn mừng chiến thắng bóng đá, chúng ta nghe được những thông điệp về sự chuyển mình của đất nước và lòng tự hào của dân tộc.

Tin cùng chuyên mục