Vướng mắc trong việc xử lý bùn thải công nghiệp

Thực thi Thông tư 36/2015 của Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) về quản lý chất thải nguy hại (CTNH), các cơ quan nhà nước gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý bùn thải. Nhưng thiệt thòi nhất là các doanh nghiệp (DN) hoạt động ngành nghề không có CTNH.
Vướng mắc trong việc xử lý bùn thải công nghiệp

Thực thi Thông tư 36/2015 của Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) về quản lý chất thải nguy hại (CTNH), các cơ quan nhà nước gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý bùn thải. Nhưng thiệt thòi nhất là các doanh nghiệp (DN) hoạt động ngành nghề không có CTNH.

Thông tư trái nghị định

Thông tư 36 đã quy định bùn từ hệ thống xử lý nước thải của các ngành nghề sản xuất, điều chế hóa chất hữu cơ - vô cơ, xử lý - che phủ, gia công kim loại và các vật liệu khác là CTNH. Đồng thời, bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải của khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) tập trung có ngành nghề này cũng xếp vào CTNH. Với quy định như vậy, bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải tập trung của các KCX-KCN trên địa bàn TPHCM đều bị đưa vào diện CTNH, vì KCN nào cũng có một trong số ngành nghề này. Từ đó, dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc cho TPHCM trong việc quản lý, xử lý bùn thải.

Trước đó, Chính phủ đã có Nghị định 80/2014 về thoát nước và xử lý nước thải, Nghị định 38/2015 về quản lý bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải. Cả hai nghị định này đều không có bất cứ phân định nào về việc bùn thải phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải luôn là CTNH. Tháng 11-2015, UBND TPHCM đã có công văn kiến nghị Bộ TN-MT xem xét đưa loại bùn thải nói trên trở thành loại chất thải có khả năng là CTNH (chứ không mặc định là CTNH) để phù hợp với công tác quản lý và giảm bớt gánh nặng về chi phí xử lý cho các DN. Lãnh đạo UBND TP cũng đã trình bày với Thủ tướng rằng các cơ sở hoạt động trong KCN đều phải xử lý nước thải sơ bộ trước khi đấu nối vào hệ thống xử lý tập trung của toàn KCN, nên hàm lượng các chất ô nhiễm đã giảm đi đáng kể. Bên cạnh đó, lượng bùn phát sinh từ khâu xử lý nước thải của các KCN đều được lấy mẫu phân tích hàng năm. Kết quả cho thấy thành phần nguy hại đều dưới ngưỡng quy định.

Thông tư của Bộ TN-MT không thể trái nghị định của Chính phủ và thực tế, không phải bùn thải phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải luôn là CTNH. Do vậy, khi buộc bùn thải từ KCN dù dưới ngưỡng CTNH vẫn phải xử lý theo quy trình của CTNT sẽ gây lãng phí lớn và là gánh nặng cho các DN.

Xử lý bùn thải tại một công ty sản xuất giấy ở quận 12 TPHCM. Ảnh: T.L

TPHCM gặp khó

Tại TPHCM, một số KCN đã tận dụng bùn thải để tái chế thành phân bón, đất sạch… còn các đơn vị khác thì chuyển giao xử lý như chất thải thông thường với giá từ 600 - 1.500 đồng/kg. Nay phải xử lý theo diện CTNH, đốt trong lò chuyên dụng với chi phí xử lý rất cao, giá xử lý từ 3.500 - 15.000 đồng/kg, chi phí sẽ đội lên từ 6 đến 10 lần.

Theo ông Trần Thanh Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận (đơn vị đầu tư hạ tầng KCX Tân Thuận), quy định của Thông tư 36 là bất hợp lý vì đã không căn cứ vào mức độ ô nhiễm bùn thải, trong khi mỗi KCN có quy định khác nhau về tiêu chuẩn tiếp nhận nước xả thải, quy định về xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ. Bên cạnh đó, mức độ ô nhiễm kim loại nặng nước thải đầu vào của trạm xử lý tập trung không có tính cộng dồn độ ô nhiễm nước thải của các DN trong KCN, mà thấp hơn DN gia công kim loại, do được điều hòa bằng nước thải của rất nhiều DN khác không gây ô nhiễm kim loại hoặc chỉ có nước thải sinh hoạt. Ông Hồng cho hay, bùn thải sau hệ thống xử lý nước thải tập trung được lấy mẫu định kỳ 3 tháng/lần, số liệu phân tích thể hiện các chỉ tiêu ô nhiễm đều dưới ngưỡng CTNH.

Lãnh đạo Ban quản lý các  KCX-KCN TPHCM (Hepza) cũng nhận định: Về góc độ kinh tế, Thông tư 36 đang gây ra lãng phí. Bởi lẽ, các KCX-KCN không được tái sử dụng bùn thải mà phải lưu trữ và chuyển giao cho các đơn vị có chức năng xử lý CTNH, bằng phương pháp thiêu đốt trong lò đốt chuyên dụng. Nếu là chất thải thông thường, giá xử lý là 500.000 đồng/tấn, nếu là CTNH thì giá xử lý tối thiểu là 5 triệu đồng/tấn. Do đó, Hepza kiến nghị UBND TPHCM giao Sở TN-MT tổ chức lấy mẫu bùn thải (đột xuất) tại các hệ thống xử lý chất thải tập trung của KCX-KCN để xác định ngưỡng nguy hại. Trên cơ sở đó, kiến nghị Bộ TN-MT điều chỉnh Thông tư 36 phù hợp với quy định của Chính phủ cũng như tình hình phát sinh bùn thải tại các KCX-KCN.

KHÁNH LÊ

Tin cùng chuyên mục