Vướng trong chuyện tách hộ khẩu

Năm 2006, bà N.T.P. và ông N.T.M. đăng ký kết hôn và có hộ khẩu thường trú tại xã Trung Chánh (huyện Hóc Môn, TPHCM). Năm 2012, bà P. và ông M. ly hôn. Theo quyết định ly hôn của TAND TPHCM, người con chung do bà P. nuôi. Năm 2012, bà P. và con về Gia Lai sống với gia đình bà P., có đăng ký tạm trú. Đến năm 2016, bà P. chuyển ra TP Đà Nẵng sống.
Vướng trong chuyện tách hộ khẩu

Do không còn sống tại TPHCM nên bà P. đã nhiều lần tìm gặp ông N.T.M. đề nghị cho mượn sổ hộ khẩu để cắt tách khẩu. Tuy nhiên, ông M. không đồng ý. Bà P. đã nhờ người thân, bạn bè, đồng nghiệp tìm gặp ông M. để giải thích, thuyết phục ông cho bà mượn sổ hộ khẩu để giải quyết việc tách khẩu và những thủ tục liên quan đến việc học của con, giao dịch nhà đất, nhưng ông M. vẫn kiên quyết từ chối, không hợp tác. 

Hơn 6 năm qua, cuộc sống của mẹ con bà P. gặp khó khăn vì không có sổ hộ khẩu, chỉ sử dụng sổ tạm trú đăng ký tại địa phương. Nhiều giao dịch hoặc giấy tờ không thực hiện được vì không có sổ hộ khẩu.

Năm 2018, bà P. thực hiện giao dịch mua đất tại TP Đà Nẵng nhưng không được, vì để công chứng thì bà phải có hộ khẩu gốc hoặc bản sao công chứng cũng như giấy xác nhận độc thân. Bà P. đến quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) với cuốn sổ tạm trú và chứng minh nhân dân để trình bày vụ việc và xin xác nhận độc thân, nhưng bị từ chối vì không có sổ hộ khẩu tại địa phương nên không thể xác nhận được. 

Tháng 10-2018, bà P. từ Đà Nẵng vào TPHCM để xin xác nhận tình trạng độc thân cũng như trình đơn xin cứu xét về việc không thể tách khẩu vì chủ hộ là chồng cũ không đồng ý cho cắt khẩu. Cán bộ tư pháp UBND xã Trung Chánh nắm rõ hoàn cảnh bà P. nên đã đề nghị xã xác nhận tình trạng độc thân để bà P. về Đà Nẵng giao dịch đất đai.

Tiếp đó, bà P. đến Công an huyện Hóc Môn để trình bày vụ việc và gửi đơn xin được giúp đỡ để thực hiện thủ tục tách hộ khẩu chuyển về TP Đà Nẵng - nơi bà đang sinh sống và làm việc. Công an huyện Hóc Môn nhận đơn và cho biết đồng ý giải quyết theo yêu cầu của bà P., nhưng phải chờ. Từ đó đến nay đã gần 2 tháng vẫn chưa có một thông tin nào về việc này.  Hiện bà P. đang rất sốt ruột, chẳng biết mình phải chờ đến bao giờ.

Thực tế, để giải quyết trường hợp này không khó, Công an huyện Hóc Môn chỉ cần xem xét và can thiệp để chồng cũ của bà P. cho bà P. và con tách hộ khẩu sau khi đã ly hôn.

Nếu chồng cũ của bà P. không thực hiện thì xử phạt hành chính từ 100.000 - 300.000 đồng về hành vi “Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú” (điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).

Ngoài ra, khoản 8 Điều 10 Thông tư 35/2014 của Bộ Công an cũng đã quy định rõ: Người đứng tên chủ hộ có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho những người cùng có tên trong sổ hộ khẩu được sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật. Trường hợp cố tình gây khó khăn, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định pháp luật.

Không chỉ bà P. và con gặp tình cảnh này, nhiều phụ nữ sau khi ly hôn bị chồng cố tình làm khó, không cho mượn hộ khẩu để làm thủ tục tách hộ khẩu, ngành công an nên quan tâm can thiệp để thực hiện quyền cư trú của công dân.

Tin cùng chuyên mục