Vượt qua lỗi lầm

Từ sự nỗ lực học tập, lao động, cộng với sự dẫn dắt của thầy cô tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân, Nguyễn Huỳnh Mai Trâm đã cai nghiện thành công, chuẩn bị trở về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng và làm lại cuộc đời. 
Trâm (ngồi giữa cầm sách) và các bạn tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân
Trâm (ngồi giữa cầm sách) và các bạn tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân
Mỗi ngày, sau giờ lao động, học tập, Nguyễn Huỳnh Mai Trâm (học viên cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân, TPHCM) lại cùng các học viên nữ trong đội văn nghệ cùng nhau ca hát và tập dượt những chương trình sắp biểu diễn. Từng lời ca, tiếng hát và những bài viết về Bác Hồ mà Trâm đọc được trong thư viện là động lực giúp em vượt qua lỗi lầm của quá khứ, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. 
Là con trong gia đình khá giả, Trâm theo học tại Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist, bị bạn bè rủ rê, Trâm dính vào ma túy lúc nào không hay. Khi gia đình phát hiện, Trâm tự nguyện đến cai nghiện tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân. Tại đây, khi cùng các bạn đi xem chương trình văn nghệ của đơn vị, Trâm rất thích. Sau hôm đó, khi đội văn nghệ cần tuyển thêm người, Trâm liền đăng ký tham gia. 
Trong 7 năm học tập tại Nhị Xuân, Trâm thường xin về phép thăm nhà. Cứ mỗi lần về, Trâm lại được gia đình, bà con hàng xóm vỗ về khuyên bảo ráng học tập tốt để còn về với gia đình. Trâm tâm sự: “Em đã khóc, hối hận vì đã làm buồn lòng cha mẹ, gia đình”.
Nhớ những lời động viên của gia đình, Trâm luôn tuân thủ những quy định của cơ sở, hăng say cùng các học viên làm việc ở các khu lao động. Sau thời gian học tập, lao động, Trâm tham gia ca hát và đùa vui với các học viên cùng phòng để khôi phục sức khỏe cũng như thoải mái tinh thần. “Mọi người trong đội văn nghệ xem nhau như người thân trong gia đình, những giờ nghỉ ngơi thường quây quần bên nhau để chia sẻ những cuốn sách mà mình đọc được và những câu chuyện của bản thân khi vào đây. Kỷ niệm làm em nhớ nhất là vào các dịp tết, thầy và trò của cơ sở cùng nhau thi nấu bánh chưng, bánh tét, ca hát bên bếp lửa… Cảm giác ấm áp không khác gì đang ở cùng gia đình mình cả”, Trâm chia sẻ.
Mỗi lần nhớ nhà, nhớ thời sinh viên, Trâm lại nghĩ đến những ước mơ ngày xưa của mình. Với quyết tâm đến khi nào thật sự từ bỏ được “cái chết trắng” thì mới trở về cộng đồng, Trâm bộc bạch: “Giờ em phải gắng học tập để sau này còn lo tương lai phía trước”. 
Với sự cố gắng của bản thân, Trâm thường nhận được nhiều ngợi khen trong lao động cũng như các cuộc thi do Cơ sở xã hội Nhị Xuân tổ chức. Đặc biệt, tại cuộc thi “Đồng hành cùng lịch sử” (là dịp để Trâm cùng các học viên có cơ hội được tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp), Trâm đoạt giải nhất. “Mỗi lần tham gia hội thi, em đều đến thư viện của cơ sở để tìm những nội dung liên quan. Những câu chuyện về Bác đã giúp em thêm nghị lực phấn đấu, vượt qua những lỗi lầm”, Trâm chia sẻ. 
Theo anh Đặng Văn Sâm, Đội trưởng Đội Tự nguyện, đội văn nghệ là nơi giúp các học viên giao lưu, tiếp xúc để cùng nhau phấn đấu. Đó cũng là phương pháp thiết thực, hiệu quả, giúp các học viên vượt qua lầm lỗi của bản thân, cai nghiện thành công để sớm trở về bên gia đình. Từ khi vào đội văn nghệ, Trâm có nhiều chuyển biến tích cực trong cách cư xử, hòa nhã với học viên khác và lễ phép với giáo dục viên. Và rồi, từ những ngày nỗ lực học tập, hăng say lao động, cộng với sự dẫn dắt, dạy dỗ của thầy cô tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân, Trâm đã cai nghiện thành công, chuẩn bị trở về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng và làm lại cuộc đời. Trâm chia sẻ, em mong ước được tiếp tục học tập, theo đuổi ước mơ còn dang dở hoặc có được một công việc phù hợp với bản thân.

Tin cùng chuyên mục