Vượt Trường Sơn

Vượt Trường Sơn

Qua ba thang tới cổng nhà trời/ Qua đèo Sáu Mốt biết người thủy chung. Câu ca trên không biết có tự bao giờ nhưng nó xuất hiện ở đơn vị tôi (những người lính của Trung đoàn Bộ binh 7006, Sư đoàn 330) từ lúc chúng tôi mang những viên gạch trên lưng tập leo đèo Gió chuẩn bị cho việc hành quân vượt Trường Sơn vào Nam đánh Mỹ. Sau hơn 2 tháng huấn luyện khẩn trương, đơn vị tôi nhận lệnh lên đường mà tất cả cán bộ, chiến sĩ đều không có một ngày nghỉ phép để tạm biệt gia đình. Hôm đó là ngày 22-4-1968, lễ xuất quân vào lúc 15g…

…Vậy là chúng tôi đã gần hành quân một tháng, đêm đi, ngày nghỉ. Lúc này giặc Mỹ đã leo thang đánh phá miền Bắc ác liệt, nhất là vùng đất khu Bốn. Qua các cao điểm chúng tôi đều phải chạy. Ở tiểu đội tôi có cậu Trừng - là lính trẻ nhất của đại đội, mới 19 tuổi, mồ côi cha từ nhỏ, thất học nhưng lao động giỏi, tính nóng nảy, bộc trực, có sao nói vậy chẳng kiêng nể ai. Nó chỉ chịu nghe lời tôi và anh Đông (trung đội phó) vì hai chúng tôi lớn tuổi hơn.

Vượt Trường Sơn, ngoài ý chí từng người, sự đùm bọc, giúp đỡ nhau của đồng đội, đồng hành là yếu tố sức mạnh. Ảnh: LÂM TẤN TÀI

Vượt Trường Sơn, ngoài ý chí từng người, sự đùm bọc, giúp đỡ nhau của đồng đội, đồng hành là yếu tố sức mạnh.
Ảnh: LÂM TẤN TÀI

Những ngày hành quân gian khổ, ác liệt trên đất Bắc tuy có lẽ là những ngày tổng duyệt cho cuộc trường chinh vượt Trường Sơn vạn dặm. Trạm cuối cùng trên đất Quảng Bình, chúng tôi lãnh thêm 12 ngày gạo ăn và một ăng-gô muối ruốc, mấy bánh rau muống khô. Gạo dồn vào hai bao ruột tượng - một bao thắt ngang hông, bao còn lại vắt vai nằm trên trốc ba lô, trên cùng là khẩu súng AK với cơ số đạn 300 viên. Ngoài ra, còn nồi quân dụng lớn nhỏ, cuốc, xẻng…, tổng cộng chừng bốn chục ký trên lưng. Lúc này chưa phải khiêng cáng vì chưa có thương bệnh binh.

Cây cầu phao làm bằng những chiếc thùng phuy ghép lại đưa chúng tôi qua con sông cuối cùng của miến đất Quảng. Bấy giờ mới vào cuối tháng 4 mà trời đã trút những cơn mưa tầm tã. Ở phía Tây Trường Sơn này toàn núi đá nên đường đi đỡ trơn trượt. Nhưng khổ nỗi toàn là đá tai mèo, đi giày vải thì bị đá cắt rách nên chúng tôi đều tháo giày buộc vào ba lô, thay vào đó bằng đôi dép lốp. Nhưng rồi dép lốp cũng bị đá cắt đứt quai nên lại phải thay bằng giày vải  rách. Nặng nhọc, vất vả nhưng trong ba lô các chiến sĩ cũng có đủ các loại sách: Ruồi Trâu, Thép đã tôi thế đấy, Lều Chõng, tuyển tập thơ và cả sổ nhật ký. Nhưng sau một tuần thử sức, những cuốn tiểu thuyết đó lần lượt được gửi lại với Trường Sơn, mặc dù họ rất yêu sách.

…Tuần lễ thứ hai trên Trường Sơn dốc núi trước mặt như một mặt phẳng dựng đứng. Đó chính là “cổng trời” đầu tiên mà chúng tôi sắp phải vượt qua. Đầu trên của cây thang gối lên mỏm đá cao chót vót trên sườn đá dựng đứng. Phía dưới là vực sâu thăm thẳm, đen ngòm. Đoàn người cứ thế bám chắc hai thành thang nhích lên từng nấc một. Rồi nấc thang cuối cùng cũng qua, không một ai bị tụt lại. Chiều ấy, chúng tôi hạ trại ngay trên đỉnh đèo, giữa rừng cây đại ngàn nhiều tầng, nhiều lớp.

Tôi và cậu Trừng vừa vác hai ống bưng đầy nước từ dưới suối lên đã nghe tiếng vo vo của máy bay trinh sát OV.10 - loại máy bay hai thân bay ngay trên đỉnh đầu. “Máy bay”, tôi nghĩ và kéo Trừng chạy nhanh về phía tiểu đội. Tôi giật vội cái tăng, cái võng và đang cột lại ba lô thì đã nghe tiếng máy bay phản lực ầm ĩ vọng lại. Quỷ quái, ở đâu mà nhanh thế? Tôi vừa kéo tiểu độïi của mình vào một gốc cây to gần đó thì đã nghe pháo hiệu của máy bay trinh sát phóng xuống cánh rừng phía Đại đội 2. Tiếp theo là hàng loạt bom phá, bom bi nổ ầm ầm. Mảnh bom cắt cây rừng rào rào, cứ như vậy, chúng tôi chịu trận cho tới lúc trời tối hẳn. Đốm pháo sáng cuối cùng tắt hẳn. Rừng trở lại đen sẫm như mực. Cũng may chúng tôi không ai bị sao cả, nhưng Tiểu đội 2 có hai đồng chí bị thương.

Khi chúng tôi đang trao đổi thì có lệnh di chuyển chỗ đóng quân. Quân lệnh như sơn! Chúng tôi đã có mặt ở vị trí quy định, mặc dù chưa ai được miếng cơm nào vào bụng. Đêm Trường Sơn rừng đen như mực, chúng tôi phải dùng mảnh lân tinh gài lên trốc ba lô, nhờ cái ánh sáng mờ ảo ấy đoàn quân đã bám sát nhau suốt ba tiếng đồng hồ và đến được điểm đóng quân mới. Một cánh rừng bằng lăng, những thân cây to tướng, bạc phếch. Được lệnh nấu cơm nhưng của đâu mà nấu, rừng toàn cây tươi mà. Ứng chạy đến tôi và nói: Em cho người đi đốn củi. Tôi bảo: Cứ cho lấy nước vo gạo đi, củi đó thiếu gì. Tôi nói và rọi đèn pin vào một cây bằng lăng to bằng cả người ôm trong khi Ứng trợn tròn mắt. Thấy vậy tôi nói:

- Ồ, ông đừng lo, củi đấy mà. Ông lấy cho tôi con dao ra đây.

Ứng tháo ba lô, lấy con dao rựa đưa cho tôi.

- Ông rọi đèn cho tôi đi -  Tôi nói xong đi đến sát gốc cây, Ứng vẫn chưa hết ngạc nhiên. Tôi chặt mạnh một nhát và xả dọc theo thân cây thẳng xuống, từng thớ gỗ rời ra tươi rói. Ứng cằn nhằn:
- Cây tươi làm sao cháy được?

- Ông ở Thái Bình nên chỉ thuộc bài ca năm tấn thôi. Còn tôi dân Hà Bắc, có những “ba đời đi rừng lấy củi rồi”. Ông cứ đốt thử coi, cháy hay không biết liền.

Lời tôi nói như đinh đóng cột, chả phải vì tôi có ba đời đốn củi đâu mà hôm đóng quân ở K2 tôi qua một đơn vị tìm đồng hương, học được ở mấy ông cựu binh Trường Sơn nấu bếp, hôm nay mới đưa ra áp dụng. Còn Ứng tuy miệng phản đối nhưng tay vẫn làm. Quả thật, cây bằng lăng tươi còn cháy hơn cả củi khô nhiều. Vì củi khô mùa mưa ngấm nước nặng trịch, cho vào bếp khói mù cả mắt. Còn củi bằng lăng suôn đuột, nhựa thơm phức bắt lửa cháy bừng bừng.

Ngọn lửa tí tách reo vui, nồi cơm chả mấy chốc sôi lục bục.

…Ngày hôm sau, lại một cổng trời phải vượt qua. Cũng vẫn đèo cao, dốc đứng và cái thang gối lên hai bờ đá chênh vênh, phải ngửa cổ nhìn lên mới thấy đầu trên của nó. Dưới chân thang một cái vực sâu thẳm, tiếng nước ở đâu đó đổ róc rách như xa, như gần...

Đội hình tạm dừng lại, chúng tôi xếp cáng chuẩn bị cõng thương binh. Để bảo đảm an toàn, chúng tôi dùng dây võng buộc chặt từ lưng thương binh qua bụng người cõng, người đi sau một tay bám thành thang, một tay đẩy phụ. Người cõng thương binh hôm nay là Tăng.

Tăng năm nay 28 tuổi, anh là cán bộ chủ chốt của xã trước khi vào bộ đội. Tăng to khỏe, nặng 63 cân, cao 1,65m và là đô vật của tiểu đoàn. Anh thường đi đầu trong các công việc của đại đội và là chiến sĩ thi đua trong đợt luyện quân vừa qua. Người nữa là cậu Trừng. Còn tôi và tiểu đội trưởng Ứng, mỗi người hai khẩu súng và một ba lô rưỡi. Như vậy là quá tải nhưng không còn cách nào khác. Chúng tôi đã trải qua bao gian lao vất vả nơi làng quê, với năm nắng mười mưa trên ruộng đồng úng hạn. Nhưng chẳng có gian khổ nào sánh với cuộc hành quân này được. Ngoài bom đạn, chết chóc, còn sốt rét, còn đói cơm thiếu muối.

Các chiến sĩ đã loại bỏ dần tư trang, càng nhẹ được tí nào càng tốt. Đối với chúng tôi lúc này, chỉ có súng đạn, gạo là không thể bỏ, còn tất cả những gì bỏ được đều bỏ hết. Sổ nhật ký, thơ tình trong túi áo cũng bắt đầu gửi lại Trường Sơn. Cuối cùng, chúng tôi cũng vượt qua “cổng trời” thứ ba và đưa được hai thương binh đến trạm xá an toàn.

Vùng cao nguyên mênh mông mở ra trước mắt chúng tôi - cái không khí nhẹ nhàng, thoáng mát khiến chúng tôi hồi phục một phần sức lực. Tôi mải mê ngắm những tầng mây trắng xốp bay lang thang phía sườn núi dưới chân mình mà tưởng như mình đang đứng trên trời thật. Lúc còn là học trò, miền đất cao nguyên này đối với chúng tôi chỉ là tưởng tượng mà thôi. Đâu ngờ hôm nay chúng tôi đang đứng đây, đang hít thở không khí tươi mát giữa muôn ngàn cây lá tươi xanh.

Phút thư giãn của những người lính Trường Sơn. Ảnh: LÂM TẤN TÀI

Phút thư giãn của những người lính Trường Sơn.
Ảnh: LÂM TẤN TÀI

Đêm ấy chúng tôi hạ trại ngay trên đỉnh cao nguyên mênh mang và lộng gió. Trường Sơn mùa này mưa như trút nước, thế mà trên cao nguyên này trong mát đến lạ thường. Cảnh thần tiên thật. Nhìn vầng trăng sáng như gương trên nền trời, chúng tôi đoán chắc hôm nay đã là gần ngày rằm tháng bảy, các khái niệm thời gian đối với chúng tôi bây giờ hình như xa lạ. Chúng tôi chỉ tính những binh trạm đã qua và sắp tới. Bao nhiêu bạn bè đã ở lại với Trường Sơn. Và trên bầu trời lơ lửng vầng trăng, khuôn mặt Hằng Nga càng thêm gợi nhớ làng xóm, quê hương…

Chúng tôi lăn mình trên vùng cỏ non tơ mịn như nhung, đều gối lên ba lô, cây súng đặt cạnh mình, ngửa mặt lên trời mà ngắm trăng. Nhìn trăng lại nhớ tới người - người bạn gái tên Minh Nguyệt cùng học Trường Trung cấp Nông nghiệp ngày xưa. Biết đâu cuộc chiến tranh này sẽ cướp mất tôi khỏi vòng tay em. Trên con đường này, bao chiến sĩ vô danh đã ngã xuống.

Mới ngày hôm qua thôi, khi chúng tôi vượt qua sườn núi đá cheo leo, cách đường mòn gần chục mét, thấy một cái võng giăng dưới một vòm cây, hình như có người đang ngủ ở trong đó. Có lẽ “dân tụt tạt”. Nghĩ vậy nhưng chúng tôi lần vô xem sao. “Rõ khỉ, ngủ gì mà say thế” - tôi nghĩ. Nhưng khi mở võng ra, chúng tôi không nói được lời nào. Người chiến sĩ ấy đã vĩnh biệt đồng đội chẳng biết tự bao giờ, có lẽ vì một cơn sốt ác tính. Da mặt đen sạm, đôi mắt nhắm không nói lên được điều gì nhưng những người đang sống thì rất hiểu và phải hiểu.

Chúng tôi lục trong ba lô biết được người chiến sĩ ấy tên Tùng - Võ Văn Tùng, sinh năm 1950 ở quận Đống Đa, Hà Nội, năm ấy vừa tròn 18 tuổi. Tôi cứ ngậm ngùi nhớ đến những người thân yêu của Tùng, giờ đây họ đang ở trong nhà máy hay đang chắc tay súng trên những tầng cao bắn trả máy bay giặc Mỹ? Chúng tôi lặng im mặc niệm người quá cố, sau đó báo cho giao liên để binh trạm lo mai táng cho Tùng. Tôi đã đem chuyện này trao đổi trong tiểu đội, bất cứ trong trường hợp nào cũng không để ai tụt lại phía sau một mình. Có thể, trong chúng tôi một ai đó không thể cưỡng lại được cái chết thì chúng tôi cũng phải chăm sóc nhau đến phút cuối cùng.

Đêm về khuya, vầng trăng càng vằng vặc sáng. Ánh trăng lung linh và huyền diệu không cùng, như soi thấu tận tâm hồn sâu kín nhất của những người lính chúng tôi. Tôi nhẩm tính, thế là đã qua 1 tháng 16 ngày - bình quân mỗi ngày cho 30 cây số trên con đường vạn dặm này. Và cũng qua được ba cái “cổng trời”, còn đèo dốc không thể nào nhớ hết. Chỉ biết rằng sáng nào cũng vậy, cứ ngửa mặt nhìn lên đã thấy dốc núi sừng sững đó rồi. Và chúng tôi không thể nào đếm được hết dấu vết của chiếc gậy Trường Sơn đã in sâu vào hai sườn dốc núi. Và ngày hôm nay, những ngày mai nữa sẽ chồng chất thêm lên những dấu vết vô tận của những cây gậy của những người lính vượt Trường Sơn đi đánh Mỹ. Tôi chợt nghĩ rằng, sau này khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nếu người ta có xây dựng tượng đài chiến sĩ Trường Sơn, không biết người ta có tạc hình cây gậy Trường Sơn không?

...Bây giờ là giữa tháng 6-1968, rừng Trường Sơn ngày nào cũng mưa như trút nước. Suốt dọc theo đường mòn, măng rừng mọc tua tủa. Những búp măng to, mỡ màng là món ăn quý giá đối với chúng tôi. Mảnh đất Đông Trường Sơn này, Bắc vào thì xa, Nam ra không tới, lương thực dự trữ ít, chúng tôi phải ăn cơm trộn đậu xanh, thoạt đầu lạ miệng ăn ngon, ăn riết ngán quá. Đã vậy rau xanh không có, lâu lâu gặp bụi lá bướm hoặc hôm nào nghỉ mới có thời gian đi kiếm rau tàu bay, một loại rau rừng lý tưởng của lính nhưng có người lại nói ăn nó mất máu. Mất đâu chưa thấy, chỉ thấy mát ruột, còn măng thì quá sợ rồi.

Những cuộc chia tay ở chiến trường, dẫu biết có thể không bao giờ gặp lại nhưng vẫn rạng rỡ nụ cười. Ảnh: LÂM TẤN TÀI

Những cuộc chia tay ở chiến trường, dẫu biết có thể không bao giờ gặp lại nhưng vẫn rạng rỡ nụ cười. Ảnh: LÂM TẤN TÀI

Càng vào sâu phía Đông Trường Sơn càng thiếu gạo. Chúng tôi đã tiết kiệm bằng cách, cứ ngày mai nghỉ thì chiều nay ăn cháo để dành gạo cho hôm sau.

Vả lại ở đây có rất nhiều sắn. Chả là ở mỗi binh trạm có tới hàng mấy trăm héc ta sắn chẳng biết trồng tự bao giờ nhưng cứ nhổ cây cũ phải trồng thế vào đó cây mới. Vì vậy bãi sắn không bao giờ hết, dù có ăn năm này qua năm khác, đoàn này qua đoàn khác.

Việc này cậu Trừng đóng vai trò quan trọng. Tới bãi sắn nó bặm môi nhổ, còn tôi chặt cây trồng lại. Xong xuôi, nó cởi cái quần Tô Châu ra cột hai chân quần lại, dồn chặt cứng những củ rồi vắt lên vai đủng đỉnh mang về. Nhiều hôm không ăn hết nó vác theo cùng súng đạn.

Đêm ấy Tăng gác ca 1g sáng. Tôi vừa đổi gác cho anh, về nằm chưa vỗ được giấc ngủ bỗng những tia chớp lóe lên sáng rực rồi tiếng lựu đạn, tiếng súng nổ chát chúa phía mé suối ngoài trạm gác. Những đường đạn thẳng găm vào đất, vào gốc cây bình bịch. Tiếng nổ của đạn R15, đạn AK rồi B40. Tôi lăn vội xuống đất ôm khẩu súng AK chiếm một gốc cây, căng mắt vào màn đêm. Có tiếng nổ bọc sườn của Đại đội 3. Tôi vẫn căng mắt nhìn phía trước. Tiếng súng nổ dài theo bờ suối rồi im bặt. Tôi và Đông xách súng chạy ra vọng gác. Dưới ánh đèn pin, chúng tôi thấy Tăng bị thương ở cánh tay trái, máu ướt đầm cổ áo, tay phải vẫn ghìm chắc súng. Cách đó chừng 5m xác một tên biệt kích nằm trong vũng máu. Nó đã lãnh trọn hai trái lựu đạn của Tăng cùng một lúc. Tên đi sau bắn Tăng bị thương và tẩu thoát. Bị thương nặng nhưng Tăng không rời vọng gác, dũng cảm chặn địch không cho nó thọc sâu vào đội hình đóng quân.

Đội hình chấn chỉnh xong, 3g đêm chúng tôi lại nhận lệnh hành quân di chuyển. Vì biệt kích đã phát hiện tọa độ, nhất định nó sẽ đánh phá bằng máy bay. Chúng tôi chuẩn bị cáng khiêng thương binh, nhưng Tăng không chịu. Chúng tôi chiều ý anh.

Thế là chúng tôi đã sống với Trường Sơn ngót 100 ngày. Lẽ ra chúng tôi vượt đường 9 vào Khe Sanh. Nhưng Khe Sanh đã giải phóng, thế là đoàn chúng tôi được lệnh vào Bê Hai.

Những cánh rừng bằng phẳng phía Đông Trường Sơn đã qua mau. Trước mắt chúng tôi lại đèo cao, suối sâu và những cái ngầm nước chảy tràn như thác, có chỗ lút đầu người. Các chiến sĩ giao liên nối đôi bờ bằng sợi dây soong giăng xéo ngang theo chiều nước đổ. Chúng tôi cứ bám chặt vào sợi dây, không cần phải lội, dòng nước sẽ đẩy qua tới bờ bên kia. Rồi tiếp đến con đường sình lầy mà các chiến sĩ giao liên Trường Sơn đã lót bằng cây rừng suốt chiều dài hàng chục cây số.

… Còn 5 ngày nữa sẽ đến trạm tập kết cuối cùng. Hôm ấy, chúng tôi hành quân suốt 15 tiếng đồng hồ. Khi còn cách trạm chừng gần 1 cây số, đoàn dừng lại nghỉ giải lao để chuẩn bị vào trạm, Trừng gọi tôi nói: “Nhờ anh về trước phát giùm cả cho em chỗ giăng võng anh nhé, em mệt quá, có lẽ đang lên cơn sốt, nghỉ một lúc đỡ mệt, em sẽ đến sau, trạm ngay đây rồi chẳng sợ lạc đâu”. Tôi lấy hai viên ký ninh bắt Trừng uống, rồi lấy ba lô của Trừng cho anh em mang đi trước, dặn cậu ta nghỉ một lúc thôi, cho đỡ mệt, cố đến trạm nghỉ luôn, mai đơn vị được nghỉ một ngày, sẽ lại sức ngay đừng lo.

Chúng tôi đến trạm và đã chuẩn bị xong chỗ nghỉ đẹp nhất dành cho Trừng. Cách đó mấy mét, Ứng đã bắc bếp, nổi lửa, nồi cơm sôi lục bục. Tôi sốt ruột vì chưa thấy Trừng về. Tôi định đi đón nó, thì liên lạc đại đội gọi đi họp. Khi họp xong trở về, tôi đã thấy mấy cậu lính trẻ ngồi vây quanh nồi cơm chờ đợi nhưng chưa thấy mặt Trừng. Nóng ruột, tôi và Ứng đi đón Trừng. Chúng tôi đi khoảng nửa tiếng thì gặp mấy nhánh cây mà tôi đã bẻ làm dấu lúc sáng. Tôi dừng lại để định hướng rồi cất tiếng gọi: “Trừng ơi, Trừng… Trừng ơi…”. Chúng tôi muốn reo lên vì thấy cu cậu đang tựa lưng vào một gò đất cao, dưới một tàn cây rậm rạp, khẩu súng đặt dọc theo người, đầu ngửa về phía sau, nửa ngồi, nửa nằm, kiểu ngủ của lính. Ứng đi đến định chơi trò ú tim với Trừng nhưng bỗng nhiên đứng sững trước mặt Trừng rồi dùng cả hai tay lay lấy lay để hai vai nó, lưỡi như líu lại:

-Trừng ơi, Trừng… mày làm sao thế…

Tôi hoảng quá chạy ào tới, Trừng đang ôm súng nằm đó nhưng nó đã vĩnh viễn lìa bỏ chúng tôi để ra đi rồi. Có lẽ cơn sốt cấp tính đã cướp mất nó. Lòng tôi đau xót đến cùng cực, mới cách đây mấy tiếng đồng hồ mà… Tôi đứng chôn chân còn Ứng cứ nhảy chồm chồm và gào thét. Tôi cũng không mở được miệng để động viên Ứng.

Chúng tôi viếng Trừng không một nén nhang, chỉ có những nhánh hoa rừng trắng muốt đặt trước nấm mộ người đồng đội. Ngày mai cỏ sẽ lên xanh. Những ngọn cỏ Trường Sơn phủ lên nắm đất dãi dầu mưa nắng và dòng thác trắng xóa vẫn đêm ngày cuộn đổ. Hãy yên nghỉ Trừng nhé! Cả đại đội lặng lẽ cúi đầu yên lặng. Tôi để mặc cho những giọt nước mắt tuôn rơi, 3 phát súng chào vĩnh biệt…

Ngày mai chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình còn lại. Và Trừng cũng là người cuối cùng trong đoàn quân của chúng tôi ở lại với Trường Sơn. Chúng tôi đã đến trạm tập kết cuối cùng với hơn 200 ngày hành quân ròng rã, cùng với bao gian truân vất vả, hy sinh trên con đường trường chinh vạn dặm mà có lúc tưởng chừng không vượt qua nổi. Nhưng chúng tôi đã vượt qua tất cả, bằng tình cảm, bằng sức trẻ “xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ”…

Hồi ký của Xuân Hòa
(SGGP 12G)

Tin cùng chuyên mục