Web drama Việt: Đến thời bùng nổ ​ ​

Web drama (phim chiếu mạng) đã trở thành món ăn giải trí quen thuộc của khán giả hiện nay. Đáng chú ý hơn, xu hướng này không chỉ thu hút các nhà sáng tạo trẻ, nhiều đơn vị chính thống cũng bắt đầu nhập cuộc tạo nên cuộc cạnh tranh hấp dẫn. 
Cơn sốt “triệu lượt xem” 
Mới đây, diễn viên Nam Thư cho ra mắt tập đầu tiên trong series Nam phi liên hoàn kế, lập tức thu hút hơn 600.000 lượt xem, dù kênh YouTube cá nhân của cô mới thành lập (5-3-2018). 
Trước đó, ngày 21-6, diễn viên hài Thu Trang ra mắt series Thập tam muội. Hai tập phát sóng đầu tiên đạt hơn 36 triệu lượt xem.
“Đây chính là động lực mạnh mẽ để nghệ sĩ tiếp tục cống hiến hết mình với nghề. Ban đầu, tôi định dời tập 2 đến sau chung kết World Cup nhưng chính vì những yêu cầu phát hành sớm từ khán giả, nên tôi quyết định tung ra tập hai sớm hơn dự định”, Thu Trang chia sẻ.
Web drama Việt: Đến thời bùng nổ ​ ​ ảnh 1 La La school - nhóm sáng tạo trẻ với nhiều sản phẩm web drama gây chú ý thời gian qua
Cô cũng cho biết, sau thành công này, kế hoạch thực hiện phần 2 đã sẵn sàng. Cách đây 1 năm, Thu Trang cũng cho ra mắt bộ phim 500 anh em ma với 5 tập phát sóng và thu hút gần 30 triệu lượt xem.  
Trong số các nghệ sĩ trẻ hiện nay, Huỳnh Lập được coi là người “chịu chơi” nhất khi liên tiếp cho ra mắt các web drama.
Sau Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể ra mắt cách đây hơn 1 năm, hiện đạt gần 50 triệu lượt xem, anh vừa trình làng series Ai chết giơ tay. Tính từ tập 1, phát hành ngày 17-5 đến tập 8, ra mắt ngày 5-7, series này hiện có hơn 33 triệu lượt xem và vẫn liên tục tăng. Huỳnh Lập cũng vừa nhận được nút Play vàng của YouTube (dành cho những trang có lượt người theo dõi đạt từ 1 triệu).  
Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Trưởng đơn vị kinh doanh nội dung mảng giải trí của POPs, đối tác của YouTube tại Việt Nam, cho biết: “Web drama là khái niệm được hình thành từ những năm 2009 - 2010, khi quy trình chuyển nhượng bản quyền phát sóng cho các nhà đài và việc kiểm duyệt tốn khá nhiều thời gian. Nhưng mãi đến 2015, khi internet phát triển và đặc biệt YouTube ngày càng phổ biến, web drama mới thật sự bùng nổ và trở thành xu hướng được khán giả trẻ quan tâm; điển hình là hàng hoạt phim ngắn, phim hài, sitcom rầm rộ xuất hiện”.
Có thể thấy, đi đầu cho xu hướng web drama chính là các nhóm sáng tạo trẻ với rất nhiều tên tuổi đã nhận được nút Play vàng của YouTube như: FAPtv, Ghiền Mì Gõ, Lala School, DAMtv, BB&BG...   
FAPtv hiện đứng thứ 6 trong danh sách các trang YouTube dẫn đầu thị trường Việt Nam, theo thống kê của Social Blade (một trang xếp hạng các trang mạng xã hội bao gồm YouTube, Twitch, Instagram, Twitter).
Gia nhập thị trường từ ngày 26-2-2014, trang này hiện có 347 video, hơn 6 triệu lượt theo dõi và gần 2,4 tỷ lượt xem với những series đình đám: Cơm nguội (hiện đã phát sóng hơn 170 tập), Yêu ư để sau, Em của anh đừng của ai, Chàng trai của em, Ai nói tui yêu anh... Ghiền Mì Gõ với 282 video đã đăng tải, hiện có hơn 2,7 triệu lượt người theo dõi, gần 1,7 tỷ lượt xem. BB&BG cũng có hơn 1,7 triệu lượt theo dõi cùng hơn 430 triệu lượt xem...
Nhưng, cái tên mới nổi và gây ấn tượng mạnh thời gian gần đây là La La School. Gia nhập thị trường từ 14-4-2017, nhóm hiện có khoảng 1,7 triệu người theo dõi, gần 430 triệu lượt xem, đạt nút Play bạc chỉ sau 3 tuần, đạt nút Play vàng sau 10 tháng ra mắt, nhận giải thưởng Dự án giải trí đột phá tại lễ trao giải POPS Awards 2017.  
Web drama Việt: Đến thời bùng nổ ​ ​ ảnh 2 Nam phi liên hoàn kế - sản phẩm web drama đầu tay được Nam Thư đầu tư kỹ lưỡng 
Tuy nhiên, để đạt được những con số nói trên không phải câu chuyện một sớm một chiều. Nếu Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể tiêu tốn khoảng 2 tỷ đồng kinh phí sản xuất, thì đến Ai chết giơ tay, con số này khoảng 4 tỷ đồng, tương đương kinh phí một phim điện ảnh mức trung bình.
Không tiết lộ con số chính thức nhưng Nam Thư cho biết, với sự đầu tư kỹ lưỡng, Nam Phi liên hoàn kế là dự án đã “ngốn” của cô số tiền không hề nhỏ.
Đại diện nhóm La La (Lala school) cho biết, với một tập phim dao động từ 20-30 phút, nhóm thường tận dụng nguồn lực sẵn có để tối ưu hóa chi phí sản xuất: “Thu nhập từ YouTube rất thấp. Để làm ra 1 bộ phim chất lượng, nhóm thường kêu gọi tài trợ từ những nhãn hàng để có thêm kinh phí sản xuất. Nhiều lúc nguồn tài trợ không đủ để trang trải các chi phí, nhóm phải tự bỏ tiền túi, cố gắng hoàn thành sản phẩm tốt nhất trong khả năng”.   
Cạnh tranh bằng chất lượng
Có thể thấy hiện nay xu hướng drama đang thực sự bùng nổ tại Việt Nam. Không chỉ các nghệ sĩ, nhóm sáng tạo, mà nhiều đơn vị sản xuất chuyên nghiệp cũng bước vào sân chơi này.
Nhà sản xuất BHD sau phiên bản Glee Việt Nam hiện đang thực hiện 2 dự án Việt hóa: Vì sao đưa anh tới Hậu duệ mặt trời. VTV sau thành công vang dội của Người phán xử, cũng cho ra mắt phiên bản Tiền truyện với 4 tập và chỉ phát sóng trên web. Nhiều đơn vị khác cũng đang nuôi ý định bước vào sân chơi này.  
Chính bởi sự nhập cuộc đó đã tạo nên sự cạnh tranh rất hấp dẫn. Theo diễn viên Nam Thư: “Nếu đã là xu hướng thì không có lý do gì để không theo. Cạnh tranh là điều tất yếu, nhưng mỗi nghệ sĩ mang đến màu sắc hoàn toàn khác nhau và quyết định cuối cùng thuộc về khán giả”. Trong khi đó, theo đại diện La La school, sự phát triển của web drama ảnh hưởng theo 2 khía cạnh: Tạo nên lượng người xem lớn, mỗi sản phẩm ra mắt đều có nhiều thuận lợi và mang đến sự cạnh tranh lớn từ các nhóm sáng tạo trẻ khác.   
Trong cuộc cạnh tranh ấy, việc đầu tư chất lượng sản phẩm chính là yếu tố tiên quyết giữ chân khán giả. Đối với những đơn vị chuyên nghiệp như BHD, theo đạo diễn Trần Bửu Lộc (Hậu duệ mặt trời phiên bản Việt): “Khi Việt hóa bộ phim này, chúng tôi dành rất nhiều thời gian nghiên cứu và làm việc với các bên liên quan để có thể thể hiện tốt nhất tinh thần của người Việt”.
Web drama Việt: Đến thời bùng nổ ​ ​ ảnh 3 La La school - nhóm sáng tạo trẻ với nhiều sản phẩm web drama gây chú ý thời gian qua
Diễn viên Nam Thư khẳng định: “Sản phẩm đầu tiên, tôi sẽ đặt yếu tố giải trí lên hàng đầu nhưng là giải trí văn minh. Nếu không làm thì thôi, còn khi đã thực hiện, tôi mong muốn sản phẩm của mình phải thật sự chất lượng, có dấu ấn riêng biệt”.
Còn theo bà Mai Anh, các nhóm làm web drama đã có sự đầu tư hình ảnh, âm nhạc chỉnh chu hơn. La La school tâm niệm, ngoài việc nắm bắt tâm lý, xu hướng đang được công chúng quan tâm, để có sản phẩm chất lượng đòi hỏi sự phối hợp ăn ý từ tất cả các thành phần trong ê kíp: biên kịch, sản xuất, đạo diễn, diễn viên, quay phim, hậu kỳ…  
Làm thế nào để xây dựng được môi trường web drama Việt chất lượng, lành mạnh? Thống kê của bà Hà Thị Tú Phượng, người sáng lập METUB Network, cũng là đối tác của YouTube cho biết, mỗi phút có thêm 400 giờ video mới được đăng tải trên nền tảng này.
Theo bà Mai Anh, web drama có những lợi thế thị trường khá tiềm năng và nội dung khai thác đa dạng, lại không bị bó buộc bởi khâu kiểm duyệt như phim truyền hình, điện ảnh.
“Còn nhiều nội dung và hình ảnh chưa phù hợp, ví dụ với những chương trình dành cho trẻ em trên truyền hình sẽ cấm, hoặc hạn chế các nội dung, hình ảnh không phù hợp, như các cảnh tình cảm gắn mác 18+ hay các cảnh quay bạo lực... nhưng ở trên YouTube việc này khó có thể kiểm soát được”, bà Tú Phượng nói thêm.
YouTube đã có quy định kiểm duyệt về âm nhạc, hình ảnh, nội dung cũng như nỗ lực trong việc phát triển công nghệ quét nội dung, thực hiện chặn nội dung không lành mạnh bằng tay..., nhưng chưa thể làm một cách triệt để. Tạo ra những sản phẩm chất lượng với nội dung sáng tạo, lành mạnh, mang tính giáo dục cao để hướng vào đối tượng khán giả trẻ có lẽ không chỉ là tâm niệm của La La school mà còn là mong ước của những người tham gia thị trường web drama Việt.

Tin cùng chuyên mục