Xã đua xây chợ, làm khổ tiểu thương

Tiểu thương buôn bán tại chợ xã Ea Păl đứng ngồi không yên khi hay tin UBND xã xin chủ trương đập bỏ chợ cũ, xây lại chợ để đạt tiêu chí chợ nông thôn mới.
Tiểu thương phản đối việc đập bỏ chợ Ea Păl để xây mới vì đang buôn bán sầm uất
Tiểu thương phản đối việc đập bỏ chợ Ea Păl để xây mới vì đang buôn bán sầm uất
Chợ còn tốt, vẫn muốn đập bỏ!

Theo phản ánh của hàng chục tiểu thương, vào năm 2002, xã Ea Păl được xây dựng một chợ lồng, chợ xây xong, tổ chức đấu thầu thuê sạp. Những hộ trúng thầu sau khi nộp nghĩa vụ tài chính thì UBND xã ký hợp đồng cho thuê sạp. Khi ký hợp đồng, xã không có thông báo thời hạn sử dụng, giá trị hợp đồng thuê sạp là bao lâu. Chợ Ea Păl xây xong đã phải bỏ hoang một thời gian dài do xây dựng trên địa thế không thuận lợi. Các tiểu thương thuê đất, thuê sạp đã phải cùng nhau phát dọn cây cỏ, đắp đất, khơi thông cống rãnh để lấy chỗ buôn bán. Từ khoảng 4 năm trở lại đây, việc buôn bán mới trở nên sầm uất.

Tuy nhiên, ngày 26-8-2016, Chủ tịch UBND xã Ea Păl mời các hộ tiểu thương buôn bán tại chợ Ea Păl lên họp, thông báo sắp tới sẽ triển khai dự án xây dựng lại để đạt chuẩn chợ nông thôn mới. Lãnh đạo xã cho rằng, qua quá trình sử dụng chợ đã xuống cấp, chưa đáp ứng đủ sức mua và chưa đảm bảo chợ theo mô hình nông thôn mới. Dự kiến đầu năm 2017, xã sẽ cho san ủi mặt bằng để tiến hành xây dựng theo thiết kế mới. Tại cuộc họp lấy ý kiến, khi nghe lãnh đạo xã thông báo việc xây lại chợ mà không có việc bồi thường hay hỗ trợ, tiểu thương đã phản đối gay gắt, sau đó làm đơn kiến nghị gửi cơ quan ban ngành cấp trên. Các tiểu thương cho rằng, khu chợ lồng khi xây dựng có khoảng 36 sạp, nhưng từ đó đến nay mới cho thuê được hơn một nửa, số còn lại bị lấn chiếm do không có ai quản lý. Nói là chợ lồng, nhưng thực chất chủ đầu tư chỉ dựng lên một khung sắt lợp tôn rồi đấu thầu, cho thuê. Các tiểu thương thuê sạp phải tự đầu tư vật liệu dựng sạp, tự làm đường đi. 

Cũng theo các tiểu thương, chính quyền xã chỉ cần đầu tư xây dựng lại hệ thống thoát nước, nâng cấp các sạp cho khang trang hơn, chứ không nên đập bỏ vì chợ còn rất mới. Mặt khác, việc đập bỏ chợ cũ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh vừa mới ổn định. “Nếu thiết kế xây dựng lại chợ mới, chính quyền phải có quyết định thu hồi, phải đánh giá lại tài sản trên đất, để bồi thường thỏa đáng cho tiểu thương. Hiện nay, gần một nửa hộ mua sạp kinh doanh chưa thu hồi được vốn, do phải tự bỏ vốn ra đầu tư xây dựng, trong khi chợ mới đi vào hoạt động ổn định thời gian ngắn”, chị Nhung (tiểu thương buôn bán tại chợ) chia sẻ. 

Đảm bảo quyền lợi cho tiểu thương

Trao đổi về các phản ánh của tiểu thương, ông Nguyễn Cảnh Toán, Chủ tịch UBND xã Ea Păl, cho rằng chợ Ea Păl đưa vào sử dụng từ năm 2002, theo hợp đồng kinh tế, việc thuê đất chỉ đến năm 2017 là hết hạn. Vì thế, việc xây lại chợ mới là rất cần thiết để bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ theo tiêu chí của chợ nông thôn mới. Đồng thời, chợ Ea Păl hiện là chợ trung tâm cụm xã nên đang bị quá tải. Ông Toán cho biết, hiện UBND huyện Ea Kar chưa đồng ý chủ trương đập bỏ chợ Ea Păl. Bước đầu, UBND xã mới chỉ lấy ý kiến thăm dò, do nhiều tiểu thương không hiểu nên mới có phản ứng. 

Trước phản ứng của tiểu thương, các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản đề nghị UBND huyện Ea Kar cần xem xét, rà soát kỹ lại chủ trương xây dựng mới chợ Ea Păl. Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị UBND huyện Ea Kar phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức họp lấy ý kiến rộng rãi các tiểu thương về: phương án, chính sách hỗ trợ di chuyển; bố trí sắp xếp chợ tạm trong thời gian đầu tư xây dựng chợ mới; dự kiến mức giá cho thuê quầy, sạp, các loại phí, dự kiến phương án sắp xếp điểm kinh doanh để đảm bảo quyền lợi cho tiểu thương.

Tin cùng chuyên mục