Xã hội hóa xây dựng nhà vệ sinh công cộng

Hiện nay, mạng lưới nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn TPHCM chưa đạt chuẩn, số lượng chưa đủ và bố trí chưa phù hợp. Để phát triển du lịch, thành phố cần giải quyết ngay vấn đề nhức nhối này. Chúng tôi có cuộc trao đổi cùng bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, chung quanh vấn đề trên. 

PHÓNG VIÊN: Xin bà cho biết, thực trạng các nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn thành phố hiện nay như thế nào?

Bà NGUYỄN THỊ THANH MỸ: Thực tế hiện nay, số lượng và chất lượng nhà vệ sinh công cộng ở thành phố rất thiếu và yếu. Bên cạnh đó, đội ngũ quản lý và nhân viên thực hiện vệ sinh chưa chuyên nghiệp, ý thức người sử dụng còn hạn chế, nên ảnh hưởng đến chất lượng nhà vệ sinh.

Thống kê cho thấy, hiện nay mạng lưới nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn TPHCM chưa đạt chuẩn, số lượng chưa đủ và bố trí không phù hợp. Hiện thành phố có 208 nhà vệ sinh công cộng có thu phí, trong đó 155 nhà vệ sinh công cộng tập trung ở các tuyến đường, bến xe, chợ và khu du lịch.

Chỉ có 11 nhà vệ sinh công cộng do Sở GTVT phối hợp với một ngân hàng xây dựng (chủ yếu ở các công viên tại quận 1) là đạt yêu cầu. Để đảm bảo bảo số lượng cũng như chất lượng, thành phố đã và đang kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng nhà vệ sinh công cộng. 

Bà đánh giá như thế nào về năng lực của các nhà đầu tư?

Sau khi thành phố ban hành kế hoạch kêu gọi xã hội hóa đầu tư các nhà vệ sinh công cộng, Sở TN-MT cũng đã nhận được nhiều hồ sơ (khoảng 6 doanh nghiệp đăng ký tham gia đấu thầu - PV).

Nhìn chung, doanh nghiệp đã đưa ra được các mô hình sản phẩm nhà vệ sinh công cộng phù hợp với với từng địa bàn cũng như những công năng của sản phẩm.

Mặc dù các nhà đầu tư rất có thiện chí tham gia, nhưng một số lại chưa xác định được phương thức kinh doanh phù hợp (kết hợp quảng cáo, thu phí, đổi đất lấy công trình), cách thu hồi vốn và tiềm lực kinh tế cũng chưa đủ mạnh…

Vì vậy, hiệu quả thu hút đầu tư chưa đạt như kỳ vọng. Hiện thành phố đang tiếp tục kêu gọi đầu tư nhà vệ sinh công cộng bằng nguồn vốn xã hội hóa để tổ chức thí điểm, đánh giá, thẩm định và lựa chọn các mẫu nhà vệ sinh đảm bảo phù hợp đặc điểm của từng khu vực trên địa bàn thành phố; xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, hướng dẫn, để làm cơ sở cho các chủ đầu tư thuận lợi trong việc xây dựng và thực hiện phương án đầu tư; đang xây dựng quy định quản lý nhà vệ sinh công cộng.

Xã hội hóa xây dựng nhà vệ sinh công cộng ảnh 1 TPHCM đang đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa đầu tư các công trình nhà vệ sinh công cộng 

Để hỗ trợ các nhà đầu tư, quận huyện, Sở TN-MT TPHCM có những giải pháp nào, thưa bà?

Để lắp đặt nhà vệ sinh công cộng đảm bảo vệ sinh môi trường, văn minh, Sở TN-MT đã tham mưu UBND TPHCM chỉ đạo UBND 24 quận huyện chủ động xác định nhu cầu, vị trí lắp đặt để kêu gọi đầu tư, phục vụ nhu cầu của địa phương với nhiều phương thức khác nhau (như kết hợp quảng cáo, thu phí, đổi đất lấy công trình…) để làm cơ sở đầu tư theo nhu cầu của từng quận huyện.

Về phía sở cũng sẽ tiếp tục kết nối với các đơn vị có nhu cầu tham gia đấu thầu, rồi chuyển đến các quận huyện để tham khảo, đánh giá năng lực của các nhà đầu tư.

Đối với các chủ đầu tư, khi muốn tham gia đấu thầu, sở luôn tổ chức gặp mặt, hội thảo, hội nghị có đầy đủ các sở ban ngành hữu quan để giải đáp các yêu cầu, thông tin mà chủ đầu tư muốn có. 

Xin cảm ơn bà! 

Tin cùng chuyên mục