Xã hội hóa y tế phải rành mạch công - tư

Ngày 20-5, tại Hà Nội, Đoàn khảo sát của Ban chỉ đạo Nhà nước do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn đầu đã có buổi làm việc với Bộ Y tế về việc xây dựng đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập. 
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, việc tự chủ về tài chính và thực hiện xã hội hóa các dịch vụ y tế đang diễn ra mạnh mẽ tại tuyến trung ương, tạo nên sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng nhưng cũng còn tình trạng lẫn lộn công - tư. Trong khi đó, tại tuyến dưới lại thiếu sự đầu tư về trang thiết bị và nhân lực nên thiếu sự cạnh tranh và vắng bệnh nhân.
Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tự chủ gắn với xã hội hóa là cần thiết nhưng phải rành mạch về công - tư, không được công - tư lẫn lộn, cũng như không được phân biệt bệnh viện công và bệnh viện tư. Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, việc tự chủ mạnh mẽ tại bệnh viện tuyến trung ương giúp bệnh viện áp dụng được công nghệ cao trong khám chữa bệnh, nhưng nếu thực hiện không tốt thì sẽ dẫn đến tình trạng bệnh nhân dồn hết về tuyến cuối, làm trầm trọng thêm tình trạng quá tải tại tuyến trên mà tuyến cơ sở lại không được quan tâm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay ở cơ quan trung ương đang quản lý 111 đơn vị sự nghiệp y tế công lập, còn địa phương quản lý hơn 2.000 đơn vị, tổng số toàn ngành có gần 355.000 cán bộ, nhân viên. Thời gian qua, ngành y tế và các địa phương đã thực hiện việc tổ chức, sắp xếp lại hệ thống, đã có 22 tỉnh, thành phố sáp nhập các đơn vị y tế dự phòng thành Trung tâm kiểm soát dịch bệnh, giúp giảm được 100 đơn vị trực thuộc, giảm được 300 đầu mối và giảm 1.200 cán bộ quản lý, chưa kể tinh giản được biên chế đối với nhân viên và giảm chi phí đầu tư. Tại tuyến dưới, việc sáp nhập trung tâm y tế và bệnh viện quận, huyện thành mô hình trung tâm y tế 2 chức năng đã giảm được 450 đầu mối và 1.800 cán bộ quản lý. Tuy nhiên, ở tuyến trung ương và tại các tỉnh thành chưa thực hiện việc sắp xếp lại hệ thống tổ chức, vẫn còn tình trạng chồng chéo về chức năng nhiệm vụ trong cùng một tuyến và giữa các tuyến, cũng như cơ chế quản lý chưa thống nhất.
Về thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đến nay cả nước chỉ có 1 bệnh viện tự chủ hoàn toàn, còn lại là tự chủ một phần hoặc bao cấp hoàn toàn. Từ năm 2017, giá dịch vụ được tính thêm chi phí tiền lương nên cả nước có khoảng 100 bệnh viện công đã tự bảo đảm chi hoạt động thường xuyên. Tuy nhiên, nhiều đơn vị vẫn chưa muốn tự chủ nên chưa phát huy được tính năng động và sáng tạo. Các đơn vị chưa xây dựng được mô hình quản trị tương tự như doanh nghiệp và năng lực quản lý tài chính của người đứng đầu còn hạn chế. Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ cho phép được tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa, thực hiện cơ chế kết hợp công - tư về nhân lực; cho phép thực hiện bảo hiểm y tế xã hội nhiều mức đóng theo lương, có mức cơ bản, có mức nâng cao để khuyến khích các tầng lớp nhân dân tham gia. 

Tin cùng chuyên mục