Xã vùng sâu Vĩnh Phong đã khá giả

Trước đây, Vĩnh Phong là xã vùng sâu thuộc huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang). Đời sống của người dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, tập quán sản xuất lạc hậu, cơ sở hạ tầng yếu kém... Thế nhưng, sau thời gian tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả; đồng thời được cấp trên đầu tư xây dựng nông thôn mới, bộ mặt vùng quê này đã thay đổi tích cực.
Luân canh mô hình tôm - lúa hợp lý giúp nông dân Vĩnh Phong vươn lên khá giả
Luân canh mô hình tôm - lúa hợp lý giúp nông dân Vĩnh Phong vươn lên khá giả
Dồn sức… thoát nghèo
Những ngày giữa tháng 6, dù mưa liên tục nhưng về vùng nông thôn xã Vĩnh Phong, xe vẫn chạy bon bon trên các con đường được thảm nhựa. Ông Cô Văn Niệt, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phong, hớn hở khoe: “Có được hạ tầng như hôm nay là cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi của các ngành, sự hỗ trợ của cấp trên và sự đồng lòng của người dân. Bởi khi giao thông nông thôn được đầu tư hoàn thiện, người dân đi lại dễ dàng, việc vận chuyển hàng hóa cũng được nhanh, thuận lợi; đồng thời kết nối tốt hơn giữa nông dân và doanh nghiệp, thương lái trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nông thủy sản. Từ đó, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế phát triển”. 
Theo lời ông Cô Văn Niệt, trước đây vùng này hoang hóa nên sản xuất kém hiệu quả. Sau đó, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương đầu tư làm thủy lợi, xả phèn để nông dân trồng lúa, từng bước ổn định cuộc sống, nhưng chưa thể giàu lên được. Trăn trở tìm cách thoát nghèo, ngành chức năng và người dân cùng nhau bàn tính việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi mô hình sản xuất phù hợp, đồng thời phát huy tốt nhất thế mạnh của địa phương. Nhận thấy việc độc canh cây lúa 2 vụ hoặc 3 vụ mỗi năm rất khó làm giàu, bởi điều kiện trồng lúa thường xuyên bị nước mặn về sớm đe dọa vào đầu mùa khô, chính quyền khuyến cáo bà con chuyển sang áp dụng mô hình tôm - lúa. Ban đầu việc chuyển dịch sản xuất gặp không ít khó khăn, nhưng dần dần con tôm cũng cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa. Thế là những năm gần đây, người dân chọn mô hình tôm - lúa để đột phá vươn lên. 
Thông thường hàng năm, cứ đến tháng 9 là người dân xã Vĩnh Phong gieo sạ vụ lúa mùa; tháng 12 thu hoạch lúa xong thì đưa nước mặn vào để nuôi tôm. Cái hay của nông dân xã Vĩnh Phong là không phụ thuộc vào con tôm thẻ, mà nhiều hộ ứng dụng tốt tiến bộ khoa học kỹ thuật để “luân canh” hợp lý giữa tôm thẻ với tôm sú và tôm càng xanh, nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra cũng tránh tình trạng một loại tôm bị rớt giá thì có loại tôm khác “gỡ” lại.
Ông Võ Hoàng Nguyên, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Thuận, nhìn nhận, chính sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp đúng hướng, linh hoạt, trong đó phát huy tối đa lợi thế về nuôi thủy sản đã mang lại thu nhập bình quân cho người dân từ 100 triệu đồng/ha/năm trở lên, tăng gấp nhiều lần so với năm 2010 trở về trước, khi độc canh cây lúa. 
Chung tay xây dựng nông thôn mới
Đưa chúng tôi ra thăm cánh đồng tôm - lúa rộng 4 ha, ông Cô Văn Sữa, ngụ ấp Căn Cứ (xã Vĩnh Phong) bộc bạch: “Nhà nước đầu tư thủy lợi, giao thông và kết nối nông dân vào hợp tác xã nhằm thay đổi phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất theo quy hoạch và có liên kết đầu ra. Chính cách làm bài bản này đã giảm thiểu những rủi ro và tiết giảm giá thành, tăng được năng suất cùng chất lượng sản phẩm. Từ sự đột phá này, mỗi năm gia đình tôi có nguồn thu khoảng 400 triệu đồng, sống thoải mái hơn trước rất nhiều”. 
Khi đời sống người dân được cải thiện, những chủ trương của Nhà nước sẽ được hưởng ứng mạnh mẽ. Năm 2013, khi Tỉnh ủy Kiên Giang có nghị quyết về xây dựng nông thôn mới đến năm 2020, Vĩnh Phong là một trong những xã được chọn thực hiện. Là xã điểm về xây dựng nông thôn mới của huyện, nên cấp ủy, chính quyền xã Vĩnh Phong chủ động xây dựng quy hoạch đề án và lộ trình thực hiện các tiêu chí; đồng thời tăng cường tuyên truyền về nông thôn mới sâu rộng nhằm làm chuyển biến nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên cùng người dân, qua đó tạo được sự đồng thuận cao.
Hơn 8.300ha đất nông nghiệp được tiếp tục áp dụng trồng lúa chất lượng cao và luân canh con tôm hợp lý để gia tăng thu nhập cho người dân. Giao thông tiếp tục được thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó vận động nhân dân đóng góp hơn 7,1 tỷ đồng láng nhựa 29km đường nông thôn, bắc mới  14 cầu bê tông nông thôn hơn 6,6 tỷ đồng…
Đến nay, đã nhựa hóa và bê tông hóa 100% các tuyến đường trong toàn xã, đảm bảo đi lại dễ dàng trong mùa mưa bão. Hệ thống thủy lợi được đầu tư nạo vét 38 kênh lớn, chiều dài 136km, tổng vốn 12 tỷ đồng; xây dựng 6 cống ngăn mặn hơn 6 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 214 triệu đồng để nạo vét kênh thủy lợi nội đồng với tổng chiều dài 10,2km...
Ngoài ra, mỗi năm đào tạo nghề và tạo việc làm cho hàng ngàn người dân nông thôn, góp phần tăng thu nhập cho bà con. Từ cách làm đồng bộ, nên năm 2015, Vĩnh Phong là xã đầu tiên của huyện Vĩnh Thuận về đích nông thôn mới. 
Theo ông Cô Văn Niệt, hiện nay thu nhập bình quân đầu người ở xã đạt khoảng 42 triệu đồng, thuộc dạng khá cao. Tuy nhiên, xã chưa hài lòng mà tiếp tục phấn đấu. Từ nay đến năm 2020, xã tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp nhu cầu thị trường tiêu thụ; trong đó, hạn chế sản xuất nhỏ lẻ để tiến tới hình thành nhiều mô hình sản xuất tập trung, quy mô lớn, có liên kết đầu vào và đầu ra sản phẩm với các doanh nghiệp; ứng dụng tốt những tiến bộ khoa học nhằm nâng chất lượng, giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh; hướng tới sự phát triển bền vững… 

Tin cùng chuyên mục