Cứu trợ nạn nhân trong sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ: Quản lý chặt chẽ, chia sẻ công bằng để đồng tiền có ý nghĩa

Không để thất thoát tiền cứu trợ
Cứu trợ nạn nhân trong sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ: Quản lý chặt chẽ, chia sẻ công bằng để đồng tiền có ý nghĩa
  • Động viên chia sẻ với đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt và bão số 5

Hôm qua, 11-10, đại diện liên doanh nhà thầu Nhật Bản TKN đã trao Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Long 8 tỷ đồng hỗ trợ con em gia đình nạn nhân học hành. Tiền cứu trợ đang là vấn đề “nóng” được nhiều người quan tâm. Làm gì để tránh tình trạng hộ nhận nhiều, gia đình nhận ít, có đúng đối tượng hay không… PV Báo SGGP đã trao đổi với những người có trách nhiệm về việc này.

Ông NGUYỄN THÀNH LOAN TƯ, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Long:
Không để thất thoát tiền cứu trợ

Cứu trợ nạn nhân trong sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ: Quản lý chặt chẽ, chia sẻ công bằng để đồng tiền có ý nghĩa ảnh 1

Đại diện Báo SGGP thăm nạn nhân điều trị tại Bệnh viện 121. Ảnh: CAO PHONG

Những ngày qua, chúng tôi đã trao cho các gia đình nạn nhân 40 triệu đồng/người chết và 10 - 30 triệu đồng/người bị thương (tùy nặng nhẹ). Đợt này, sẽ tiếp tục trao cho những gia đình có người chết và bị thương nặng đặc biệt là 100 triệu đồng/người; bị thương nặng 80 triệu đồng/người; bị thương trung bình 50 triệu đồng/người; bị thương nhẹ 5 triệu đồng/người.

Ngày 11-10, đã chuyển số tiền trên cho gia đình 11 người chết ở các tỉnh xa thông qua Ủy ban MTTQ địa phương. Riêng những nạn nhân ở Vĩnh Long sẽ chuyển trong vài ngày tới. Đây là số tiền mà các tổ chức, cá nhân cứu trợ thông qua MTTQ, riêng hàng trăm đoàn đi cứu trợ trực tiếp từng gia đình thì chưa thể thống kê được. Vấn đề đặt ra lúc này là làm sao để tiền cứu trợ đưa đúng đối tượng, tránh thất thoát, không phụ lòng các nhà hảo tâm.

Tại Vĩnh Long, đợt này, chúng tôi không trao tiền mặt mà cứu trợ bằng “sổ tiết kiệm có điều kiện”. Tiền cứu trợ được gởi vào ngân hàng để gia đình nạn nhân nhận lãi hàng tháng nhưng không được rút gốc. Trừ những trường hợp đặc biệt, phải có xác nhận của chính quyền địa phương. MTTQ tỉnh đang phối hợp cùng ngành y tế và địa phương làm việc lại với các bệnh viện tại TP Cần Thơ để phân loại bệnh nhân nặng, nhẹ… chính xác. Từ đó hỗ trợ tiền phù hợp, tránh tình trạng bệnh nhẹ nhưng kê khai là nặng (!?). Mặt khác, chọn người đứng tên trong sổ tiết kiệm đúng quy định pháp luật. Ví dụ: chồng chết thì vợ và con sẽ thừa kế, tránh tình trạng cha mẹ hay anh em tranh giành… Chúng tôi sẽ làm hết trách nhiệm, cố gắng không để thất thoát tiền cứu trợ. Ngay cả chi phí đi lại, xăng dầu đưa đoàn bạn đi cứu trợ, ăn uống, văn phòng phẩm… chúng tôi đều lấy ngân sách nhà nước, tuyệt đối không đụng đến một đồng cứu trợ.

Ông NGUYỄN TRUNG HIẾU, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Cần Thơ:
Mong gia đình nạn nhân sử dụng tốt đồng vốn

Cứu trợ nạn nhân trong sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ: Quản lý chặt chẽ, chia sẻ công bằng để đồng tiền có ý nghĩa ảnh 2

Các tổ chức và cá nhân đến thăm, tặng quà cho người bị thương ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Đến nay, Ủy ban MTTQ TP Cần Thơ đã nhận gần 11,6 tỷ đồng, 4.084 USD, 30 thùng thuốc tây, 850 kg gạo... Sau khi cứu trợ đợt đầu thì số tiền còn lại đã chuyển hết về đầu mối Vĩnh Long phân phối. Có thể nói, đây là lần đầu tiên khi xảy ra sự cố thì các nhà hảo tâm đến cứu trợ nhanh nhất, nhiều nhất và căn cơ nhất.
Chưa bao giờ mà gia đình nạn nhân có người chết và bị thương nhận được tiền cứu trợ lớn như lần này. Bình quân mỗi gia đình có người chết và bị thương nặng nhận được hàng trăm triệu đồng, chưa kể được xây nhà, cấp học bổng nuôi con em ăn học… Điều đó cho thấy, các tổ chức, cá nhân đặc biệt quan tâm giúp đỡ gia đình nạn nhân. Tôi cho rằng, số tiền lớn trên là mơ ước cả đời đối với nhiều gia đình nghèo vùng nông thôn. Nếu từng gia đình biết trân trọng và sử dụng số tiền cứu trợ đúng mục đích thì họ sẽ đổi đời, thoát được cuộc sống nghèo khổ.

Chúng tôi khuyến cáo những gia đình nạn nhân cầu Cần Thơ trích ra một số nào đó chia sẻ cho những gia đình nạn nhân bị lũ lụt và bão số 5 ở Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Ninh Bình, Sơn La… để thể hiện tinh thần tương thân trong hoạn nạn. Bởi những gia đình có người chết trong bão số 5 nhận khoảng 5 - 7 triệu đồng… chẳng thấm vào đâu so gia đình nạn nhân cầu Cần Thơ.

Ông NGUYỄN THÀNH ĐƯỢC, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long:
Quản lý chặt tiền cứu trợ…

Mỹ Hòa nằm ngay cầu Cần Thơ và là nơi thiệt hại nhiều nhất với 33 người chết (trong đó 1 mất tích), 37 người bị thương. Chúng tôi thành thật tri ân những nhà hảo tâm giúp đỡ gia đình nạn nhân số tiền lớn để họ sớm ổn định cuộc sống. Mấy ngày qua, có một vài trường hợp tranh giành tiền cứu trợ trong nội bộ gia đình đã được UBND xã giải quyết. Căn cứ vào pháp luật, chồng chết thì vợ và con hợp pháp được nhận cứu trợ; không giao cho cha mẹ. Riêng anh Trần Văn Hơn (còn mất tích), do ly thân vợ đã lâu nên chúng tôi quyết định gởi tiền cứu trợ vào ngân hàng (không giao cho vợ và gia đình cha ruột lẫn cha vợ), sau đó nuôi 2 con anh ăn học. Hiện tại, xã vận động người dân gởi tiền vào ngân hàng đề phòng mất trộm, không nên thấy tiền nhiều mà chi xài phung phí… cũng như phối hợp ngân hàng và cấp huyện quản lý chặt tiền cứu trợ.

Huỳnh Phước Lợi

Vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ
Trụ 14 tiếp tục nghiêng và có nguy cơ sụp đổ

* Tạm ngừng tìm kiếm cứu hộ

Ngày 11-10, sau hơn nửa tháng tìm kiếm thi thể nạn nhân mất tích Trần Văn Hơn trong đống đổ nát của vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ sáng 26-9 vẫn không có kết quả, công việc cứu hộ cứu nạn tạm dừng. Tối 11-10, ông Nguyễn Văn Công-người phát ngôn của Bộ GTVT, cho biết: Dù công tác cứu hộ, cứu nạn được tiến hành khẩn trương nhưng đến nay vẫn chưa có triển vọng rõ ràng để tìm được người mất tích còn lại. Điều kiện tại công trường không thuận lợi và xuất hiện nguy hiểm cho lực lượng tìm kiếm. Đáng lo ngại là, qua theo dõi thấy trụ 14 nghiêng thêm khá nhiều so với khi mới xảy ra sự cố. Khối bê tông lớn bị sập nhưng vẫn còn liên kết thép với đỉnh trụ 15 có một số điểm rạn nứt, các cục bê tông thỉnh thoảng lại vỡ và rơi xuống. Nguy cơ trụ 14 bị đổ kéo theo tấm bê tông của nhịp 13 dính liền với trụ 14 (khu vực 2c) và tấm bê tông dính với trụ 15 (khu vực 1c) bị sập theo là không loại trừ. Theo báo cáo của nhà thầu TKN, khu vực 2c và khu vực nhịp 14 (giữa trụ 14, 15) đã trở nên mất an toàn và rất nguy hiểm. Mặt khác, theo yêu cầu của Ủy ban Nhà nước điều tra sự cố, nhà thầu phải giữ lại hiện trường phục vụ công tác điều tra. Vì vậy, ngày 11-10, lực lượng tìm kiếm tạm thời không làm việc. Sau khi Ủy ban Nhà nước điều tra sự cố thu thập chứng cứ xong và cho phép thì nhà thầu chính sẽ đưa ra phương án phá dỡ các tấm bê tông và trụ 14 để đảm bảo an toàn cho việc tiếp tục tìm kiếm nạn nhân mất tích.

Sáng cùng ngày, Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ Công an - thành viên Ủy ban Nhà nước điều tra sự cố sập 2 nhịp dẫn cầu Cần Thơ, cùng lãnh đạo các cục nghiệp vụ Bộ Công an và Ban Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long đã đến kiểm tra hiện trường. Thượng tướng Lê Thế Tiệm chỉ đạo: Tiếp tục giao cho Công an Vĩnh Long phối hợp với các cục nghiệp vụ của Tổng cục Cảnh sát khẩn trương điều tra để sớm tìm ra nguyên nhân vụ tai nạn. Phải nhanh chóng làm rõ nguyên nhân sự việc để xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có liên quan theo đúng pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Không vì việc này làm ảnh hưởng đến mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Đến chiều tối 11-10, rất đông nạn nhân bị thương trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ hôm 26-9 đã bình phục và được xuất viện. Hiện chỉ còn 41 công nhân bị thương tiếp tục điều trị đặc biệt tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ và Bệnh viện 121.

Bình Đại

Tin cùng chuyên mục