Người về hưu

Bài 4: Tự cứu lấy mình...

Câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh dường như­ vẫn còn được tấm tắc, khâm phục khi người về hưu “tự kiểm” đời mình.

Thôi đừng than trách, đến người đang làm việc vẫn hưởng đồng lương “kỳ lạ nhất thế giới”, thì nói gì đến người đã rời bộ máy, không làm việc nữa. Hễ nói đến lương là người ta sẽ trả lời bằng một bế tắc có thật: khả năng của ngân sách!

Chẳng cần điều tra, cứ nhìn ở một phường của bạn thôi, đã có cả ngàn người cao tuổi. Có người nghèo hội phí Hội người cao tuổi có mấy ngàn cũng không đóng nổi. Tất nhiên sẽ có cả những cụ con cháu thành đạt thì chuyện đi du lịch nước ngoài cũng là chuyện bình thường. Có người tặng tất cả lương hưu để giúp hoạt động của phường hoặc để làm từ thiện.

Ngày nay thí dụ nào cũng có hết, bởi sự phân hóa giàu nghèo đã rất lớn. “Tự cứu lấy mình” có khi không phải cá nhân người về hưu tài giỏi, mà là con cháu cứu - đó cũng là gia đình tự cứu lấy cha mẹ, ông bà. Đó là đạo lý Việt Nam mà cũng là của loài người nói chung, chỉ có sắc thái của văn hóa khác nhau mà thôi.

Người già ở phương Tây sống một mình, dắt chó đi chơi chưa chắc đã tại con bất hiếu. Lối sống độc lập, riêng tư thái quá cũng có mặt trái cô độc, mà bấu víu vào nhau phức tạp quá cũng gây nhiều phiền toái. Lối sống cá nhân là công việc được chuẩn bị trong cả đời người, chứ không phải sắp rời phòng làm việc mới lo.

Con cái là tuổi già bình yên của bạn - câu nói ấy thật thấm thía. Về hưu mà không phải quá no miếng ăn, sức khỏe còn tương đối tốt, con cái trưởng thành thì khác những người sắp hết tuổi làm việc mà con cái hư hỏng, thất nghiệp, mâu thuẫn gia đình căng thẳng, tiền bạc nợ nần thiếu trước hụt sau.

Có người bảo: Về hưu rồi, nghỉ! Chán làm việc, hội họp lắm rồi; chán cảnh cạnh tranh, ghen ghét nhau lắm rồi; chán cảnh o bế lãnh đạo, phe cánh, mưu mô lắm rồi. Từ những nỗi chán này, họ ngại đi làm công việc mới. Lại có người về hưu rồi mới thực sự nỗ lực, vì động cơ làm việc đã khác, phong thái lao động cũng khác, tiền thu vào cũng khác. Nhưng có “hung hăng” cách mấy cũng luôn nhớ: cuộc đời sau hưu thường ngắn. Bệnh tật lại là bạn đường gần gũi hơn cả.

Có nhiều con đường “tự cứu “ - không có công thức chung. Nhưng điều đầu tiên là phải chuẩn bị từ xa: đừng quá “đóng vai” mà quên mất rằng mọi công việc, vai trò rồi có ngày đi hết, mình trở về đời thường. Mọi công việc, chức vụ, đều là vai trò có hạn định. Để đến khi rời nó, không cảm thấy sụp đổ. Phải nghĩ như ông Nelson Mandela - người tù thế kỷ. Ông trả lời phỏng vấn, nói: với ông, về hưu là ra tù lần thứ hai.

Nếu có khả năng, người về hưu vẫn tiếp tục được công việc của mình, vẫn rèn luyện được tư duy minh mẫn, còn phát hiện ra nhiều niềm vui bất ngờ trước kia không biết đến. Chơi với cháu, phát hiện trẻ nhỏ, ngủ một giấc mà không sợ trễ giờ làm việc, đi chơi, thăm bạn bè. Rồi cuối cùng vẫn phải đối mặt với sự cô đơn không sao tránh khỏi, nhưng không sợ hãi, mà tìm được cả sự bình an trong nó.

Ở phố cổ Hà Nội vào những ngày mùa đông giá rét, người ta thấy nhiều quán cà phê có nhiều người cao tuổi. Họ mặc áo ấm, đội mũ len, ngồi bên ly cà phê nóng, miệng nói chuyện, mắt vẫn quan sát được đường phố qua cửa kính. Nhìn thấy ấm quá. Cái giá rét vẫn không ngăn được họ ra khỏi nhà, đến với các hội bạn bè. Mùa đông có vẻ đẹp riêng, không là cô liêu, rét mướt, buồn thiu.

Về hưu mới thấy quý tình bạn hơn. Khi tôi đã già, vẫn còn nhớ mãi hình ảnh mẹ tôi năm bà ngoài 80, nằm liệt ở Hải Phòng. Con cái đi làm ăn xa, đứa ở chung nhà cũng đi làm, hoặc chạy ra chợ, khóa cửa để mẹ nằm nhà.

Trừ khi trời mưa bão, còn ngày nào tôi cũng thấy bác Chín - cha của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha - ông cụ đã 90 tuổi - vẫn chống gậy dò từng bước, chỉ đến ngoài cửa sổ hỏi vọng vào một câu: “Hôm nay bác thấy trong người thế nào”, rồi lại dò từng bước ra về. Quãng đường ngắn, mà việc đó chiếm hết buổi sáng của bác Chín, ngày nào cũng như ngày nào cho đến khi mẹ tôi mất. Tình bạn bè của người xưa là một bài học thổn thức sống trong lòng.

Đấy cũng là tự cứu. Tự sống với đúng bản chất của mình, hòa hợp với xung quanh, hòa hợp cả với hoàn cảnh của mình, với bệnh tật của mình nữa. Lúc đó sẽ có nhiều sức mạnh, cái mà người ta gọi là nội lực.

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

Thông tin liên quan:

Người về hưu 

- Bài 3: Dự án hỗ trợ người về hưu

- Bài 2: Chế độ chính sách có đủ, nhưng...

- Bài 1: Cái giá của 75%...

Tin cùng chuyên mục