“Đến với cổng trời” Tây Giang

Tây Giang, huyện miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam, nơi có 8 xã thì đã 6 xã biên giới Việt - Lào, nơi mệnh danh là “cổng trời” của miền Trung. Hàng ngàn mét khối đất đá do lũ lụt làm sạt lở bờ ta-luy dương tràn xuống mặt đường. Giao thông tê liệt. Hệ thống cáp quang và thông tin liên lạc cũng bị đứt do sạt lở núi. Hàng ngàn người dân Tây Giang đang đối mặt với đói và khát, đặc biệt, 4 xã biên giới khu 7 là Axan, Tr’hy, Ch’ơm, Gari hoàn toàn bị chia cắt, cô lập suốt hơn 1 tháng qua...Gian nan đưa hàng cứu trợ đến Tây Giang
“Đến với cổng trời” Tây Giang

Tây Giang, huyện miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam, nơi có 8 xã thì đã 6 xã biên giới Việt - Lào, nơi mệnh danh là “cổng trời” của miền Trung. Hàng ngàn mét khối đất đá do lũ lụt làm sạt lở bờ ta-luy dương tràn xuống mặt đường. Giao thông tê liệt. Hệ thống cáp quang và thông tin liên lạc cũng bị đứt do sạt lở núi. Hàng ngàn người dân Tây Giang đang đối mặt với đói và khát, đặc biệt, 4 xã biên giới khu 7 là Axan, Tr’hy, Ch’ơm, Gari hoàn toàn bị chia cắt, cô lập suốt hơn 1 tháng qua...

Gian nan đưa hàng cứu trợ đến Tây Giang

Ngày 17-11, PV Báo SGGP cùng đoàn cứu trợ của báo vượt hơn 120 km, vượt lũ và sạt lở núi để đưa 600 thùng mì tôm, 600 gói bột ngọt, 600 chai dầu ăn và 1.200 lon cá hộp về cứu trợ đồng bào Tây Giang. Mưa xối xả, lũ lên nhanh, hai chiếc xe tải nhẹ của đoàn cứu trợ phải nhiều lần vượt lũ xiết và sình lầy do sạt lở núi với mong muốn đưa hàng cứu trợ về với đồng bào Tây Giang trong thời gian sớm nhất.

Đường Hồ Chí Minh đoạn từ huyện Đông Giang đi Tây Giang với hàng trăm điểm sạt lở lớn nhỏ. Có nhiều đoạn bị tắc, hai chiếc xe hàng cứu trợ của Báo SGGP nhiều lần bị mắc lầy, gian nan lắm mới vượt qua được. Tuy nhiên, mặc dù đã rất cố gắng nhưng đoàn cứu trợ phải đành dừng lại tại thôn Azứt, xã Bhalêê, huyện Tây Giang vì tuyến đường ĐH1 Tây Giang hoàn toàn tê liệt. Hàng cứu trợ chờ trung chuyển.

Qua 1 đêm ở làng Azứt, sáng 18-11, PV SGGP đã phải thuê xe ôm, lội qua nhiều điểm sình lầy gần đến thắt lưng để về trung tâm hành chính huyện. Tây Giang tiêu điều!

Ông Bh’ríu Liếc, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang nhìn PV SGGP lấm lem bùn, ứa nước mắt. Ngước nhìn trời, ông nói trong sự lo lắng: “Nếu mưa như thế này, chỉ cần 1 đêm nữa thôi, Tây Giang lại tiếp tục bị cô lập, 15.000 dân đứng trước nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm. Đặc biệt, hơn 5.000 dân của 4 xã biên giới Tây Giang có nguy cơ đói kéo dài. Mọi thông tin liên lạc đều bị đứt. Báo SGGP quan tâm đến đồng bào Tây Giang như thế này là đồng bào ưng cái bụng lắm. Chúng tôi cố gắng đưa hàng cứu trợ của Báo SGGP đến với đồng bào trong thời gian sớm nhất”.

Quả thật vị chủ tịch huyện này đã hết sức cố gắng. Ông điều 1 chiếc xe Uoát 2 cầu từ trung tâm huyện để đến thôn Azứt cùng với 10 dân quân tham gia mở đường cho xe chạy, nhưng phải đến trưa 18-11 chiếc xe này mới đến được thôn Azứt. Lực lượng thanh niên thôn vác hàng qua điểm sạt lở dài hơn 40m đưa lên xe.

Tưởng mọi chuyện đã được giải quyết, hàng cứu trợ sẽ về được trung tâm huyện. Thế nhưng, cả ngày 18-11 mưa như trút nước; những khúc đường mở ra buổi sáng, nay bùn đất lại tràn ngập. Đến tối 18-11, chiếc xe Uoát chỉ trung chuyển được 3km đành chờ mưa tạnh để ngày hôm sau mở đường. Như vậy, hàng cứu trợ của Báo SGGP phải dừng lại một đêm nữa, chỉ cách trung tâm huyện 12km...

500 học sinh nội trú còn muối nhưng... hết gạo!

Cũng trong ngày 18-11, ông Liếc đã cắt cử một cán bộ và chiếc xe Win 100 – loại xe duy nhất có thể đi lại trên địa bàn – cùng PV SGGP đi tìm hiểu đời sống bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại một số xã cũng như Trường THCS dân tộc nội trú Tây Giang và THPT Tây Giang.

350 học sinh Trường THCS dân tộc nội trú Tây Giang và 960 học sinh Trường THPT Tây Giang đứng trước nguy cơ thiếu đói và thiếu thực phẩm như mắm, muối, bột ngọt, dầu ăn...

Em Alăng Thị Nhen, học sinh lớp 8/1 Trường THCS dân tộc nội trú Tây Giang, cho biết, nhà em ở xã biên giới Axan, hơn 1 tháng qua em không thể về nhà do đường bị tắc. Mấy ngày qua, nhà trường đã cấp gạo ăn chống đói, nhưng tốt nhất cũng ăn với mắm và muối, rau rừng không thể hái được vì trời mưa to quá.

Ngoài các em học sinh, hàng trăm giáo viên của các trường, hơn 200 cán bộ huyện Tây Giang cũng đang đối diện với đói và khát. Hệ thống nước tự chảy hoàn toàn bị tê liệt trong nhiều tuần qua. Để sinh hoạt, các cán bộ, giáo viên, học sinh và cả người dân dựa vào nguồn nước duy nhất: nước mưa. Ở đây, cái gì cũng quý, nhưng nước mưa thì quý như vàng.

Tiền có nhưng đường tắc nên cán bộ, giáo viên, học sinh và cả người dân không thể mua được lương thực, thực phẩm. Gần một tháng qua, thực phẩm chủ yếu là cá khô, nhưng mấy ngày gần đây thì chỉ còn muối và mắm...

Cô Văn Thị Thục Hạnh, giáo viên tiếng Anh, Trường THCS dân tộc nội trú Tây Giang, cho biết, đã nhiều tuần qua hơn 20 giáo viên, trong đó có 14 giáo viên nữ của trường sống trong hoàn cảnh thiếu lương thực, thực phẩm, khó khăn về sinh hoạt, đi lại. Tiền có nhưng đường không có cũng đành chịu...

Đặc biệt, tại khu “ký túc xá” của học sinh các xã về trọ học tại Tây Giang càng khốn khổ hơn: đói, khát và rét! Đó là tình cảnh chung của hơn 500 học sinh Trường THPT Tây Giang đang trọ học nơi đây. Gọi là khu ký túc xá nhưng đây là một dãy nhà được làm bằng tranh tre, mái lợp tole và được che bằng bạt. Cái đói, khát và rét đang rình rập...

NGUYÊN KHÔI


  • Báo SGGP tiếp tục chương trình cứu trợ lũ lụt miền Trung
“Đến với cổng trời” Tây Giang ảnh 1

Báo SGGP trao quà cứu trợ cho bà con xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: VŨ VĂN THẮNG

“Đến với cổng trời” Tây Giang ảnh 2

Chuyển hàng cứu trợ của Báo SGGP đến với người dân xã Quảng Thành, Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế. Ảnh: V.V.TH.

Tiếp tục chương trình cứu trợ đến với đồng bào miền Trung bị nạn do thiên tai, chiều 18-11, đoàn Báo SGGP đã trao 60 suất quà gồm mì tôm, gạo, mì chính và dầu ăn cho 60 hộ dân phường Hòa Thọ Đông - quận Cẩm Lệ (thành phố Đà Nẵng).

Ngoài ra, 1.000 cuốn tập cũng đã được đại diện Báo SGGP trao đến cho 2 trường tiểu học Hoàng Dư Khương và Trần Nhân Tông (trên địa bàn phường) để chuyển đến cho các cháu có nhà cửa mới bị ngập lụt, thiệt hại do lũ và những cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Theo thống kê, trong đợt lũ lụt vừa qua, phường Hòa Thọ Đông có 21/37 tổ dân phố bị ngập lụt, 530 nhà dân với 2.231 nhân khẩu chịu ảnh hưởng trực tiếp, gây thiệt hại nặng nề về tài sản và xáo trộn đời sống của nhân dân. Thay mặt chính quyền, bà con nhân dân, ông Nguyễn Văn Hoa, Chủ tịch UBND phường chân thành cảm ơn Báo SGGP đã kịp thời quan tâm, chia sẻ những khó khăn, mất mát với đồng bào miền Trung nói chung và phường Hòa Thọ Đông nói riêng.

Chiều 18-11, bằng đủ mọi phương tiện từ xe ô tô tải, thuyền lớn, thuyền nhỏ, Báo SGGP cùng Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên - Huế vượt lũ để mang những phần quà cứu trợ khẩn cấp đến đồng bào vùng rốn lũ xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đoàn cứu trợ Báo SGGP đã trao 60 phần quà gồm chăn, gạo, đèn pin, dầu ăn… tới tận tay những gia đình đang di dời tránh lũ thuộc thôn Tây Thành, An Thành và Thanh Hà.

Sáng nay (19-11), đoàn cứu trợ sẽ tiếp tục trao 40 suất quà cứu trợ còn lại tới tận tay những gia đình gặp khó khăn nhất thuộc thôn Quán Hòa. Tổng trị giá 100 phần quà đợt này của Báo SGGP là 23 triệu đồng. 

PH.H. - H.M. - V.V.TH.

Thông tin liên quan:

- Làm việc với Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: 
Khắc phục nhanh hậu quả, chủ động đối phó với cơn lũ mới

- Cả nước hướng về miền Trung

- Cả nước chung tay khắc phục hậu quả lũ

- Dồn sức khắc phục hậu quả lũ lụt

Nghĩa tình sau lũ

- Lũ rút: Khó khăn chồng chất

Tin cùng chuyên mục