Vỡ quỹ bảo hiểm y tế: Hậu quả tất yếu của việc làm thiếu tính toán khoa học

ảnh
Vỡ quỹ bảo hiểm y tế: Hậu quả tất yếu của việc làm thiếu tính toán khoa học

Ông Bùi Đức Tráng – Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM (ảnh) đã rất bức xúc khi phát biểu như vậy trước sự kiện quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) đã vỡ quá nhanh, chỉ chưa đến 2 năm đã tiêu hết sạch 2.800 tỷ đồng kết dư từ 10 năm nay. Báo SGGP đã trao đổi với ông Bùi Đức Tráng về vấn đề này.

Vỡ quỹ bảo hiểm y tế: Hậu quả tất yếu của việc làm thiếu tính toán khoa học ảnh 1

Theo ông Bùi Đức Tráng, nguyên nhân căn bản của vấn đề này là hành lang pháp lý của ta về BHYT chưa căn cơ, nên việc thực hiện chính sách hoàn toàn bị động, mang tính đối phó.

Cụ thể như khi thấy kết dư nhiều thì mở rộng ra, đến lúc vỡ quỹ lại vội vàng siết lại và siết quá mạnh tay nên gây ra những phản ứng trong nhân dân. Việc thực hiện cả đầu vào là thu hút người tham gia và đầu ra là thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) đều chủ quan, duy ý chí, không được tính toán một cách khoa học.

Chính vì vậy mà cho đến nay, dù BHYT vốn là một chính sách hết sức nhân đạo, nhân văn nhưng khi áp dụng vào thực tế ở nước ta thì ai cũng dị ứng, kể cả người được thụ hưởng chính sách.

-  Tính toán như thế nào mới là căn cơ và khoa học, thưa ông?

-  Trước hết chúng ta phải làm rõ BHYT là gì. Nhà nước nên chọn cách nào để thực hiện chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Có 3 cách để làm được điều này: bao cấp hoàn toàn; thương mại (người dân chịu hết chi phí khi sử dụng dịch vụ KCB) và thứ 3 là BHYT. Ở nước ta, việc bao cấp hoàn toàn là không thể, mà thương mại thì không phù hợp với chủ trương và chính sách của nhà nước ta. BHYT là lựa chọn duy nhất để ta có thể thực hiện.

Tuy nhiên để BHXH nói chung và BHYT nói riêng được thể hiện đúng với ý nghĩa và giá trị của nó thì phải hiểu được bản chất BHXH và BHYT là gì. Nhiều người vẫn cho rằng quỹ BHYT là một loại quỹ từ thiện và BHXH là cơ quan cứu tế, là một sai lầm rất lớn. Quỹ BHYT phải được hiểu là một hoạt động tài chính và nó phải được vận hành theo cơ chế thị trường lấy thu bù chi, phải được hạch toán. Và dù mục đích của quỹ không phải vì lợi nhuận, nhưng nó phải được bảo đảm, bảo tồn và tăng trưởng. Nguyên tắc thứ 2 là, quỹ BHYT phải được vận hành theo quy luật của số đông. Số đông người khỏe mạnh tham gia bù đắp cho số ít người bệnh tật.

Tham gia BHYT không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ chia sẻ rủi ro trong cộng đồng. Nguyên tắc thứ 3 là, để định được mức thu hợp lý thì phải bắt đầu từ đầu vào, phải tính được chi phí KCB của từng vùng. Khi tính ra được mức phí tham gia thì sẽ quy định được trách nhiệm cộng đồng giữa các cá nhân và các tổ chức xã hội. Hiện nay chúng ta vẫn chưa thực hiện BHYT theo đúng những nguyên tắc cơ bản này.

- Nhiều ý kiến lại cho rằng, nguyên nhân vỡ quỹ là do phương thức thanh toán BHYT và quản lý chi tiêu?

Theo thống kê sơ bộ của BHXH TPHCM, năm 2007, tổng thu quỹ KCB BHYT của thành phố là 721,3 tỷ đồng trong khi phần chi KCB BHYT là 1.099,3 tỷ đồng. Ước vượt chi là 378 tỷ đồng.

- Đúng, nhưng đây cũng là hậu quả tất yếu của việc không tính toán một cách căn cơ cho BHXH nói chung và BHYT nói riêng. Hiện nay, việc thanh toán chi phí KCB BHYT là tính theo giá dịch vụ nên không kiểm soát được, gây lãng phí.

Nguồn tài chính (bao gồm của nhà nước và của người tham gia BHYT đóng góp) không tập trung vào một đầu mối mà chia ra khá manh mún, phân tán, dàn trải nên kém hiệu quả. Ở đây, phần tiền của nhà nước thì cấp cho ngành y tế, phần đóng góp của đối tượng tham gia BHYT thì do BHXH giữ. Chính sách viện phí hiện nay người dân thanh toán một phần viện phí khi KCB (ai có BHYT thì BHXH trả thay) phần còn lại nhà nước bù đắp thông qua việc cấp kinh phí cho ngành y tế.

Cơ chế này nảy sinh tình trạng người dân không biết mình được nhà nước cho hưởng bao nhiêu để đòi cho đủ. Phía điều trị thì nảy sinh tư tưởng ban phát, tùy tiện trong thực hiện quyền lợi cho người dân. Một thực tế khác cũng không thể kiểm soát, gây lãng phí cho quỹ BHYT là việc sử dụng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao rất tràn lan. Tính sơ bộ hiện nay đã có trên 300 loại hình kỹ thuật cao thường xuyên bị chỉ định trùng lặp giữa các tuyến.

Theo tôi, nhà nước nên đầu tư tập trung vào một đầu mối là cơ quan BHXH quản lý toàn bộ nguồn kinh phí của nhà nước và của người dân đóng góp, tạo nên nguồn quỹ BHYT tập trung đủ sức thanh toán toàn bộ viện phí chứ không phải một phần như hiện nay.

Đặt quỹ BHYT vào thế chủ động, tự quyết định được chất lượng sản phẩm của mình cung cấp cho khách hàng thông qua giá cả, quy luật cung cầu. Phần kinh phí của nhà nước chuyển sang được chia ra bình quân đầu người để biết mỗi người dân được nhà nước chi bao nhiêu tiền mua BHYT.

Trên cơ sở đó sẽ tính được mức phí mua BHYT của mỗi người dân sau khi trừ đi phần đóng góp của nhà nước. Động tác này sẽ kích thích người dân mua BHYT. Ví dụ nhà nước chi cho anh 150.000 đồng, nay anh bỏ ra thêm 150.000 nữa anh sẽ có thẻ BHYT mệnh giá 300.000 đồng để vào KCB không mất tiền.

Còn nếu không bỏ ra 150.000 đồng anh sẽ không có thẻ BHYT và phải tự bỏ tiền túi ra KCB. Với cách làm này, người dân sẽ thấy rõ tính công khai, minh bạch, thấy rõ lợi ích và không còn chần chừ mua BHYT. Và khi BHYT đã đạt đến độ toàn dân thì cơ quan BHXH sẽ có một nguồn quỹ lớn đủ để thanh toán chi phí KCB theo nguyên tắc số đông bù cho số ít. 

KIM LIÊN

Tin cùng chuyên mục