TPHCM: Còn lúng túng trong thu hút nhân tài

“Mỏ vàng lộ thiên” - khai thác như thế nào?
TPHCM: Còn lúng túng trong thu hút nhân tài

TPHCM là “cái túi” thu hút nhân tài. Tuy nhiên, sự đóng góp của đội ngũ trí thức trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật còn hạn chế, dù họ rất tâm huyết với sự nghiệp phát triển chung của TP… Như vậy, vấn đề là do TPHCM thiếu chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc chưa tốt hay chưa biết cách tập hợp nhân tài? Đây là nội dung mà những nhà khoa học, nhà quản lý, trí thức cùng phân tích, mổ xẻ trong chương trình “Nói và làm” với chủ đề “Làm gì để thu hút trí thức, người tài trong quản lý, phục vụ phát triển kinh tế” do HĐND TPHCM phối hợp với Đài truyền hình TPHCM thực hiện vào sáng 7-12.    

“Mỏ vàng lộ thiên” - khai thác như thế nào?

TPHCM: Còn lúng túng trong thu hút nhân tài ảnh 1

Sinh viên lớp kỹ sư tài năng Trường ĐH Bách khoa TPHCM thực tập trong phòng thí nghiệm Hóa. Ảnh: MAI HẢI

Th.s Phan Kim Ngọc, Trưởng phòng Thí nghiệm tế bào gốc (Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM) ví von: TPHCM có một “mỏ vàng lộ thiên” về đội ngũ tri thức, các nhà khoa học. Đây là “vàng thật” ai cũng thấy. Nhưng tiếc thay, việc tập hợp, quy tụ lực lượng này chưa tốt do thiếu cơ chế, chính sách hoặc cách làm chưa phù hợp, dù các nhà khoa học rất thiết tha đóng góp cho sự phát triển của TP.

Theo ông Ngọc, những người làm khoa học thường đặt cao trách nhiệm và danh dự, còn tiền chỉ là phương tiện. Trong khi đó, với chương trình đào tạo của TPHCM- dù đây là cách làm rất tốt- nhưng bộc lộ những hạn chế nhất định. Cụ thể, theo yêu cầu người được đào tạo phải có hộ khẩu TPHCM, làm việc tại cơ quan TPHCM và khi học xong về phải phục vụ dưới sự phân công của TP. Yêu cầu này người trí thức cảm thấy mình bị xúc phạm!

Do vậy, cần bỏ hẳn quy định này. TS Nguyễn Quốc Bình, Phó GĐ Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM (Việt kiều Canada) bổ sung: Chương trình đào tạo của TP còn chưa tốt ở chỗ không thể đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong lĩnh vực khoa học công nghệ rồi đặt họ vào vị trí quản lý. Tiến sĩ là để làm nghiên cứu chứ không phải để làm quản lý. Nếu cần người quản lý thì phải đào tạo chương trình MBA. Hiện TP đang rất thiếu đội ngũ này và phải được đào tạo bài bản chứ không làm theo kiểu như trước giờ. Nói chung, chính sách đào tạo nhân sự phải phù hợp với nhu cầu. Và, người “đầu đàn” phải là người giỏi họ mới tìm ra người giỏi để đào tạo.

Một đại diện Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TPHCM cho rằng: Đội ngũ tri thức trong một số ngành đầu đàn còn thiếu nhưng lực lượng các nhà khoa học ở TPHCM khá đông đảo. Vấn đề là sử dụng như thế nào? Ngoài việc đặt hàng cho các nhà khoa học một cách cụ thể thì TP còn phải lắng nghe lực lượng này đóng góp ý kiến. “Đội ngũ tri thức như cây trái chín rồi, không lo sử dụng mà cứ đi “trồng” cây mới. “Trồng” mới là việc cần phải làm nhưng phải tận dụng đội ngũ. Có vẻ TP còn lúng túng trong việc đề ra chính sách thu hút, quy tụ đội ngũ trí thức, nhân tài”, vị đại diện này nói.

Hướng đến trả lương theo thỏa thuận

Phó GS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó GĐ Sở Y tế TPHCM thẳng thắn: Nhu cầu nhân lực cho TPHCM đang rất cấp thiết. TPHCM như là “cái túi” hút nhân tài, vì hầu hết sinh viên ra trường đều ở lại TP nhưng TP lại chưa tận dụng được lợi thế này, chưa sử dụng hết khả năng của lực lượng tri thức. Không thể đòi hỏi người ta hy sinh mãi với đồng lương quá thấp như vậy được mà phải có biện pháp cấp bách, điều tiết lại cho phù hợp hơn.

Ngoài ra, ông Nguyễn Trí Dũng, GĐ Công ty Công nghệ cao Minh Trân nhận định: Trí thức TP hiện còn phân tán. Do vậy, cần phải tập hợp họ lại bằng cách gắn với công trình nghiên cứu tư duy cao, nếu không nguồn chất xám này sẽ lãng phí. Trên cơ sở đó, các vấn đề lớn của TP nên giải quyết bằng cơ sở điều tra khoa học, từ các công trình nghiên cứu trên, chứ không nên giải quyết bằng cảm tính (ví dụ vấn đề kẹt xe).

Trước thực tế này, Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo nhìn nhận: TP có lực lượng khoa học đa dạng, được đào tạo từ nhiều nguồn, có nhiều tâm huyết đóng góp nhưng vẫn còn hạn chế nhất định, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Hiện thành phố đang có chương trình đầu tư cho tri thức, nhưng kinh phí mỗi năm chưa đến 2% ngân sách, con số còn quá khiêm tốn nên sẽ được điều chỉnh tăng nhiều hơn.

Ngoài ra, Phó ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phạm Đức Hải cũng cho biết đã yêu cầu các sở, ngành đến tháng 6-2009 phải báo cáo các chính sách, cơ chế thu hút, sử dụng người tài, trả lương theo thỏa thuận. Những việc nào quá tầm thì kiến nghị Trung ương giải quyết. Yêu cầu đặt ra là các sở, ngành phải đề xuất chính sách thu hút, tạo môi trường để đội ngũ trí thức phát huy tốt nhất khả năng và họ “sống” được.

Cụ thể sẽ có chính sách chung điều chỉnh cho hợp lý đồng lương quá thấp như hiện nay; chính sách cho tri thức trẻ; cho nhóm người hết tuổi lao động nhưng vẫn còn mong muốn đóng góp, cống hiến; chính sách cho Việt kiều và cho nhóm những người sẽ trở thành trí thức. Về cơ chế thực hiện, không chỉ mỗi một mình Nhà nước thực hiện mà còn kêu gọi sự hợp tác, tham gia của doanh nghiệp, trường học và thậm chí là người dân.

Giảng viên trẻ Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM Nguyễn Tuyết Phương có cái nhìn khác: Một khi đã chọn lĩnh vực nghiên cứu thì họ chấp nhận một đời sống kinh tế thấp hơn một chút. Nhưng quan trọng là có được môi trường làm việc, được tạo điều kiện để phát huy hết khả năng của mình. Trong điều kiện lương “ba cọc, ba đồng” mà lại không có được môi trường làm việc thuận lợi thì khó thể thu hút được người tài. Vì vậy, nên chăng có sự hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp cho đội ngũ tri thức. Suy cho cùng sự phát triển của khoa học công nghệ để tạo được những ứng dụng cũng là để hỗ trợ trực tiếp cho sự phát triển kinh tế.

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục