Cõng nước tưới cà phê

Bước vào vụ mùa 2008, hàng ngàn hộ dân, hàng ngàn héc ta cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên “đói” nước. Để cứu cà phê, người trồng cà phê ngày đêm khơi dòng, chặn suối, đào giếng. Cách nào cũng được, … miễn là có nước.
Cõng nước tưới cà phê

Bước vào vụ mùa 2008, hàng ngàn hộ dân, hàng ngàn héc ta cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên “đói” nước. Để cứu cà phê, người trồng cà phê ngày đêm khơi dòng, chặn suối, đào giếng. Cách nào cũng được, … miễn là có nước.

Cà phê uống “nước mắt”

Cõng nước tưới cà phê ảnh 1

Mương nước tưới cà phê ở Ia Sao gần khô cạn

Đến Gia Lai, Đak Lak hay một số vùng của tỉnh Kon Tum những ngày này, gặp ai cũng đều nghe họ nói đến chuyện tưới cà phê... Đâu cũng bắt gặp những gương mặt hốc hác, những đôi mắt trũng sâu, thâm quầng…, hậu quả của những đêm, ngày “đua sức” cõng nước tưới cà phê.

Người trồng ở gần nguồn nước thì tiền công và tiền xăng, dầu cho một lần tưới tốn 2 – 3 triệu đồng, trong khi đó những gia đình trồng xa nguồn nước thì giá cả lên đến 5 –7 triệu đồng, thậm chí cả chục triệu. Nhiều người không tiền, đành phải “trông cậy” vào ông trời mưa.

Cùng anh Nguyễn Văn Tiến ở Ia Sao, Gia Lai đi qua mấy rẫy cà phê đang trổ hoa trắng xóa, chúng tôi đến một đoạn suối nhỏ, dài chỉ gần 100m mà có đến hơn 10 máy bơm đang rú ga “hết tiếng” tranh nhau từng giọt nước. Trên lưng chừng đồi, chỉ một cái giếng đào nho nhỏ nhưng có đến 3 máy bơm đang thay người ngày đêm “còng lưng” mà cõng nước tưới cho cây cà phê… Theo anh Tiến, cây cà phê vào mùa ra hoa và kết trái, cần lượng nước rất lớn, đất phải đủ ẩm thì hoa mới ra nhiều và đậu trái, trái không rụng. Một vụ cà phê, nếu gặp tiết trời hay mưa to thì chỉ cần tưới 3-4 đợt, còn không thì phải tưới đến 5-6 đợt.

Trong các công việc của người trồng cà phê, vất vả nhất và “mất tiền” nhiều nhất là tưới nước. Tưới nước cũng rất nhiều công đoạn. Công đoạn thứ nhất là kéo ống dẫn nước, kéo máy nổ xuống, đưa ống nước đến từng gốc cây cà phê; đến công đoạn thứ hai là nổ máy tưới nước, tưới cả ngày, cả đêm, hết cây này, đến cây khác và cứ thế chuyền ống nước hết cả mấy héc ta cây trồng là “công đoạn” vất vả nhất (một héc ta cà phê tưới chừng 3 ngày đêm). Tưới nước xong, lại kéo máy lên, cuốn dây lại và thu hồi về…

Bán đất lấy tiền “mua” nước

Cõng nước tưới cà phê ảnh 2

Người dân Đăk Hà (Kon Tum) đào mương dẫn nước tưới cà phê

Hơn chục năm về trước, khi việc trồng cây cà phê mới chỉ là khởi điểm, người dân chủ yếu trồng cà phê xung quanh các triền đồi và hai bên các con sông, con suối nên việc tưới cà phê mùa khô thật đơn giản, vì chỉ cần 2 - 3 cuộn dây là tưới thoải mái. Còn hiện nay …

Ở một rẫy cà phê cách trung tâm huyện Chư Sê khoảng 30km, ông Rơ Lan Nhĩnl buồn rầu kể: Gia đình ông có 3ha cà phê đã 7 năm tuổi, năm vừa rồi do không đủ nước tưới, quả non bị rụng, mất mùa nên chỉ thu hoạch được 17 tấn quả tươi. Được giá, nhưng bán rồi tính chi phí các khoản cũng không còn đồng nào.

Bước vào vụ mùa 2008, giá cả các mặt hàng chi phí cho cây cà phê tăng quá cao, không có tiền “tái sản xuất”, gia đình ông đành ngậm ngùi bán bớt đi 1ha… để có nước tưới càphê năm nay. Gia đình ông đã thuê máy xúc đào rộng hố chứa nước ở dưới chân rẫy, mất 15 triệu đồng nhưng cũng không đủ nước để tưới…

Đến nay, đa số các hộ trồng cà phê nơi đây đã tưới 2 đợt (một mùa cà phê phải tưới 4-6 đợt). Những gia đình nào thuê người tưới, tiền bỏ ra cho một héc ta cà phê lên tới 20 -25 triệu đồng. Chi phí toàn bộ từ nước tưới, phân bón, tạo dáng, cắt cành, ép xanh… cũng mất 30 - 50 triệu đồng/ha.

Tại vùng phía Bắc của huyện Chư Prông và một số địa phương xung quanh thị trấn Chư Prông, Chư Pãh (Gia Lai); vùng Đăk Hà, Đăk Tô của tỉnh Kon Tum và một số huyện như Ea Ka, Ma Đrak… của tỉnh Đak Lak, những hộ dân trồng cà phê ở xa nguồn nước đành phải bán một diện tích đất không nhỏ để đào giếng lấy nước, tưới cà phê... nhưng vẫn không đủ nước tưới.

Chưa hết, vì nước tưới cà phê, nhiều người trồng cà phê còn ứng trước tiền của các “chủ thầu”. Với họ mùa cà phê sau có trả được nợ hay không vẫn là một câu hỏi canh cánh trong lòng. 

Ái Hàn

Tin cùng chuyên mục