Người dân có nhà dưới đường dây điện cao áp

Được bồi thường, giải quyết quyền lợi

Được bồi thường, giải quyết quyền lợi

Báo SGGP ra ngày 31-3-2008 có đăng bài “Nhà dân nằm dưới đường dây điện trung, cao thế - Thiệt hại ai giải quyết?”. Để làm rõ trách nhiệm của ngành điện trong việc giải quyết quyền lợi cho người dân, phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Trần Văn Hòa, Phó Trưởng phòng Quản lý Điện năng Sở Công nghiệp TPHCM.

-  PV:
Xin ông cho biết, trường hợp nào ngành điện được miễn trách nhiệm giải tỏa, di dời nhà dân nằm bên dưới đường dây điện cao áp?

- Ông TRẦN VĂN HÒA:
Hiện nay, Điều 51 Luật Điện lực không cho phép tồn tại nhà ở và công trình có người thường xuyên sinh sống, làm việc trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện (HLBVATĐDDĐ) trên không có điện áp từ 500kV trở lên, trừ những công trình chuyên ngành phục vụ vận hành lưới điện đó. Riêng HLBVATĐDDĐ cao áp trên không, có mức điện áp đến 220kV thì nhà cửa, công trình được phép tồn tại, xây dựng mới, cơi nới, cải tạo nhưng phải tuân thủ các quy định hiện hành về an toàn.

Được bồi thường, giải quyết quyền lợi ảnh 1

Trường hợp trồng trụ điện, kéo dây điện qua nhà dân như thế này buộc phải có giấy ưng thuận của chủ nhà (ảnh chụp trên đường Trần Não Q2 TPHCM).Ảnh: Song Pha

- Những căn nhà được phép tồn tại trong HLBVATĐDDĐ thì cần tuân thủ những nguyên tắc nào để không gây nguy hiểm tính mạng?

- Điều kiện để nhà ở, công trình được tồn tại trong HLBVATĐDDĐ cao áp đến 220kV là mái lợp và tường bao phải làm bằng vật liệu không cháy. Nếu được làm bằng kim loại phải nối đất theo quy định về kỹ thuật nối đất, không gây cản trở đường ra vào để kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế các bộ phận công trình lưới điện cao áp, khoảng cách từ bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình đến dây dẫn gần nhất khi dây ở trạng thái tĩnh không được nhỏ hơn khoảng cách quy định (đối với điện áp đến 35kV thì khoảng cách không nhỏ hơn 3m, điện áp từ 66 đến 110kV thì khoảng cách không nhỏ hơn 4m và điện áp 220kV thì khoảng cách không nhỏ hơn 6m). Cường độ điện trường (do dây điện cao thế phát ra) phải nhỏ hơn hoặc bằng 5kV/m tại điểm bất kỳ ở ngoài nhà cách mặt đất 1m và nhỏ hơn hoặc bằng 1kV/m tại điểm bất kỳ ở bên trong nhà cách mặt đất 1m.

- Nhà dân ở dưới đường dây điện bị hạn chế phần sử dụng sẽ được tính đền bù, hỗ trợ ra sao?

- Việc trồng trụ điện vào đất thuộc quyền sử dụng của công dân, hay kéo dây qua nhà dân làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân cần phải có giấy ưng thuận và đền bù thỏa đáng phần hạn chế sử dụng của chủ tài sản. Việc bồi thường, hỗ trợ di dời nhà ở công trình được quy định như sau:

Đối với nhà ở, công trình xây dựng hợp pháp trước khi xây dựng đường dây dẫn điện trên không nếu chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định như trên đã nói thì chủ đầu tư xây dựng công trình lưới điện cao áp chịu kinh phí và tổ chức thực hiện việc cải tạo nhằm thỏa mãn các điều kiện đó. Trường hợp công trình chỉ bị phá dỡ một phần mà phần còn lại vẫn tồn tại, sử dụng được và đáp ứng được các điều kiện theo quy định thì được bồi thường phần giá trị nhà, công trình bị phá dỡ và chi phí cải tạo hoàn thiện lại nhà. Chủ đầu tư xây dựng công trình lưới điện cao áp có trách nhiệm chi trả bồi thường cho phần bị phá dỡ đó. Trường hợp không thể cải tạo được để đáp ứng điều kiện nêu trên mà phải dỡ bỏ hoặc di dời thì được bồi thường về nhà, công trình và hỗ trợ để di dời theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Cụ thể, theo Điều 16 Quyết định số 106/2005/QĐ-UB của UBND TPHCM khi HLBVATĐDDĐ cao áp chiếm dụng khoảng không lớn hơn 70% diện tích đất khuôn viên nhà thì phần diện tích đất còn lại cũng được bồi thường hoặc diện tích đất còn lại nhỏ, việc cải tạo, cơi nới không hiệu quả, hình dáng kích thước không phù hợp để xây dựng, nâng tầng thì cũng được tính bồi thường toàn bộ diện tích. Trường hợp nhà ở, công trình có trước khi xây dựng đường dây dẫn điện cao áp và các tài sản khác được tồn tại trong hành lang, không bị thiệt hại nhưng bị hạn chế khả năng sử dụng thì được hỗ trợ.

- Người dân phải đến đâu để khiếu nại nếu thấy ngành điện chưa giải quyết thỏa đáng quyền lợi của mình?

- Hiện nay TP có thành lập Ban Chỉ đạo bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp. Sở Công nghiệp là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo, các sở, ngành liên quan và UBND các quận - huyện là thành viên của Ban chỉ đạo. Do đó, nếu việc giải quyết của ngành điện chưa thỏa đáng thì người dân có thể liên hệ hoặc nộp đơn đến Sở Công nghiệp (địa chỉ số 163 đường Hai Bà Trưng, P6, Q3) để yêu cầu nơi đây bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình hoặc khởi kiện tại tòa án.

- Xin cảm ơn ông. 

TRẦN THANH (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục