Hội thảo về hôn nhân Việt - Hàn

Ảo tưởng về một cuộc sống an nhàn

Trước diễn biến phức tạp của việc phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, đặc biệt là thông tin xấu của một số cuộc hôn nhân giữa cô dâu Việt Nam và chồng Hàn Quốc, ngày 4-4 tại Hà Nội, Trung tâm Văn hóa giáo dục tổng hợp Thanh thiếu niên thuộc Trung ương Đoàn phối hợp với Trung tâm Giao lưu văn hóa và hợp tác phát triển nguồn nhân lực Việt-Hàn đã tổ chức hội thảo xoay quanh vấn đề này.

Ảo tưởng về một cuộc sống an nhàn

Theo bà Ngô Thị Trinh, Giám đốc Trung tâm Giao lưu văn hóa và hợp tác phát triển nguồn nhân lực Việt-Hàn, từ năm 2001 đến nay, hôn nhân Việt- Hàn đã bùng nổ và có xu hướng gia tăng, hiện nay đã có 25.000 vụ kết hôn. Các vụ kết hôn ban đầu diễn ra ở các tỉnh, TP ở miền Tây Nam bộ như An Giang, Cần Thơ, Tây Ninh, Đồng Tháp, tập trung vào đối tượng phụ nữ trẻ, học vấn thấp, đa số là nông dân, lấy chồng nhiều hơn 10 đến 15 tuổi.

Trong vòng 3 năm trở lại đây, xu hướng lấy chồng Hàn Quốc gia tăng ở các tỉnh, TP miền Bắc như Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên… Tỷ lệ các cuộc hôn nhân với người Hàn Quốc qua môi giới chiếm gần 70% cho nên các bên đều thiếu thông tin hoặc thông tin sai lệch về nhau. Chính vì vậy, có đến 40%-50% các gia đình Việt- Hàn rạn nứt, đổ vỡ, bất hạnh…

Các cô gái lấy chồng Hàn Quốc phần lớn đều ngộ nhận về một tương lai tươi sáng dù rằng chưa hề biết gì về gia cảnh người đàn ông mà họ sẽ trao thân gửi phận- bà Phạm Minh Tâm, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật của Hội LHPN Hải Phòng, một trong những địa phương có số phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc tăng vọt trong thời gian qua, tâm sự.

Theo bà, thậm chí nhiều bạn trẻ còn cho rằng phụ nữ ít học, không có việc làm thì lấy chồng nước ngoài là lối thoát duy nhất vì vừa đỡ khổ lại vừa có tiền giúp đỡ cha mẹ… Lại có không ít trường hợp chạy theo “mốt”, quyết tâm lấy cho được chồng ngoại quốc để “bằng chị bằng em”… Chính vì những suy nghĩ sai lầm, ảo tưởng này mà hàng loạt vụ môi giới hôn nhân giữa cô dâu Việt và chú rể Hàn đã được tiến hành một cách chóng vánh.

Giải pháp là sự chung tay của nhiều ban ngành

Giải pháp đầu tiên được đưa ra là thành lập các trung tâm tư vấn cung cấp thông tin đầy đủ và chi tiết về những vướng mắc, trở ngại sẽ gặp phải về mặt ngôn ngữ, văn hóa. Thậm chí nhiều người còn đưa ra các biện pháp có tính bắt buộc như quy định rõ trình độ ngôn ngữ nhất định của người chuẩn bị kết hôn và nhất thiết phải qua một lớp học ngắn hạn về luật pháp, văn hóa, phong tục của đất nước mà người phụ nữ đến làm dâu.

Chỉ khi nào cô gái có đủ các điều kiện cần thiết theo quy định thì Sở Tư pháp mới chứng nhận kết hôn. Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chị em là công việc không chỉ riêng với Hội LHPN, Đoàn TNCS mà nhiều tổ chức, đoàn thể cũng cần tham gia.

Cùng quan điểm này, ông Lee Young Ju - Trưởng nhóm Phúc lợi xã hội, Quỹ Viện trợ Hàn Quốc cho rằng giải pháp để giải quyết sự xa lạ về ngôn ngữ, văn hóa mà các cô dâu Việt Nam gặp phải là giúp họ tham gia vào các dự án, các khóa học miễn phí về Hàn Quốc. Song về lâu dài, ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp Bộ Tư pháp, cho rằng  hai nước cần ký kết Hiệp định Tương trợ Tư pháp trong lĩnh vực hình sự, dân sự và hôn nhân, gia đình. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ, giúp công dân Việt Nam trang bị những kiến thức cơ bản về ngôn ngữ, lối sống, phong tục, tập quán Hàn Quốc…

Cũng rất cần quan tâm đến việc phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, đảm bảo cuộc sống của chị em, đặc biệt là đối với chị em vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và số chị em có hoàn cảnh hôn nhân bất hạnh. Chỉ với các giải pháp đồng bộ, mới có thể hy vọng tránh được những rủi ro đáng tiếc do hôn nhân quốc tế gây ra.

Mai An

Tin cùng chuyên mục