Ai đẩy trẻ ra đường?

Thành lập Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam
Ai đẩy trẻ ra đường?

Theo thống kê của ngành chức năng, số trẻ em bị xâm hại tại Hà Nội và TPHCM có chiều hướng giảm nhưng mức độ vụ việc thì ngày càng nguy hại và phức tạp. Nhiều em đã phải mang thương tật suốt đời cả về tinh thần và thể xác.

Xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng

Ai đẩy trẻ ra đường? ảnh 1

Bốn cháu bé bị Trương Văn Hùng và Trần Thị Phượng biến thành công cụ kinh doanh. Vụ việc được Công an phường 4, quận.5, TP.HCM phát hiện ngày 10-1-2008

Theo kết quả thanh tra của Bộ LĐ-TBXH, tại Hà Nội, 3 năm qua đã có 450 vụ xâm hại trẻ em bị khởi tố hình sự. Trong đó, số vụ bị xâm hại tình dục là 66, số vụ gây thương tích cho trẻ là 40. Điển hình là vụ ngược đãi em Nguyễn Thị Bình, giúp việc cho gia đình Chu Văn Đức và Trịnh Thị Hạnh Phương, cư trú tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Em bị 2 vợ chồng nhà này hành hạ suốt 13 năm trời và chỉ được giải thoát nhờ những người hàng xóm tốt bụng lên kế hoạch cho em chạy trốn.

Trong khi đó, tại TP HCM, 3 năm qua cũng có hơn 200 vụ trẻ bị xâm hại, trong đó xâm hại tình dục là 78 em. Riêng trong năm 2007, TPHCM xảy ra 3 vụ ngược đãi đặc biệt nghiêm trọng đối với trẻ em liên quan đến lao động trẻ em. Cụ thể vụ bà Hồ Thị Ba, sinh năm 1951, cư trú tại phường 2, quận 10, đã cố ý gây thương tích cho cháu Hồ Thị Bông, 9 tuổi.

Theo hồ sơ của cơ quan điều tra thì đối tượng Ba sử dụng cháu Bông đi ăn xin và đã nhiều lần hành hạ cháu Bông, độc ác nhất là lần bà Ba dùng dây dù trói tay chân và lấy ấm đun nước đang sôi ném vào đầu cháu Bông, khiến cháu bị bỏng 12% cơ thể.

Kế đó là vụ Nguyễn Thị Ngọc ở Quảng Lợi, Quảng Xương, Thanh Hóa, thường trú tại phường 5, quận 8 thuê 3 em (đều quê huyện Quảng Xương-Thanh Hóa) có độ tuổi từ 12-14 đi ăn xin. Nhiều lần đối tượng Ngọc đã cùng đồng bọn dùng roi sắt hành hạ mỗi khi các em đi ăn xin không đủ số tiền quy định.

Trong quá trình điều tra, cơ quan công an  cũng phát hiện Đỗ Văn Xuyên, quê Quảng Lĩnh, Quảng Xương, Thanh Hóa, thuê 6 em (quê Quảng Xương, Thanh Hóa) có độ tuổi từ 14 - 17 đi ăn xin. Vụ thứ 3 liên quan đến đối tượng Trương Văn Hùng, sinh năm 1965 và Trần Thị Phượng sinh năm 1957 cư trú tại phường 16, quận 4 đã có hành vi bắt 4 trẻ em từ 6 đến 8 tuổi đi bán hoa tươi và kẹo cao su cho các quán nhậu đến 2-3g sáng, nếu không bán được 100.000đ/ngày, các cháu bị đánh đập và không cho ăn, bắt ngủ ở vỉa hè.

Điều đáng nói là sau khi công an vào cuộc, tìm được gia đình 4 cháu bé và bàn giao các cháu cho gia đình đã phát hiện ra một sư thật đau lòng: bố, mẹ 4 cháu bé đã nhận tiền và đồng ý giao con cho Trương Văn Hùng để đi bán hàng ban đêm.

Cần có khung hình phạt nghiêm khắc hơn

Ai đẩy trẻ ra đường? ảnh 2

Vợ chồng “chăn dắt” trẻ em Trương Văn Hùng và Trần Thị Phượng bị Công an phường 4, quận 5 mời về trụ sở vào tháng 1-2008. Ảnh: HẢI MINH

Theo Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, tại Hà Nội, hiện tổng số trẻ em từ 6 đến 16 tuổi phải lao động sớm là 352, nữ chiếm 74%. Trong đó, 167 em làm giúp việc trong các gia đình, 116 em làm việc trong các nhà hàng, cơ sở dịch vụ, 15 em trong các cơ sở sản xuất, 44 em làm các công việc khác...

Còn tại TP HCM, có 750 lao động trẻ em, chuyên đi bán vé số, phụ hồ với mức thu nhập chỉ từ 300.000 đến 700.000đ/tháng. Với số trẻ em này, nguy cơ xâm hại các em luôn rình rập. Thực tế cũng cho thấy, số vụ xâm hại trẻ em, trong đó có xâm hại tình dục còn nhiều, tính chất ngày càng phức tạp, đa dạng, nguy hiểm.

Là người trực tiếp tham gia khảo sát, thanh tra về vấn đề trẻ em bị xâm hại, bà Ninh Thị Hồng, Phó Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TBXH nêu một thực tế: Nhận thức của một bộ phận nhân dân chưa thấy hết được nguy cơ, tác hại của việc trẻ em bỏ nhà đi lang thang kiếm sống, trẻ em lao động sớm nên vẫn chấp nhận cho con đi lang thang kiếm sống, khiến các em dễ bị xâm hại. Thậm chí nhận tiền để người khác dắt díu con em mình đi lang thang. Trong khi bản thân các em chưa có nhận thức đầy đủ hậu quả lâu dài trong việc đi lang thang, chưa có ý thức phòng ngừa, chưa có các kỹ năng giao tiếp xã hội cần thiết để tự bảo vệ mình nên dễ bị rủ rê, lôi kéo, dễ bị lạm dụng và sa vào các tệ nạn xã hội.

Rõ ràng, một trong những nguyên nhân dẫn đến trẻ em bị xâm hại, đó là do các em bị cha mẹ, người thân đẩy ra đường. Họ, vì lý do cuộc sống khó khăn, đã sẵn sàng dứt bỏ tình cảm và trách nhiệm của mình, khiến các em phải đối mặt với nguy cơ bị xâm hại.

Bởi vậy, trong nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng trẻ em bị xâm hại, Bộ LĐ-TBXH, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em đã kiến nghị Chính phủ sớm có biện pháp xử phạt nghiêm khắc đối với các trường hợp cha, mẹ “bán” con cái cũng như các trường hợp bảo kê, chăn dắt nhóm trẻ em.  

Thành lập Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam

Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam vừa được Bộ Nội vụ ký quyết định thành lập. Theo đó, hội ra đời sẽ là nơi tập hợp những người có chung mục tiêu làm những gì tốt nhất để bảo vệ quyền trẻ em, dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất.

L.NGUYÊN 

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục