Đã tìm được họ hàng của cụ rùa Hồ Gươm?

Đã tìm được họ hàng của cụ rùa Hồ Gươm?

Hãng AP vừa đưa tin, các nhà nghiên cứu đến từ vườn thú Cleveland Metroparks Zoo vừa phát hiện ra một cụ rùa khổng lồ hiếm hoi ở miền Bắc Việt Nam. Tin cho biết, cụ rùa mới được tìm thấy có mai mềm, cùng loài với cụ rùa Hồ Gươm. Thông tin này đang gây xôn xao dư luận ở Hà Nội. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Hà Đình Đức, chuyên gia về rùa Hồ Gươm. Ông Đức cho biết:

Đã tìm được họ hàng của cụ rùa Hồ Gươm? ảnh 1

Cụ rùa Hồ Gươm.

Tôi cũng biết thông tin này qua báo chí. Ngay sau khi báo đăng, nhiều hãng thông tấn lớn của nước ngoài như Reuters, DAP, AFP, BBC có liên lạc với tôi để hỏi về vấn đề này. Tôi cho rằng, tin tìm được họ hàng của cụ rùa Hồ Gươm mới chỉ là tin thông thường, chưa được kiểm chứng bằng các cứ liệu khoa học. Nếu muốn biết loài rùa này có cùng loài, là họ hàng hay không thì ít nhất phải có mẫu vật, hoặc hình ảnh biểu hiện hình thái bên ngoài rõ ràng để so sánh. Cao hơn nữa là phải thông qua giám định ADN để chứng minh bằng khoa học.

- PV:
Vậy theo nghiên cứu của ông, cụ rùa Hồ Gươm thuộc loài nào?

- PGS-TS HÀ ĐÌNH ĐỨC:
Vào thập kỷ 60-70 của thế kỷ trước, nhiều nhà khoa học cho rằng rùa Hồ Gươm là loài giải, tên khoa học là Pelochelys bibronii. Sau đó, Sách đỏ năm 1992 cũng khẳng định điều này. Tháng 4-1995, ông Peter Pritchard, Giám đốc Viện Nghiên cứu rùa Florida (Hoa Kỳ) đã sang Việt Nam làm việc với tôi, cùng quan sát tiêu bản rùa ở đền Ngọc Sơn và cụ rùa sống ở Hồ Gươm. Sau khi về nước, ông này có gửi thư cho tôi khẳng định đây không phải là loài giải Pelochelys bibronii, mà là loài Rafetus swinhoei, hoặc là một loài rùa mới.

Sau này, Chương trình hành động bảo vệ rùa thế giới cũng khẳng định, loài giải Pelochelys bibronii chỉ có ở New Zealand, không có ở lục địa Đông Nam Á. Ở Đông Nam Á chỉ có loài Pelochelys cantorii. Sau khi nghiên cứu và trao đổi với nhiều chuyên gia về rùa trên thế giới (GS Kraig Adler, Đại học Cornell Hoa Kỳ; bà Yongzou, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Thượng Hải, Trung Quốc…), so sánh loài Rafetus swinhoei với rùa Hồ Gươm, tôi thấy hoàn toàn khác nhau về hình thái. Do vậy, tôi đã mô tả rùa Hồ Gươm là một loài rùa mới cho khoa học nghiên cứu, đặt tên là Rafetus leloii, công bố trên Tạp chí Khảo cổ học của Viện Khảo cổ Việt Nam vào tháng 4-2000.

- Như vậy, rất có thể loài rùa mà tổ chức Cleveland Metroparks Zoo phát hiện có họ hàng với loài rùa Hồ Gươm, thưa ông?

- Việc phát hiện ra loài rùa khổng lồ mai mềm ở miền Bắc là điều lý thú, nhưng khẳng định là họ hàng với rùa Hồ Gươm thì chưa thuyết phục về mặt khoa học. Tôi cho rằng các nhà khoa học mới tìm ra loài rùa trên cần sớm cung cấp mẫu vật và ảnh để so sánh.

- Cách đây ít lâu, ông và Viện Công nghệ sinh học (thuộc Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) đã tiến hành tìm kiếm mẫu vật một loài rùa lớn ở Thanh Hóa để so sánh với rùa Hồ Gươm, đến nay kết quả ra sao?

- Theo tôi vừa được biết, kết quả phân tích ADN của Viện Công nghệ sinh học cho thấy, gien của mẫu vật (5 sọ rùa mai mềm khổng lồ) mà chúng tôi tìm được ở xã Quảng Phú, Thọ Xuân, Thanh Hóa trùng khớp với gien của rùa Hồ Gươm. Và đây là loài rùa mới, khác với các loài rùa, giải trên thế giới.

- Rùa Hồ Gươm liên quan đến giai thoại vua Lê trả gươm báu, mà nơi khởi phát của vua Lê là ở Thanh Hóa. Kết quả giám định trên nói lên điều gì, thưa ông?

- Năm 1997, tôi đưa ra giả thiết: cụ rùa Hồ Gươm phải chăng do chính vua Lê thả. Nghiên cứu các tài liệu lịch sử, tôi thấy rằng chỉ đến thời Lê Lợi mới nhắc đến có rùa ở hồ Lục Thủy (hồ Gươm ngày nay). Việc vua Lê trả gươm báu ở Hà Nội có thể chỉ là hình thức thông báo cho toàn dân biết việc nhà vua trả linh khí cho rùa thần.

Trước đó, loài rùa này đã được đưa từ Thanh Hóa ra. Nếu loài rùa này ở Hà Nội thì các hồ khác cũng phải có. Nhưng trên thực tế thì đến nay chỉ mới thấy có ở Hồ Gươm, còn các hồ khác như hồ Tây thì chưa thấy rùa khổng lồ bao giờ. Kết quả phân tích ADN góp phần làm tăng tính thuyết phục cho giả thiết này của tôi.

- Xin cảm ơn ông!

THẾ KHANG

Tin cùng chuyên mục