Bảy năm... không đường đi

Bảy năm... không đường đi

Tại ấp Mỹ An, xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang suốt 7 năm qua, hàng chục hộ dân ở đây không có đường bộ để đi.

Theo nội dung kiến nghị của chục người dân đại diện cho hơn 40 hộ ở ngọn rạch Chín Chủ: Vào năm 2001, UBND xã Mỹ Lợi A và cán bộ ấp Mỹ An triển khai chủ trương làm ô đê bao khép kín để bảo vệ vườn cây ăn trái, kết hợp với xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn.

Bảy năm... không đường đi ảnh 1

Năm 2002, đoàn cán bộ của huyện, tỉnh đến địa bàn khảo sát để quy hoạch làm hai khu dân cư: Khu thứ nhất từ vàm Đất Sét trổ ra đến vàm Chín Chủ; khu thứ hai từ phía Đông vàm Chín Chủ làm trở vào rạch Lâm Đồng. Nhưng sau đó, trong đợt khảo sát khác, đoàn khảo sát lại chừa con rạch Chín Chủ ra nên các hộ dân ở trong ngọn rạch này không có đường đi, mặc dù ô đê bao hai con rạch đã được làm.

Không mở đường ở rạch Chín Chủ (vốn có từ lâu đời) là do 5 hộ dân ở hai bên con rạch không đồng ý. Trong 5 hộ dân sở hữu dọc theo con rạch Chín Chủ dài khoảng 500m có bà Nguyễn Xuân Đào (vợ ông Bí thư Đảng ủy xã) và 2 người con rể.

Hiện bà Đào sở hữu phần đất ở đoạn giữa rạch có chiều dài khoảng 120m, 2 người con rể sở hữu phần đất ở đoạn cuối rạch dài khoảng 120m nhưng lại nằm ở 2 bên rạch nên không cho làm. Điều bất hợp lý ở đây là hàng năm, hơn 40 hộ dân ở trong ngọn rạch Chín Chủ vẫn đóng tiền làm đường theo lời hứa của UBND xã là sẽ mở đường Chín Chủ.

Như vậy, từ đó đến nay, con đường bộ để đi của hơn 40 hộ dân trong ngọn rạch Chín Chủ vẫn chỉ là... mơ ước! Việc đi lại, vận chuyển hàng hóa… đành phải sử dụng xuồng. Thế nhưng, do hai bên rạch là cây ăn trái, cây hoang mọc đầy, thậm chí những cây gừa mọc dưới lòng rạch rậm rạp nhưng khi bà con “xin dọn dẹp” để đi xuồng cho thuận lợi thì bà Đào cũng không cho!?

Cái khó trong chuyện đi lại của bà con đã đành, việc đi học của các em học sinh ở đây càng khó hơn. Do đưa rước các em bằng xuồng mất quá nhiều công sức nên nhiều gia đình đành cho con nghỉ học.

Mỗi năm, khi học sinh lên học bậc THCS hoặc THPT thì sẽ có ít nhất 5 em nghỉ học vì cha mẹ không đủ điều kiện đưa rước; mặt khác, nếu để các em chạy vòng ra QL1A đến trường học (xã An Thái Trung) thì nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông là rất cao.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Chi bộ ấp Mỹ An (xã Mỹ Lợi A), cho biết: “Bà con trong ấp cũng như các xã giáp ranh như đều mong có được con đường dọc theo rạch Chín Chủ vì đây là đường đi ngắn nhất (khoảng 2km) để đi từ khu vực ở ngọn rạch ra trung tâm chợ An Hữu, các trường tập trung ở xã An Thái Trung. Hiện nay, bà con phải đi đường vòng (mất khoảng 4km) ra Ql1A mới đến được chợ, trường học. Hơn 7 năm nay, cuộc họp nào chúng tôi cũng đề nghị UBND xã, huyện nhưng vẫn không thấy có kết quả”.

Theo ông Nguyễn Văn Lý (ngụ tổ 1, ấp Mỹ An, xã Mỹ Lợi), cựu chiến binh ấp, ông cùng các hộ dân làm đơn kiến nghị rất nhiều lần và có lần đã gặp Bí thư Huyện ủy Huỳnh Văn Phương nhưng rồi đến nay sự việc vẫn chưa có kết quả.

Được biết, một cán bộ về hưu từng công tác ở UBND xã, là đảng viên sinh hoạt ở chi bộ ấp Mỹ An đã xin không sinh hoạt Đảng vì cảm thấy có lỗi với bà con vì việc kiến nghị con đường không… thành công. 

Ông Phạm Văn Long (ấp Mỹ An) nói nghe mà xót xa: “Trong buổi hòa giải ở ấp về chuyện mở đường, con rể của bà Đào “đề nghị”, nếu mở đường thì phải bồi thường 5 triệu/đồng/m2 đất, tiền đâu mà chúng tôi đền!?

Hiện nay, tại địa phương ngoài chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, đã có nhiều hộ dân tình nguyện đóng góp mà không hề đòi hỏi bất cứ sự bồi thường nào. Như con đường liên 6 xã qua địa bàn 2 huyện Châu Thành và Cai Lậy có 285 hộ dân dọc theo tuyến tình nguyện hiến 45.000,5m2 đất xây dựng công trình; một hộ dân hiến 10.005m2 đất mặt tiền cặp QL1A trị giá gần 2 tỷ đồng để mở rộng Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh... Và còn rất nhiều hộ dân khác sẵn sàng đóng góp của cải để xây đường, trường học vì lẽ sống “mình vì mọi người”.

Vậy mà chuyện mở đường ở rạch Chín Chủ của xã Mỹ Lợi A lại có một vài cá nhân đáng lẽ phải đi đầu, gương mẫu trong việc thực hiện chủ trương mở đường theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” lại khăng khăng “ôm đất, đòi tiền”. Các hộ dân nơi đây càng bức xúc hơn khi câu trả lời của UBND xã về chuyện mở đường ở rạch Chín Chủ là không nhưng không đưa ra lý do.

NGUYỄN HỮU CHÍ

Tin cùng chuyên mục