Nhân ngày Dân số thế giới 11-7: Báo động đỏ về tăng dân số

Nhân ngày Dân số thế giới 11-7: Báo động đỏ về tăng dân số

Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng tăng dân số, sinh con thứ 3 và mất cân bằng giới tính. Nguyên nhân chính của tình trạng trên chính là công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) bị buông lỏng và tâm lý thích con trai vẫn rất nặng nề.

Kỷ luật cũng phải có con trai (!)

Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, mới hơn 8 giờ sáng nhưng trước cửa phòng khám thai đã đông nghịt sản phụ xếp hàng. Tại Khoa đẻ trên tầng 2, BS Đỗ Khắc Huỳnh, Trưởng khoa, vừa quệt mồ hôi vừa nói, từ đêm qua tới giờ có hơn 50 sản phụ sinh nở, trong đó có 5 ca sinh con thứ 3.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng bởi tiếng ai đó reo lên từ phía hành lang, nơi rất nhiều người nhà sản phụ đang ngóng chờ tin vui “Sinh rồi, con trai, ba cân bảy. Thế này bố nó có bị kỷ luật chắc vẫn… cười vui “.

Nhân ngày Dân số thế giới 11-7: Báo động đỏ về tăng dân số ảnh 1

Chờ khám thai tại BV phụ sản Trung ương. Ảnh: D.KHÁNH

BS Nguyễn Duy Ánh, Phó Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội cho biết, số người đến đẻ tại BV gần đây liên tục tăng cao, nếu như trước đây, trung bình một ngày tại khoa có từ 30- 40 ca sinh nở thì gần đây, ngày nào cũng xấp xỉ 70 người sinh con. Nhưng vấn đề đáng lo ngại hơn là có khá nhiều trường hợp sinh con thứ 3.

Trong khi đó, tại BV Phụ sản trung ương, TS Lê Hoài Chương, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp cho biết, cùng với số ca đẻ luôn tăng cao thì ngày nào tại viện cũng có vài trường hợp sinh con thứ 3.

Đối với nhiều người dân, tâm lý phải có con trai vẫn còn nặng nề. Một bộ phận cán bộ, công chức và gia đình có kinh tế khá lại nảy sinh tâm lý thích đông con cho… “vui cửa vui nhà” .

Anh N.H.L làm việc trong một doanh nghiệp lớn tại Hà Nội đưa vợ đi sinh tại BV Phụ sản trung ương nói thẳng: Trước đây, vợ chồng tôi cũng không nghĩ tới chuyện sinh con thứ 3 nhưng bây giờ khi kinh tế gia đình tốt hơn, quy định về sinh đẻ cũng thoáng hơn trước, có sinh con thứ 3 cũng không bị phạt nặng như trước đây nên vợ chồng tôi quyết định sinh thêm đứa nữa để kiếm thằng nối dõi.

Quá nhiều thách thức

Theo Tổng Cục dân số, kế hoạch hóa gia đình, đến thời điểm này quy mô dân số Việt Nam đã lên tới 86,5 triệu người. Đáng báo động là từ năm 2000 đến nay dân số có xu hướng tăng nhanh và tăng một cách vững chắc. Mỗi năm, dân số tăng thêm trên 1 triệu người, bằng dân số của một tỉnh trung bình.

Ông Nguyễn Bá Thủy, Thứ trưởng Bộ Y tế, Tổng Cục trưởng Dân số, kế hoạch hóa gia đình lo lắng cho biết, số trẻ sinh ra trong quý 1 năm nay tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, số con thứ 3 tăng 17%. Trong đó 16/64 tỉnh, thành phố có số sinh con thứ 3 tăng cao, điển hình là Sơn La tăng 57,7%, Bắc Ninh tăng 14,1%, Hải Dương tăng 13,8%.

Thực tế này đã kéo theo tình trạng mất cân bằng giới tính ở mức báo động đỏ. Cách đây 10 năm, tỷ lệ giới tính ở Việt Nam ngang bằng với mức độ trung bình của thế giới là cứ 100 bé gái thì có 105-107 bé trai, nhưng hiện nay, số lượng bé trai nhiều hơn bé gái, với tỷ lệ chênh lệch là 112/100, thậm chí có những địa phương tỷ lệ này lên hơn 120/100.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Thủy, dẫn đến tình trạng trên ngoài yếu tố tâm lý, tập quán đẻ nhiều, thích con trai thì nguyên nhân chính vẫn là công tác KHHGĐ ở nhiều địa phương bị buông. Trong 6 tháng đầu năm, số ca đặt vòng giảm gần 10%, số ca triệt sản giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số phụ nữ trong tuổi sinh đẻ tăng. Ước tính số phụ nữ đặt vòng trong 6 tháng đầu năm là 715.072 ca, giảm 76.880 ca so với cùng kỳ năm 2007.

Ông Thủy cũng đưa ra dự báo, dân số Việt Nam sẽ tăng tới hơn 88 triệu người vào năm 2010, với số phụ nữ trong độ tuổi sinh sản sẽ tăng lên 24 triệu và khoảng 1,2 triệu phụ nữ mang thai và sinh con mỗi năm, trong đó có khoảng 1/5 là các trường hợp sinh con thứ 3 trở lên.

Ông Trưởng đại diện Quỹ Dân số LHQ tại Việt Nam cho rằng, KHHGĐ là một vấn đề mấu chốt trong chiến lược dân số Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cần tăng cường vận động các nhà tài trợ và cam kết tài chính để bù đắp sự thiếu hụt 77,3 triệu USD (nguồn tài trợ cho các phương tiện tránh thai sẽ chấm dứt vào năm 2010) để có thể cung ứng hàng hóa phương tiện tránh thai cho tới 2015. Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông chuyển đổi hành vi và thu hút nam giới tham gia tích cực vào KHHGĐ.

Việt Nam hiện là nước đông dân đứng thứ 13 trên thế giới. Tuy nhiên, chỉ số phát triển con người và chất lượng dân số lại rất thấp, xếp thứ 108/177 nước và vùng lãnh thổ. Tuổi thọ trung bình tuy đã đạt đến 71,3 tuổi nhưng theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, tuổi thọ khỏe mạnh chỉ đạt 58,2 tuổi, xếp 116/177 nước và vùng lãnh thổ.

KHÁNH NGUYỄN


TPHCM phát động Tháng hành động Dân số - kế hoạch hóa gia đình
Đảm bảo đạt 50%-70% chỉ tiêu năm 2008

Phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Dân số thế giới (11-7) tổ chức tại TPHCM ngày 10-7, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng: Tình hình dân số TP 5 tháng đầu năm 2008 diễn biến phức tạp. Mức sinh và mức sinh con thứ 3 trở lên đã tăng trở lại. Tổng số trẻ sinh ra của 5 tháng đầu năm 2008 là 27.478 cháu (tăng 3.547 - 14,65% so với cùng kỳ), trong đó 1.012 cháu là con thứ 3 (tăng 26,18% so với cùng kỳ). Với mức sinh này, dự ước năm 2008 khó đạt được mục tiêu giảm sinh, giảm sinh con thứ 3 trở lên theo kế hoạch đã đề ra.

UBND TPHCM đã phát động Tháng hành động dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) năm 2008 nhằm đánh giá đúng thực trạng, chỉ rõ những yếu kém, phân tích nguyên nhân và rút ra bài học, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 47 của Bộ Chính trị đề ra. Sở Y tế TPHCM được giao nhiệm vụ, đảm bảo kết thúc Tháng hành động đạt từ 50%-70% chỉ tiêu KHHGĐ năm 2008.  

K. LIÊN

Tin cùng chuyên mục