Ngày mai 1-8: Tại Việt Nam chỉ quan sát được nhật thực một phần

(SGGP). – Hôm qua, 30-7, đã diễn ra 2 luồng thông tin khác nhau của các nhà khoa học Việt Nam về hiện tượng nhật thực toàn phần (NTTP) sẽ diễn ra ngày mai 1-8.

Theo ông Nguyễn Đức Phường (Hội Thiên văn - Vũ trụ Việt Nam) thì NT bắt đầu xảy ra lúc 15 giờ 4 phút 6 giây (giờ Việt Nam) và kết thúc lúc 19 giờ 38 phút 37 giây. Trong quá trình này, hiện tượng NTTP sẽ xảy ra từ lúc 16 giờ 11 phút 7 giây và kết thúc lúc 18 giờ 21 phút 28 giây.

Hiện tượng NTTP sẽ được quan sát thấy trong một dải hẹp, có bề rộng 236,9 km, kéo dài nửa vòng trái đất bắt đầu từ Canada, dọc theo Bắc đảo Greenland, Đại Tây Dương, Nga, Mông Cổ và Trung Quốc. Dải NT một phần sẽ được nhìn thấy trong một khu vực rộng bao gồm Đông Bắc châu Phi, Bắc Mỹ, hầu hết châu Âu, nhiều quốc gia ở châu Á, trong đó có Việt Nam.

Theo ông Phường, hầu hết các vùng trên lãnh thổ Việt Nam đều có cơ hội quan sát được hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này; tuy nhiên các tỉnh Nam bộ sẽ khó quan sát hơn.

Ông Phường cho rằng, các tỉnh Tây Bắc bộ và Bắc bộ sẽ quan sát được tốt hơn trước khi mặt trời gần đường chân trời; trong đó Cao Bằng là địa điểm lý tưởng có thể quan sát được tỷ lệ mặt trăng che khuất mặt trời lớn nhất là 73,2%; Hà Nội quan sát được khoảng 67,3% diện tích che khuất.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, TS Trần Tiến Bình (Ban Lịch Nhà nước, thuộc Viện KH-CN Việt Nam) cho biết, ngày 1-8 sẽ xuất hiện NT, song hiện tượng NTTP chỉ có thể thấy ở phía Bắc Canada, đảo Greenland, Siberia, Trung Quốc, Mông Cổ còn ở Việt Nam thì không thể quan sát được hiện tượng này.

TS Bình cho biết, theo tính toán, NT bắt đầu có ở Hà Nội vào 17 giờ 47 phút (giờ Việt Nam), khi đó độ cao của mặt trời chỉ đạt 9,66 độ. Đến 18 giờ 38 phút tại Hà Nội NT ở mức cực đại nhưng độ cao mặt trời lúc đó ở -1,68 độ. Vì vào thời gian này, mặt trời đã đi xuống dưới đường chân trời nên không thể quan sát được hiện tượng NTTP ở Việt Nam.

Quan điểm của TS Bình khá đồng nhất với các website khoa học quốc tế. Tất cả các website này đều không nhắc đến Việt Nam trong danh sách những quốc gia, khu vực nhìn thấy NTTP. Trong khi đó, một số nguồn tin dẫn từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, thì NTTP chỉ có thể thấy ở Canada, Bắc đảo Greenland, Nga, Mông Cổ và Trung Quốc.

Thông tin của NASA cũng nói rõ là tại Bắc Mỹ, phần lớn châu Âu và châu Á chỉ nhìn thấy NT một phần. Đây là thông tin được nhiều nhà khoa học cho là có cơ sở, ngay ảnh mô hình của NASA cũng có tính chính xác cao về hiện tượng và những nơi quan sát được hiện tượng NTTP lần này.

Như vậy, ngày mai, 1-8, chắc chắn ở Việt Nam sẽ quan sát được NT một phần và các nhà khoa học Việt Nam đều cảnh báo, không nên quan sát bằng mắt thường, nên có kính quan sát chuyên dụng hoặc có thể sử dụng các tấm phim chụp X-quang, kính thợ hàn để quan sát. Đây là lần NTTP lần thứ 5 trong thế kỷ 21 và lần tiếp theo sẽ xảy ra vào ngày 2-7-2009.

TRẦN BÌNH

Tin cùng chuyên mục