Thừa Thiên-Huế: Dân “thót ruột” vì sân golf!

Thấp thỏm trong vùng dự án
Thừa Thiên-Huế: Dân “thót ruột” vì sân golf!

Sau hơn một năm được phê duyệt, dự án sân golf và làng du lịch sinh thái truyền thống tại xã Thủy Dương vẫn án binh bất động, trong lúc đó hàng trăm hộ dân (chủ yếu ở thôn 1 và thôn 5) nằm trong vùng bị ảnh hưởng đang ngày đêm “đứng ngồi không yên”. Bởi nếu dự án tiến hành, họ không những thiếu đất để ở mà còn không có đất để sản xuất, chăn nuôi...

Thấp thỏm trong vùng dự án

Ngay từ đầu khi dự án được thông báo, người dân ở xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy đã tỏ ý băn khoăn, kiến nghị tỉnh Thừa Thiên-Huế xem xét kỹ tính khả thi của dự án này. Bởi họ cho rằng nếu triển khai dự án sân golf thì nên chuyển vị trí vào sâu vùng phía Tây của xã để tránh đảo lộn quá lớn quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó dành một số diện tích nhất định đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, việc gia tăng dân số và ổn định nghĩa trang, nghĩa địa...

Thừa Thiên-Huế: Dân “thót ruột” vì sân golf! ảnh 1

Người dân lo ngại vườn cây trái - nguồn thu nhập chính bị thu hồi làm sân golf.   Ảnh: Phan Lê

Tuy nhiên, trong một lần trả lời ý kiến của cử tri xã Thủy Dương, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng: “UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban ngành và địa phương liên quan phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư tiến hành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng; đồng thời, đã tổ chức làm việc với UBND huyện Hương Thủy và UBND xã Thủy Dương về dự án trên và đã có những điều chỉnh về quy mô dự án. Vì vậy, việc chuyển vị trí dự án là không phù hợp”.

Những kiến nghị của người dân do vậy vẫn chưa được xem xét, trong khi dự án sân golf không biết “treo” đến bao giờ? Tính đến thời điểm này, sau gần một năm rưỡi dự án được phê duyệt, công trình xây dựng sân golf và làng du lịch sinh thái  tại xã Thủy Dương vẫn chưa có động tĩnh gì!

Ông Lê Sơn Hà, một hộ dân nằm trong vùng dự án cho hay: “Người  dân nằm trong vùng quy hoạch sân golf thì như ngồi trên đống lửa, không yên tâm làm ăn, bởi không biết khi nào dự án thực hiện; người dân đang đứng trước nguy cơ không có đất đai để sản xuất, chăn nuôi... khi dự án triển khai. Trong lúc đó, giá đền bù của dự án quá thấp: Vào ngày 11-3-2008, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có Quyết định số 600/QĐ-UBND phê duyệt phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án khu sân golf và làng du lịch sinh thái tại xã Thủy Dương. Theo đó đất ở được bồi thường với giá 66.500đ/m2; đất vườn 47.000đ/m2; đất trồng cây lâu năm 13.000đ/m2; đất trồng hoa màu 10.000đ/m2; đất có rừng trồng sản xuất 2.500đ/m2... Với mức đền bù như vậy dân làm sao sống nổi”.

Tương lai hằng trăm hộ dân

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên-Huế, có  635 hộ dân có đất đai, vườn tược, nhà cửa; 25.000 mồ mả.... cần phải di dời giải tỏa để thực hiện dự án sân golf và làng sinh thái du lịch truyền thống. Việc giải quyết  chỗ ở, công ăn việc làm cho người dân về lâu dài sẽ ra sao?

Ngày 20-3-2007, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có quyết định phê duyệt dự án xây dựng sân golf - làng du lịch sinh thái truyền thống với tổng diện tích 145,9ha tại xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy (khu vực giáp phía Tây Nam thành phố Huế). Theo kế hoạch, sân golf sẽ xây dựng trong thời gian 2 năm với kinh phí 237,3 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Thiên An làm chủ đầu tư.

Ông Lê Văn Liêm (72 tuổi), người dân thôn 1 xã Thủy Dương cho hay: “Cả đại gia đình tôi có 17 người sống chủ yếu dựa vào 15.000m2 đất trồng trọt và hoa màu tại khu vực này. Mọi thứ chi phí gia đình từ hơn 30 năm nay đều dựa vào mảnh đất này. Khi dự án sân golf quy hoạch, nhà đầu tư đã họp dân thông báo sẽ đền bù 1m2 đất hoa màu là 10.000đ (chỉ bằng nửa lít xăng), trong lúc đó mỗi mét vuông đất hoa màu, mỗi năm thu được trên 20.000đ. Hơn nữa họ bảo là sẽ di dời giải tỏa, nhưng không biết di dời đi đâu? Nếu mà thu hồi đất thì cả đại gia đình tôi phải đi làm thuê để kiếm sống mà thôi. Bây giờ đất của xã Thủy Dương trở nên khan hiếm, trong thôn có người chết cũng phải sang xã bên để mua đất chôn. Đất ở và đất sản xuất không còn nữa thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi biết, chính quyền nói ra thì ngại cấp trên, chứ họ cũng không muốn đẩy dân vào thế bí...”. 

Còn ông Ngô Làm, thôn 5 xã Thủy Dương thì cho hay: “Gia đình tôi có 5 người  làm nghề nông, kinh tế gia đình đều dựa vào 1ha đất hoa màu và đất đồi. Nếu mà bị tỉnh thu hồi làm sân golf thì  không biết làm việc gì để kiếm sống, khi đó chỉ có đói dài dài”. Đây cũng là tâm trạng chung của hàng trăm hộ dân xã Thủy Dương bị ảnh hưởng trong vùng dự án sân golf.

Ông Nguyễn Hiền, thôn trưởng thôn 1, xã Thủy Dương, cho biết: Hầu hết người dân trong thôn không đồng tình với việc xây dựng sân golf trên địa bàn bởi một lượng lớn đất trồng cây hoa màu, đất lâm nghiệp bị thu hồi.

Trong lúc đó, đất nông nghiệp của xã Thủy Dương giờ đã không còn, bởi các dự án đường Thuận An - Tự Đức, khu đô thị mới Đông Nam Thủy An  thực hiện trước đây trên địa bàn xã đã thu hồi phần lớn diện tích đất nông nghiệp của dân. Nếu bây giờ tiếp tục thu hồi thêm 145,9ha nữa thì dân lấy đất đâu để sản xuất. Hơn nữa, khu vực quy hoạch sân golf  “dính” rất nhiều nhà cửa, mồ mả của dân mà phần lớn mồ mả người dân đã phải di dời 1-2 lần (do thực hiện các dự án trước), đây là vấn đề bức xúc của người dân chúng tôi .

PHAN LÊ

Tin cùng chuyên mục