Sự cố từ các vết nứt của công trình hầm Thủ Thiêm: Nhà thầu cũng bất ngờ…

Sự cố về các vết nứt trên 4 đốt hầm Thủ Thiêm tiếp tục phát triển dài hơn, sâu hơn, thậm chí xuất hiện thêm nhiều vết mới đã làm cho không khí tại công trường thi công Đại lộ Đông-Tây TPHCM vào chiều qua 18-8 thật “nóng” dù trời mưa rả rích. Điều này dẫu không mới với một số kỹ sư, chuyên viên kỹ thuật của nhà thầu Obayashi Corporation vì chính họ và các tư vấn giám sát đã quan trắc và báo cáo việc này cho ngành chức năng nhưng nhiều người khác cho biết vẫn “bất ngờ” trước diễn biến ấy.

Một cán bộ kỹ thuật lý giải: vật tư xây dựng mua đúng quy định, quy trình thi công được tuân thủ nghiêm ngặt, đội ngũ kỹ thuật cũng như công nhân được tuyển chọn… đầu vào chuẩn như vậy nên tại sao đầu ra không đạt kết quả như mong muốn là điều khó hiểu.

Không chỉ nhà thầu “khó hiểu” mà  ông Huỳnh Ngọc Sỹ, Giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông-Tây TPHCM - chủ đầu tư công trình cũng khẳng định, tất cả các nguyên nhân gây hiện tượng nứt phát triển trên 4 đốt hầm mới chỉ là nghi vấn.

Tuy nhiên, khác với người cán bộ trên, ông Sỹ nêu giả thiết, việc này có thể là do tay nghề công nhân, cán bộ kỹ thuật chưa cao hoặc cũng có thể do nhiệt độ khu vực đúc hầm diễn biến bất thường, thậm chí có thể do vật liệu xây dựng chưa đạt chuẩn… Có nghĩa là “đầu vào” có vấn đề. Thế nhưng, đâu là câu trả lời cuối cùng, cả ông Sỹ cùng nhiều cán bộ của nhà thầu vẫn khẳng định “phải đợi ý kiến cuối cùng của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng”.

Thực ra, việc 4 đốt hầm Thủ Thiêm thuộc dự án xây dựng Đại lộ Đông-Tây bị nứt đã được công bố công khai từ đầu năm 2008. Tuy nhiên, lúc ấy nhà thầu cũng như một số cán bộ của Ban quản lý dự án Đại lộ Đông-Tây cho rằng đó chỉ là vết rạn, nằm trong tiêu chuẩn cho phép. Thế nhưng, các vết rạn ấy không dừng lại và đã… phát triển thành những vết nứt. Các vết nứt ở thành tường thẳng đứng kéo dài đến 2-3m với bề rộng lớn nhất tới 1mm (trong khi đó tiêu chuẩn xây dựng do nhà thầu đưa ra là dưới 0,28mm).

Các vết nứt ở giữa các phân đoạn đổ bê tông của mỗi đốt hầm kéo dài gần như hết chiều cao đốt hầm với bề rộng đến 0,3mm… Mức độ nứt này đã làm cho tư vấn giám sát của công trình là Công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương-Nhật Bản phải lo ngại sẽ ảnh hưởng đến độ bền của bê tông trong tương lai vì nhiều vết nứt ở bản đỉnh có hiện tượng thấm nước khi trời mưa. Theo thời gian, nước sẽ ăn mòn lớp cốt thép và gây ra sự phân tầng lớp bê tông bảo vệ, mảng bê tông đáy bản đỉnh bị tách ra, có thể rơi xuống các phương tiện đang lưu thông trong hầm.

Hiện nay, theo ông Huỳnh Ngọc Sỹ, tất cả những diễn biến nêu trên đang được tư vấn giám sát và nhà thầu quan trắc liên tục từng giờ. Mọi thông tin đều được cập nhật thường xuyên để gửi về Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng. Ông Sỹ cũng cho biết, khả năng là đến cuối tuần này Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng sẽ có kết luận cuối cùng về nguyên nhân cũng như giải pháp để xử lý các vết nứt này.

Tuy nhiên, ông Sỹ cũng nói đến khả năng mời thêm chuyên gia nước ngoài để thẩm định vì công trình hầm ngầm có quy mô lớn như vậy còn quá mới mẻ ở Việt Nam. Nếu quá trình xử lý sự cố diễn ra trong khoảng 2 tháng thì về cơ bản không ảnh hưởng đến tiến độ thi công của toàn dự án. Sau khi xác định nguyên nhân sự cố, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng “quyết” đơn vị nào có lỗi thì đơn vị ấy sẽ phải trả chi phí khắc phục.

Ngoài 4 đốt hầm Thủ Thiêm, ông Sỹ cũng thừa nhận hầm chữ U-hầm dẫn xuống 4 đốt hầm Thủ Thiêm đang bị lún với tốc độ 10mm/tháng. Đây là mức lún không nằm trong dự kiến và tư vấn giám sát cùng nhà thầu đang quan trắc để tìm giải pháp xử lý.

Nguyễn Khoa

Tin cùng chuyên mục