Sàn giao dịch việc làm cho người nghèo

“Ngày hội lao động việc làm, ưu tiên lao động nghèo” vừa diễn ra trong ngày Quốc tế Vì người nghèo (17-10). Không chỉ giải quyết việc làm cho hơn nửa vạn lao động đến với sàn giao dịch, người lao động còn được tư vấn, chia sẻ về các ngành nghề có thể tạo công ăn việc làm bền vững, ổn định.
Sàn giao dịch việc làm cho người nghèo

“Ngày hội lao động việc làm, ưu tiên lao động nghèo” vừa diễn ra trong ngày Quốc tế Vì người nghèo (17-10). Không chỉ giải quyết việc làm cho hơn nửa vạn lao động đến với sàn giao dịch, người lao động còn được tư vấn, chia sẻ về các ngành nghề có thể tạo công ăn việc làm bền vững, ổn định.

Liên thông cung-cầu

8 giờ sáng, Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM đã không còn chỗ trống. 60 doanh nghiệp với nhu cầu tuyển dụng gần 15.000 lao động thực sự làm cho những ứng viên đến tham gia tràn đầy hứng khởi và hy vọng.

Bà Trần Thị Lan, 62 tuổi, đến từ phường Bình Trưng Tây (quận 2 TPHCM) hí hoáy viết vào mẫu đăng ký tìm việc tại gian hàng của Công ty cổ phần Đầu tư Toàn Cầu (Gigate) nói: “Sáng sớm, xem tivi thấy thông báo có hội chợ việc làm ưu tiên lao động nghèo, tôi vội chạy ngay lên đây. Biết tôi muốn tìm công việc tạp vụ, ban tổ chức đã chỉ dẫn và tôi vừa tìm được việc thích hợp rồi”.

Gian hàng của Gigate có 74 vị trí tuyển dụng trong lĩnh vực nhà hàng, như nhân viên phục vụ, tạp vụ, phụ bếp, rửa chén… nên tập trung khá đông lao động nghèo là phụ nữ lớn tuổi đến tìm kiếm cơ hội. Do không yêu cầu bằng cấp, kinh nghiệm nên nhiều bạn trẻ có học vấn thấp cũng đã tìm được các công việc phục vụ, phụ bếp ở gian hàng này.

Người lao động nghe tư vấn nghề nghiệp tại sàn giao dịch việc làm ngày 17-10-2009. Ảnh: Q.L.

Người lao động nghe tư vấn nghề nghiệp tại sàn giao dịch việc làm ngày 17-10-2009. Ảnh: Q.L.

Với vai trò, trách nhiệm của đơn vị vừa tổ chức vừa tham gia sàn giao dịch, Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM (Sở LĐ-TBXH) đã chuẩn bị khá chu đáo cho mục tiêu mang việc làm đến lao động nghèo. Với 34 ngành nghề - rất đa dạng - như nhân viên kỹ thuật, văn phòng, kế toán, giao nhận, bán hàng, lái xe, tạp vụ… nên gian hàng của trung tâm luôn kín ứng viên. Chồng hồ sơ nhận vào ngày một cao, tương ứng với các thông báo trúng tuyển được đưa ra. Nhiều gương mặt tươi cười vì tìm kiếm được “cần câu cơm” như mong đợi.

Bạn Nguyễn Văn Tâm đến từ quận Gò Vấp, tốt nghiệp Đại học Công nghiệp TPHCM, cho biết đã trên 10 lần nộp hồ sơ ở các công ty nhưng chưa nhận được hồi đáp. Đến với sàn giao dịch việc làm lần này, Tâm đã tìm được “bến đỗ” cho mình, với vị trí nhân viên kỹ thuật điện tử.

Gian hàng của Trường Trung cấp Nghề số 7 (Quân khu 7) cũng là một trong những điểm đến thú vị của rất nhiều ứng viên. Gặp chị Đặng Thị Kim Dung phụ trách gian hàng, sau 3 giờ khai trương sàn giao dịch, chị cho biết đã có 80 người trực tiếp làm thủ tục nhận việc ngay tại đây.

“Chúng tôi mang tới ngày hội lao động việc làm lần này 34 đầu việc với nhu cầu lên đến 2.000 lao động, mức lương từ 1,5 đến 9 triệu đồng/tháng để đáp ứng nhiều đối tượng khác nhau. Cơ hội cho lao động nghèo luôn chờ đón, điều quan trọng là tạo ra môi trường tốt để cung và cầu đáp ứng nhau” - Chị Dung nói.

Ngày hội khép lại với 1.519 người nhận được việc làm. Và chắc chắn trong những ngày tiếp theo, hồ sơ các ứng viên chưa kịp giải quyết tại sàn giao dịch cũng tiếp tục được xem xét và cơ hội cho lao động nghèo sẽ còn nhiều hơn.

Định hướng 

Ngoài sự sôi động tại các gian hàng, không khí tại khu vực tư vấn nghề nghiệp do các chuyên gia việc làm phụ trách cũng được nhiều người quan tâm. Theo ông Nguyễn Thanh Hiệp, phụ trách Đào tạo và hướng nghiệp của Sở LĐ-TBXH nói, nghề hàn kỹ thuật hiện đang rất khát lao động, đặc biệt là đối với các đơn vị chế tạo cơ khí kỹ thuật cao. Khâu này hiện diện trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất, từ đơn giản đến cao cấp, nó thực sự là một ngành nghề có tính ổn định về cả chế độ đãi ngộ lẫn việc làm.

Tuy nhiên, người dân TP còn chê và cho đây là nghề nặng nhọc, vất vả nên ít ai lựa chọn. Các ban ngành chức năng cần giúp người lao động, nhất là lao động nghèo trình độ chưa cao tìm hiểu ưu điểm của nghề hàn để họ có một công việc tốt, đồng thời qua đó cũng góp phần phát triển ngành công nghiệp của TPHCM.

Theo ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH, do áp lực kiếm sống hàng ngày nên người nghèo dễ chấp nhận các việc làm thời vụ, không ổn định và có phần nguy hiểm. Thông qua sàn giao dịch việc làm lần này, sở sẽ xây dựng kế hoạch tuyên truyền, định hướng để người lao động nghèo trau dồi tay nghề và tìm được việc làm có tính bền vững.

Trong hai năm trở lại đây, hàng chục ngàn lao động tại TPHCM bị mất việc và thiếu việc làm do tác động của suy giảm kinh tế. Tình hình này chủ yếu tập trung tại các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất hàng xuất khẩu không tìm được đầu ra, như các ngành: giày da, may mặc, chế biến gỗ, sản xuất hàng tiêu dùng,… và đối tượng bị mất việc nhiều nhất chính là lực lượng lao động phổ thông, gia cảnh nghèo.

Những hoạt động như ngày hội việc làm dành cho người nghèo sẽ là chỗ dựa để người nghèo được định hướng, giới thiệu và giúp đỡ việc làm phù hợp. 

QUÝ LÂM

Tin cùng chuyên mục