Dân số TPHCM bùng nổ do tăng cơ học

Mỗi năm tăng dân số bằng 1 quận

Tốc độ tăng bình quân dân số TPHCM từ năm 1999 - 2009 cao hơn hẳn tốc độ tăng dân số các thời kỳ trước. Đó là kết quả sơ bộ do Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở TPHCM 2009 báo cáo với UBND TPHCM ngày 23-10.

Mỗi năm tăng dân số bằng 1 quận

Ông Dư Quang Nam, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM cho biết, theo kết quả tổng hợp sơ bộ do Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở (TĐTDS-NƠ) Trung ương công bố, tổng dân số của TPHCM vào lúc 0 giờ ngày 1-4-2009 là 7.123.340 người, tăng 2.086.185 người, tăng 41,4% so với thời điểm 1-4-1999 (hơn 5 triệu người). Như vậy, trong 10 năm, tốc độ tăng dân số bình quân của TP là 3,5%/năm.

Mức tăng dân số TP trong thời kỳ 1999 - 2009 bằng 2 lần mức tăng dân số thời kỳ 1989 - 1999 và bằng 3,7 lần mức tăng dân số thời kỳ 1979 - 1989. “Bình quân một năm TPHCM tăng 208.000 người, gần bằng dân số của 1 quận trung bình tại TPHCM” - ông Nam nói.

Theo bà Lê Thị Thanh Loan, Phó Cục trưởng Cục Thống kê TP, tốc độ tăng bình quân dân số TPHCM từ năm 1999 - 2009 cao hơn hẳn tốc độ tăng dân số các thời kỳ trước. Nếu như thời kỳ 1979 - 1989 và 1989 - 1999 dân số tăng chủ yếu do yếu tố tăng tự nhiên (tỷ lệ tăng của 2 thời kỳ này lần lượt là 1,61% và 1,52%) thì giai đoạn 1999 - 2009 dân số TP tăng chủ yếu do tăng cơ học, tỷ lệ di cư thuần bằng 2/3 tỷ lệ dân số hàng năm của TP.

Qua cuộc TĐTDS-NƠ năm 2009 cho thấy, biến động dân số của TP có xu hướng giảm ở các quận trung tâm, quận nội thành; tăng nhiều ở các quận ven, quận mới và tăng chậm ở các huyện. Dân số ở các quận nội thành đã có xu hướng giảm hoặc tăng chậm từ thời kỳ 1989 - 1999, nhưng đến thời kỳ 1999 - 2009 dân số các quận trung tâm giảm khá nhanh.

Nguyên nhân là do một số hộ dân phải di dời để thực hiện các dự án nâng cấp đô thị. Mặt khác, do nhu cầu thuê nhà làm văn phòng, cửa hàng ở các quận trung tâm tăng cao nên nhiều hộ gia đình đã cho thuê hoặc bán nhà để ra các quận mới, quận ven để sinh sống vì có giá nhà đất rẻ hơn.

Cũng theo số liệu thống kê, quá trình đô thị hóa của TP rất nhanh cũng đã giãn dân từ các quận trung tâm ra các quận ven, quận mới. Trong đó, tỷ lệ tăng dân số tại các quận mới là cao nhất. Theo bà Thanh Loan, tuy thời gian qua TP đã chia tách một số quận - huyện, phường - xã nhưng quy mô dân số tại các địa phương còn cao. Hiện có 11/24 quận - huyện có quy mô dân số trên 300.000 người.

Dân số tăng vượt tầm quản lý?

Sau khi nghe báo cáo sơ bộ, ông Đỗ Thức, Phó Cục trưởng Tổng cục Thống kê (Ban chỉ đạo TĐTDS-NƠ Trung ương) cho rằng, quy mô dân số của TPHCM phát triển quá nhanh và ngày càng tăng, cùng với đặc điểm cư trú của dân cư trên địa bàn TP đặt ra cho TP nhiệm vụ khó khăn trong việc quản lý dân cư TP nói riêng và quản lý kinh tế - xã hội nói chung.

“Với số lượng dân số TPHCM hơn 7 triệu dân như hiện nay thì nhà ở, cơ sở hạ tầng, giao thông đáp ứng không đủ, phải chăng đã vượt quá tầm quản lý của TP?” - ông Thức đặt vấn đề. Ông cũng cho rằng, với sự di dân từ các quận trung tâm ra các quận mới, quận ven một cách rõ rệt tại TPHCM trong thời gian qua cũng đặt ra cho TP về vấn đề quản lý dân cư và hoạch định việc phát triển kinh tế - xã hội sao cho hợp lý.

Ông Thức cũng lưu ý, với dân số TP gần 7,2 triệu người chỉ là nhân khẩu thực tế thường trú, ngoài ra còn khoảng 300.000 - 500.000 dân vãng lai cũng cần phải đưa vào để phân tích con số thống kê một cách chính xác.

Phó Chủ tịch Thường trực UBNDTP Nguyễn Thành Tài cho rằng, mặc dù chỉ mới là số liệu sơ bộ, nhưng cuộc TĐTDS-NƠ đã đưa ra được bức tranh tổng thể về tình hình kinh tế - xã hội, cơ cấu dân cư, xu hướng di dân và đặc biệt là chất lượng nguồn lao động. Qua đó thấy rõ được những vấn đề bất cập trong chủ trương, chính sách từ trung ương đến địa phương.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Tài, với Luật Cư trú như hiện nay thì tất cả đều bị phá vỡ. Nếu không kiểm soát được sự di dân thì không thể chủ động trong việc hoạch định và phát triển kinh tế - xã hội mà chỉ chạy theo để giải quyết. Để quản lý một TP lớn và năng động như TPHCM thì việc hoạch định công tác quản lý cả về an ninh xã hội, an ninh quốc phòng và quản lý kinh tế - xã hội thì cần có những con số thống kê thật chính xác để từ đó có thể đưa ra những chính sách, biện pháp phù hợp nhằm định hướng chiến lược phát triển lâu dài của TP.

Bên lề hội nghị, trước băn khoăn về tốc độ phát triển dân số tại TPHCM như hiện nay thì các vấn đề quy hoạch của TP đặt ra trước đây sẽ bị phá vỡ (vì theo dự báo dân số để TP xây dựng các quy hoạch phát triển hạ tầng, giao thông, nhà ở, kinh tế - xã hội… đến năm 2020 là khoảng 10 triệu dân), Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Tài cho rằng, TP không bất ngờ vì đã dự báo được việc tăng dân số tại TPHCM là do dân số tăng cơ học cao.

Với tốc độ tăng dân số như hiện nay, TP phải đối diện với nhiều vấn đề như lao động, việc làm, nhà ở, quản lý dân cư, quản lý an ninh trật tự, quản lý xã hội, chính sách cư trú… Tuy nhiên để giải quyết được các bài toán này thì cần phải có một cái nhìn toàn diện hơn và không thể giải quyết được bằng những quyết sách trước mắt và phải huy động sức mạnh tổng hợp.

Trên hết, TP sẽ dựa vào số liệu này làm cơ sở để TP kiến nghị một số quyết sách từ trung ương để từ đó TP có thể chủ động nhằm giải quyết vấn đề một cách căn cơ.

Hạnh Nhung

Tin cùng chuyên mục