Hỗ trợ người lao động ở 61 huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài

(SGGP).- Chiều qua, 13-5, tại Hà Nội, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã tổ chức triển khai Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động (XKLĐ) góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020 theo quyết định của Thủ tướng. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng cho biết, từ nay đến năm 2020, Nhà nước sẽ đầu tư 4.715 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động cư trú dài hạn tại 61 huyện nghèo và các tổ chức, doanh nghiệp XKLĐ.

Đây là đề án hứa hẹn sẽ tạo được đột phá về XKLĐ tại 61 huyện nghèo, vì hiện tại số lao động đi làm việc ở nước ngoài của 61 huyện này rất thấp (trong năm 2008 chỉ có khoảng 3.000 người đi).

Trước mắt, để thực hiện mục tiêu giai đoạn 2009-2010 thí điểm đưa 10.000 lao động thuộc các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài (bình quân mỗi năm sẽ xuất khẩu khoảng 5.000 lao động) và giai đoạn 2016-2020 nâng lên hơn 70.000 lao động xuất khẩu, cục sẽ tiến hành thí điểm tại tỉnh Thanh Hóa, tiếp đến là ở Yên Bái, Quảng Ngãi.

“Do đây là cơ chế đặc thù nên chúng tôi phải vừa làm vừa mò mẫm bước đi thích hợp, rút kinh nghiệm”, ông Quỳnh nói.

Theo đề án này, Chính phủ sẽ hỗ trợ người lao động học bổ túc văn hóa, học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết để tham gia XKLĐ; cho người lao động vay tín dụng ưu đãi với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hiện hành của Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng cho đối tượng chính sách đi XKLĐ; trong đó, người lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ 100% học phí học nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức.

Mục tiêu của đề án là từ nay đến 2010 giảm khoảng 19% số hộ nghèo ở các huyện này.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục