Quỹ Thanh niên khởi nghiệp: Chỗ dựa cho thanh niên nghèo

Họ bước vào “cuộc chơi” làm kinh tế chỉ với những đồng vốn nhỏ vay từ Quỹ “Thanh niên khởi nghiệp” của Hội Liên hiệp thanh niên TPHCM (HLHTN) nhưng đã đạt được ít nhiều những thành công bước đầu. Từ những thanh niên nghèo chí thú làm ăn, họ đã thoát nghèo và giúp đỡ thêm nhiều người khác. Anh Nguyễn Bá Tiến đang làm quai dép.
Quỹ Thanh niên khởi nghiệp: Chỗ dựa cho thanh niên nghèo

Họ bước vào “cuộc chơi” làm kinh tế chỉ với những đồng vốn nhỏ vay từ Quỹ “Thanh niên khởi nghiệp” của Hội Liên hiệp thanh niên TPHCM (HLHTN) nhưng đã đạt được ít nhiều những thành công bước đầu. Từ những thanh niên nghèo chí thú làm ăn, họ đã thoát nghèo và giúp đỡ thêm nhiều người khác.

Anh Nguyễn Bá Tiến đang làm quai dép.

Anh Nguyễn Bá Tiến đang làm quai dép.

1. Anh Nguyễn Bá Tiến (quận Bình Tân) bắt đầu sự nghiệp riêng của mình từ năm 2002 bằng nghề làm giày dép truyền thống của gia đình. Chỉ mang theo chút ít kinh nghiệm và niềm đam mê, anh quyết khởi nghiệp bằng chính sức của mình. Thời gian đầu, vợ chồng anh chỉ làm những mặt hàng bình dân (học nghề từ cha mẹ) như dép xốp, đế giày thủ công. Quần quật suốt ngày, thậm chí suốt đêm nhưng mỗi tháng họ chỉ sản xuất được gần 200 đôi dép nên cuộc sống gia đình vẫn bấp bênh. Sau hơn một năm, anh quyết định chuyển sang làm mặt hàng giày dép thời trang và đây chính là bước ngoặt quan trọng nhất.

Trong 6 tháng đầu năm 2009, Quỹ Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp đã phát vay cho 22 dự án trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh thương mại dịch vụ và sản xuất tiểu thủ công nghiệp với tổng số vốn 396 triệu đồng. Trong tháng 7-2009, quỹ tiếp tục phát vay cho 12 dự án của thanh niên tại quận 10, quận 12 và huyện Cần Giờ, với số vốn 232 triệu đồng.

Những ngày bắt đầu với mặt hàng đòi hỏi sự cạnh tranh, anh Tiến phải đến các chợ đầu mối, shop bán lẻ để giới thiệu từng kiểu giày rồi phấp phỏng chờ đợi xem “đứa con” của mình có được thị trường chấp nhận hay không. Ngoài việc nhận gia công cho một số shop hoặc làm theo mốt đang “nóng” trên thị trường, hầu hết những kiểu giày ở xưởng đều do anh tự thiết kế từ kiểu dáng, hoa văn đến màu sắc, chất liệu. Không hiếm những lúc anh cặm cụi, loay hoay suốt cả ngày trời để vẽ, cắt cho được mẫu giày như ý. Thấy anh Tiến chí thú làm ăn, lại có phương án tốt, năm 2007, HLHTN đã cho anh vay 15 triệu đồng. Với số tiền đó anh Tiến mua thêm máy, thuê thêm người, nhờ đó công việc dần phát triển.

Để có được một cơ sở làm giày dép với 12 nhân công, hằng tháng sản xuất trên 2.000 đôi giày với doanh thu 70-80 triệu đồng như hiện giờ, anh Tiến đã trải qua không ít khó khăn. Anh nhớ nhất là lần kiểu giày quai khóa đang thịnh hành mà cơ sở lại không sản xuất loại này, để mất đơn hàng cả ngàn đôi. “Tức khí”, anh quyết định  bỏ ra  17,5 triệu để làm khóa. Thế nhưng một tháng sau kiểu dáng này lại lỗi mốt, vậy là hàng bán không được. Lần đó anh lỗ lớn, tưởng đã bỏ cuộc. Lần khác anh lại bị một mối hàng ở Đà Nẵng “quịt” mười mấy triệu đồng. Nhớ lại những cú vấp ngã đó, anh chỉ cười và nói: “Công việc làm ăn là vậy, luôn có rủi ro nhưng tôi lại là người ưa mạo hiểm, thích cạnh tranh nên phải chấp nhận!”. Hiện nay, anh đã gầy dựng được thương hiệu Mi Tu Shoes. Anh tâm sự: “Mỗi người đều có một con đường, thành công hay thất bại là do mình chọn và cố gắng thực hiện…”. Và có lẽ anh đã chọn đúng con đường của mình.

Anh Đặng Quốc An dệt thảm trên chiếc máy mua từ tiền vay của Quỹ Thanh niên khởi nghiệp.

Anh Đặng Quốc An dệt thảm trên chiếc máy mua từ tiền vay của Quỹ Thanh niên khởi nghiệp.

2. Chàng thanh niên nghèo Đặng Quốc An (xã Đông Thạnh huyện Hóc Môn) đến với nghề dệt thảm rất tình cờ. Anh kể: “Dịp tết, tôi qua nhà người bạn chơi thì thấy bạn đang dệt thảm. Thấy khung dệt đơn giản, cách làm cũng không phức tạp, vậy là tôi về tự mày mò đóng máy, tìm cách dệt”. Năm 2006, với số vốn 2 triệu đồng vay mượn, anh An tự mua gỗ về đóng máy rồi mua khoảng 2, 3 bao dây về dệt. Chân ướt chân ráo bước vào nghề, không ai chỉ dẫn, anh gặp… đủ thứ chuyện. Mấy lần đầu dệt thảm đều bị hư, anh bèn ra chợ mua thảm người khác dệt về mày mò nghiên cứu, hơn nửa tháng thì thành công.

Gần một năm đầu, chỉ có anh dệt chính, mẹ anh phụ nối dây, mỗi ngày làm khoảng 40-50 tấm. Sản phẩm không đẹp, lại là “lính mới” nên anh bị bạn hàng “ép” giá. Anh phải hạ giá thảm thấp để cạnh tranh, chịu lỗ hoặc huề vốn, sau sản phẩm làm đẹp mới nâng giá lên từ từ. Nhờ số vốn vay của HLHTN và tiền lời tích góp được, anh đóng thêm máy, thuê thêm người, dựng được một căn nhà lá để làm xưởng. Muốn tiết kiệm chi phí, thay vì thuê xe tải chở dây, thảm, anh và người em chịu khó dùng xe máy chuyên chở. Anh cũng mua dây, bán thảm từ đầu mối lớn đến cửa hàng nhỏ, bất kể số lượng ít hay nhiều. Hiện giờ xưởng dệt của anh có 3 máy với 5-6 nhân công, mỗi ngày sản xuất khoảng 250 tấm thảm, thu hơn 15 triệu đồng/tháng.

Chưa hài lòng với nghề dệt thảm, cách đây 3 tháng anh còn nuôi 2 con bò sữa và mở một đại lý bia, nước ngọt, gạo… Anh tâm sự: “Thấy người ta làm giàu, nuôi bò mấy ngàn con, mình cũng nóng lòng lắm chứ nhưng sức mình có hạn, phải đi từng bước, từ từ…”. Mới 25 tuổi, chắc chắn người thanh niên này sẽ không dừng lại ở đây!

Cả 2 anh Tiến và An đều đã vay vốn từ Quỹ Thanh niên khởi nghiệp và làm ăn kinh tế hiệu quả, các anh là hai trong số 12 trường hợp được quỹ phát vay trong tháng 7-2009. Với sự hỗ trợ từ chỗ dựa đáng tin cậy này, chắc chắn nhiều thanh niên có thêm cơ hội để thoát nghèo.

Ngọc Anh

Tin cùng chuyên mục