Dân số Việt Nam: 85,8 triệu người

- 5 tỉnh, thành có đông dân nhất:
  • Chưa mất cân bằng giới tính
  • TPHCM đông dân nhất: 7,12 triệu người

Ngày 13-8, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở TƯ đã tổ chức công bố kết quả sơ bộ của cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009. Theo đó, tính đến 0 giờ ngày 1-4-2009, tổng số dân của Việt Nam là 85.789.573 người. Với con số này, Việt Nam là nước đông dân thứ 3 ở Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) và đứng thứ 13 trong số những nước đông dân nhất thế giới. Đây là cuộc điều tra dân số lần thứ 4 của Việt Nam.

Với kết quả điều tra lần này, theo Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chỉ ra 5 chỉ tiêu cơ bản về dân số Việt Nam.

Thứ nhất là về quy mô tăng dân số. Sau 10 năm, dân số nước ta đã tăng thêm 9,47 triệu người, bình quân mỗi năm tăng 947.000 người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giữa 2 cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999 và 2009 là 1,2%/năm, so với thời kỳ 10 năm trước (1989 - 1999), tỷ lệ 1,7%/năm, thì tỷ lệ này đã giảm đáng kể. Điều này khẳng định mức sinh của Việt Nam đã giảm liên tục trong vòng 10 năm qua. Đây cũng là thời kỳ có tỷ lệ tăng dân số thấp nhất trong vòng 50 năm qua. Đại diện Quỹ dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam cũng chúc mừng tỷ lệ sinh của Việt Nam đã liên tục giảm.

Thứ hai, về dân số của các vùng kinh tế, kết quả điều tra đã minh chứng kinh tế phát triển đã dẫn đến sự chuyển dịch của dân số. Cụ thể là có vùng tăng, vùng tăng chậm và cũng có nhiều tỉnh thành giảm dân số. 10 năm qua, dưới tác động của kinh tế thị trường, dân số và lao động đã có sự phân bố lại trên quy mô rộng và với cường độ mạnh mẽ trong phạm vi cả nước. Cụ thể, tỷ trọng dân số của 2 vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên tăng, trong khi 4 vùng còn lại đều giảm. Điều đó có nghĩa là, 10 năm qua, số dân nhập cư đã “ùn ùn” đổ về Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Đông Nam bộ là vùng có tỷ lệ tăng dân số cao nhất (3,2%/năm).

Thứ ba, về dân số thành thị và nông thôn, kết quả điều tra lần này cho thấy, sau 10 năm dân số thành thị đã tăng lên với tỷ lệ tăng bình quân là 3,4%/năm (ở khu vực nông thôn chỉ tăng 0,4%/năm). Dân số khu vực thành thị tăng nhanh chủ yếu là do di dân và quá trình đô thị hóa. Dẫu vậy, đến thời điểm này, dân số thành thị ở Việt Nam vẫn mới chỉ đạt 29,6% (năm 1999 là 23,5%). “10 năm qua, dân thành thị đã tăng 6,1% nhưng 70% dân số vẫn ở nông thôn. Điều này có nghĩa, Việt Nam vẫn là một nước phát triển thấp. Việt Nam vẫn chưa là nước công nghiệp phát triển (phải có 65% dân số thành thị). Chúng ta còn phải phấn đấu nhiều” - Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nói.

Thứ tư, về tỷ số giới tính, với số dân hiện tại, dân số Việt Nam bao gồm 49,5% nam và 50,5% nữ (98,1 nam/100 nữ). Như vậy, tỷ số giới tính của dân số tuy cao hơn so với cuộc tổng điều tra dân số năm 1999 (96,7 nam/100 nữ), tuy có tăng lên nhưng vẫn ở giới hạn an toàn, chưa bị mất cân bằng giới tính như lo ngại. Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, đây là một “kết quả đẹp, đáng mừng”, vì từ trước tới nay, dư luận luôn lo lắng tình trạng mất cân bằng giới tính. Đáng chú ý, tỷ số giới tính cao hơn ở những vùng phát triển nhanh với các ngành nghề thu hút những người di cư là nam giới từ các nơi khác đến và ngược lại, tỷ số này sẽ thấp hơn ở những vùng có mức phát triển nhanh nhưng chủ yếu phát triển các ngành nghề thu hút lao động nữ là chính.

Thứ năm, dân số chia theo tỉnh có sự khác biệt lớn. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hàng năm giữa 2 cuộc tổng điều tra năm 1999 và 2009 của cả nước là 1,2%. Nhưng nếu tính theo tỉnh thành, một số tỉnh thành có tỷ lệ tăng dân số bình quân hàng năm giữa 2 cuộc tổng điều tra 1999 và 2009 gấp 2 lần mức chung của cả nước. Đó là Bình Dương 7,3%; TPHCM 3,5%; Kon Tum 3,1%, Bình Phước 2,9%... Trong khi đó, một số tỉnh ở vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ thậm chí dân số giảm đi vì số người sinh ra ít hơn người chuyển đi làm ăn sinh sống ở nơi khác (điển hình là Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh... Theo nhận định chung, đó là do sự biến động cơ học lớn của dân số.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, kết quả điều tra dân số lần này sẽ giúp đánh giá chính xác hơn kết quả phát triển kinh tế –xã hội 10 năm qua, là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách tính toán cho kế hoạch 10 năm tới.

Kết quả toàn bộ của cuộc tổng điều tra sẽ được công bố vào tháng 9-2010.

- 5 tỉnh, thành có đông dân nhất: TPHCM 7,12 triệu người; Hà Nội 6,44 triệu người, Thanh Hóa 3,4 triệu người, Nghệ An 2,9 triệu người, Đồng Nai 2,48 triệu người.

- 5 tỉnh có ít dân nhất: Bắc Kạn 294.000 người; Lai Châu 370.000 người; Kon Tum 430.000 người; Đắc Nông 489.000 người; Điện Biên 490.000 người.

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục